Kỳ thi THPT quốc gia 2016 trước “giờ G” có gì đặc biệt?

Google News

Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ chính thức được khởi động. Mặc dù gặp nhiều bỡ ngỡ, song trước "giờ G", công tác chuẩn bị ở nhiều nơi đã hoàn tất.

Vùng khó “yên tâm”
Chỉ còn ít ngày nữa Lò Thị Xay (Trường THPT số 1 Bát Xát, Lào Cai) sẽ về TP.Lào Cai tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Xay cho biết, khi biết kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại TP.Lào Cai em mừng lắm, các bạn có ý định xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ không còn phải lặn lội lên tận Hà Nội hoặc xuống Thái Nguyên dự thi nữa. "Mới đây, trường đã lập danh sách học sinh nghèo đưa lên Tỉnh đoàn để được hỗ trợ đưa đón, chỗ ăn nghỉ trong thời gian thi tại TP.Lào Cai nên gia đình em rất yên tâm" - Xay nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được hỗ trợ tìm nhà trọ. Ảnh: Tùng Anh 
Đây là năm đầu tiên Lào Cai tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho 6.579 thí sinh (TS) dự thi, trong đó cụm thi để xét tuyển ĐH, CĐ có 3.149 TS. Với lượng TS dự thi tương đối lớn đổ về các cụm thi do Trường CĐ Sư phạm Lào Cai chủ trì, việc sắp xếp chỗ ăn ở thế nào cho TS là một bài toán khó.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 4/7. Từ ngày 30/6, TS trong cả nước sẽ tập trung tại các địa điểm thi để nhận phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi. Bộ GDĐT cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân và TS có thể phản ánh các tiêu cực diễn ra trong kỳ thi tới Bộ GDĐT, 2 số điện thoại này là: 01658528475 hoặc 0436231285

Ông Giàng Quốc Hưng - Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho biết, suốt gần 1 tháng nay, các đội tình nguyện của Tỉnh đoàn đã ra quân tìm nhà trọ giá rẻ, miễn phí, lên danh sách TS dự thi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trợ giúp. Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng đã tập hợp danh sách các nhà trọ bình dân, nhà nghỉ và các quán cơm giá rẻ quanh khu vực cổng Trường CĐ Sư phạm Lào Cai trên địa bàn phường Bình Minh (TP.Lào Cai).
"Tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Lào Cai, chúng tôi hỗ trợ 21 phòng nghỉ miễn phí với các trang thiết bị cần thiết như giường tầng, chăn, chiếu, điện, nước... hoàn toàn miễn phí cho các TS và người nhà có hoàn cảnh khó khăn, ở xa địa điểm thi cần giúp đỡ" - ông Hưng cho biết.
Đây cũng là năm đầu tiên các TS ở Hà Giang không phải trèo đèo, lội suối đi thi tại các tỉnh lân cận nữa. Tại TP.Hà Giang sẽ có 2 cụm thi, trong đó, cụm thi số 11 do Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên chủ trì, phối hợp Trường CĐ Sư phạm Hà Giang, đặt tại TP.Hà Giang gồm 1.864 TS. Cụm thi do Sở GDĐT Hà Giang chủ trì, phối hợp Viện ĐH Mở Hà Nội, gồm 13 điểm dành cho 4.917 TS thi. Theo ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang, trong số 6.781 TS dự thi có trên 70% TS không đăng ký xét tuyển ĐH, vì vậy công tác chuẩn bị cũng không gặp quá nhiều khó khăn.
Tương tự, tại Lạng Sơn, Tỉnh đoàn đã phối hợp ĐH Xây dựng lên kế hoạch tổ chức các cụm thi và chuẩn bị chỗ ăn, nghỉ cho TS. Cụ thể, các đội tiếp sức mùa thi đã rà soát số phòng nghỉ có thể huy động tại ký túc xá các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, trường THPT dân tộc nội trú, trường chuyên. Ngoài ra, danh sách các nhà nghỉ, khác sạn có thể phục vụ giá "hữu nghị" cho TS cũng được lập cụ thể và giới thiệu cho TS từ các huyện ra thành phố dự thi. Năm nay, Lạng Sơn có 10.082 TS dự thi.
Siết an ninh cụm thi địa phương
Ngoài việc chuẩn bị "hậu cần", các phương án nhằm đảm bảo an ninh ở cụm thi địa phương cũng được ngành giáo dục chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi kỳ thi quốc gia với mục đích xét tuyển vào ĐH được "kéo" về tận các tỉnh lẻ, nhiều người có tâm lý lo ngại cụm thi địa phương sẽ bị "nới lỏng" hơn cụm thi ở các thành phố lớn vì tính "chuyên nghiệp" thấp hơn.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, do cụm thi được rải đều ở tất cả các tỉnh, thành; một số địa phương lần đầu tiên tham gia chủ trì cụm thi, vì vậy với những cụm thi này, Bộ quán triệt, nếu xảy ra vấn đề gì phải báo cáo về Ban chỉ đạo thi Trung ương để có hướng xử lý.
"Các cụm thi dù địa phương chủ trì hay trường ĐH chủ trì đều đảm bảo tính công bằng như nhau. Cụm thi do các trường ĐH chủ trì có các thầy cô ở các sở GDĐT cùng tham gia. Cụm thi địa phương chủ trì cũng có giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia. Đề thi chung như nhau, cách tổ chức như nhau. Việc chấm thi do giảng viên ĐH và giáo viên các trường THPT cùng chấm nên đảm bảo công bằng giữa tất cả các TS" - ông Ga phân tích.
Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GDĐT cho biết thêm, năm nay Bộ sẽ thành lập 14 đoàn thanh tra với đội ngũ là cán bộ của Bộ GDĐT và các Sở không chủ trì cụm thi. Các đoàn này có thể thanh tra đột xuất cả các hiệu trưởng, giám đốc học viện tại các cụm thi, đặc biệt cụm thi ở địa phương để đảm bảo công bằng.
Ngoài ra, về vấn đề bảo mật đề thi, an toàn khi vận chuyển về vùng sâu vùng xa, ông Ga cho biết, các cụm thi có thể tùy thuộc vào tình hình đường sá đi lại, thời tiết để vận chuyển, các điểm ở vùng sâu, vùng sa có thể tùy tình hình cụ thể nhận đề thi sớm hơn nhưng có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ví dụ, cụm thi thuộc huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ phải vận chuyển bằng... máy bay.
Mời quý độc giả xem video Tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):
Theo Dân Việt

Bình luận(0)