Khóc trước học sinh là chuyện thường

Google News

(Kiến Thức) - “Cũng có lúc tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì những áp lực của đời sống. Nhưng chán không có nghĩa là buông xuôi, không dồn tâm sức vào công việc".

"Nếu chán đến buông xuôi thì sẽ không giữ được lương tâm nghề nghiệp”, Cô Đặng Thị Liễu, giáo viên THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội tâm sự.
Khóc trước học sinh là chuyện thường!
Chị vào nghề giáo viên lâu chưa?
Từ năm 2003. Tức là 10 năm rồi.
Như vậy chị đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Theo suy nghĩ của nhiều người, đây là thời điểm sung sức của giáo viên...
(Cười) Trường tôi có hội nghị giáo viên trẻ, gồm những giáo viên dưới 5 năm tuổi nghề. Tôi bị loại, không được dự hội nghị này rồi. 10 năm công tác, kiến thức, kinh nghiệm của người giáo viên đã tương đối vững. Tôi không còn quá vấp váp trước các tình huống sư phạm, không còn cảm thấy bất lực đến mức phải khóc trước học sinh...
Chị từng phải khóc trước học sinh?
Đó là chuyện bình thường. Nhưng là trước đây, trong nghề có nhiều vấn đề, nhất là với người làm chủ nhiệm, nó liên quan đến tâm sinh lý học sinh, ứng xử với phụ huynh. Đôi khi có những chủ trương của Bộ GD&ĐT, của Sở hay của trường, mình phổ biến lại nhưng không được đồng tình, từ đó có những ứng xử hơi căng thẳng từ học sinh hoặc phụ huynh. Thậm chí có những lúc học sinh đứng trước lớp “bật” lại cô. Có những điều mình nói, mình nghĩ là bình thường, nhưng học sinh lại không đồng ý... hoặc có những chuyện mình cho là "có vấn đề" thì học trò lại thấy bình thường. 
Khi thực sự vào nghề, chị có thấy nghề giáo không như mình nghĩ?
Thực ra, cũng không có gì khác biệt mấy so với những gì mình tưởng tượng. Bởi tôi đã có một thời đi học, ở tất cả các cấp học. Tôi vào nghề với một tâm thế sẵn sàng nên không thấy có gì quá khác xa, chỉ là có những biến động và cần sự linh hoạt. Ví dụ như phải xử lý những tình huống sư phạm khác xa thời mình đi học.
Cô Đặng Thị Liễu, giáo viên THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội. 
Chán – có nhiều mức độ
Có một đề tài khoa học vừa được nghiệm thu. Nghiên cứu cho thấy, một bộ phận không nhỏ giáo viên chán nghề. Từ thực tế công việc, bằng những quan sát và cảm nhận, chị có thấy kết luận từ nghiên cứu này đúng với thực tế?
Để tôi suy nghĩ đã. (Im lặng một lát). Nói “chán nghề” thì có nhiều mức độ: Coi nghề nghiệp chỉ là để duy trì...; không còn hứng thú với nghề; cảm thấy áp lực, mệt mỏi... Tôi thấy kết quả có vẻ chưa được khách quan lắm. Vì nói “một bộ phận không nhỏ” tức là một bộ phận cũng khá lớn. Trong khi tôi thấy đa phần giáo viên vẫn sống được bằng nghề - dù rất vất vả và vẫn tận tâm với nghề. Giáo viên với số tiết dạy không quá 17 tiết/tuần, tôi thấy đấy là điều chấp nhận được.
Tôi được giới thiệu chị là người rất yêu nghề, tâm huyết với nghề...
Nói “yêu” thì nghe “điêu” quá. Tôi nghĩ mình là người có trách nhiệm với công việc, có lương tâm với nghề. Không thể vì đồng lương, vì áp lực cá nhân mà làm ảnh hưởng đến học sinh, đến trường dạy không ra gì. Tôi không cho phép mình làm điều gì trái với lương tâm. Cũng có lúc học sinh làm mình ức chế nhưng không vì thế mà mình dùng cách nào đó để "trù úm" học trò. Nhưng nói thật, không phải tất cả giáo viên đều làm được như thế.
Việc chán nghề chưa từng xuất hiện ở chị?
Cũng có lúc tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì những áp lực của đời sống. Nhưng chán không có nghĩa là buông xuôi, không dồn tâm sức vào công việc. Nếu chán đến buông xuôi thì sẽ không giữ được lương tâm nghề nghiệp. Đồng nghiệp của tôi, nếu ai đó chán thì tôi nghĩ đa phần liên quan đến đời sống chứ không phải chán cái nghề giáo viên. Để sống bằng tiền lương của nghề, cuộc sống của giáo viên rất vất vả.
Khổ quá mà bỏ nghề thì rất ít!
Lương của chị hiện là bao nhiêu?
Tôi ra trường được 10 năm, là thạc sĩ, nhưng lương cơ bản chỉ khoảng 4 triệu đồng.
Ngoài ra, chắc còn những khoản phụ cấp khác chứ?
Có, nhưng không đáng là bao. Phụ cấp thâm niên như tôi được hưởng là 300.000đ/tháng, (chỉ từ 7 năm công tác trở lên mới được tính phụ cấp), thêm 200.000đ tiền trợ cấp, cộng với tiền ngày công cao là 400.000đ/tháng (nhưng phải đảm bảo trong tháng đó không nghỉ ngày nào, không đi chậm tiết nào, trôi chảy tất cả mọi việc). Để được 400.000đ này, phải cố gắng rất nhiều. Mình con nhỏ, làm sao dám chắc trong tháng con mình không bị ốm khiến mình phải nghỉ dạy?!
Tất cả khoản nọ, khoản kia, cộng lại chắc cũng được khoảng 6 triệu đồng/tháng?
Ôi, không! Vo véo lại, cao nhất cũng chưa tròn 5 triệu đồng đâu. 
Nhiều giáo viên còn đi dạy thêm mà!
Nói về dạy thêm, ở cấp 3, phải là giáo viên cứng, có kinh nghiệm thì học sinh mới tự tìm đến. Không có chuyện cô ép trò đi học đâu. Bây giờ học sinh và phụ huynh có nhiều sự lựa chọn, thậm chí còn rất tỉnh táo nên có ép cũng không được. Ở trường tôi không có chuyện ép học thêm. Nói chung, ở cấp 3, không phải giáo viên nào cũng dạy thêm được.
Nói như chị thì giáo viên cấp 1, cấp 2 dễ dạy thêm hơn?
Đúng. Đó cũng là sự phân biệt giữa các cấp. Nói chung về nghề giáo thì, giáo viên dạy môn phụ, giáo viên dạy hợp đồng mà chưa được vào biên chế đời sống còn khó khăn lắm. Nói khổ vì nghề thì ai cũng có thể nói được. Nhưng giáo viên thấy khổ quá mà bỏ nghề thì rất ít. 
Trong xã hội hiện nay, nhiều người lên án việc dạy thêm, học thêm, cũng do có nhiều tiêu cực từ chuyện này. Cá nhân chị thấy việc dạy thêm để tăng thu nhập có xấu? 
Tôi thấy dạy thêm, học thêm không có gì là sai trái nếu dạy và học đúng nghĩa. Học sinh thì được thêm kiến thức, giáo viên được tăng thêm thu nhập từ chất xám của mình. Nói thu nhập của giáo viên dạy thêm cao, nhưng cứ thử so với các ngành nghề khác xem có cao không? Những năm trước, tôi cũng có một nhóm học sinh học thêm. Để dạy thêm, tôi cũng phải đầu tư công sức rất nhiều. Mình không thể dạy chỉ như sách giáo khoa; nếu dạy mà học trò không thấy cái gì mới thì các em sẽ không theo đuổi nữa.
Xin cảm ơn vì những trao đổi của chị.
Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm vừa được đánh giá, nghiệm thu. Nghiên cứu cho thấy, một bộ phận không nhỏ giáo viên chán nghề. Trong đề tài nghiên cứu này, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, do khó khăn của cuộc sống, áp lực của công việc nên có một bộ phận không nhỏ giáo viên không còn tâm huyết với nghề. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến thời gian qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường sư phạm giảm, chất lượng đầu vào không cao.
Hoài Hương (Thực hiện)

Bình luận(0)