Những “siêu dự án” nghìn tỷ bỏ hoang lãng phí tại Hà Nội

Google News

Tọa lạc ngay vị trí “đất vàng” trung tâm Hà Nội, hàng loạt dự án cao tầng nghìn tỷ đồng được xây dựng dở dang nhưng “bỏ hoang” nhiều năm làm méo mó bộ mặt Thủ đô, thậm chí gây thất thoát và lãng phí nghiêm trọng.

Lãng phí nghiêm trọng

Đầu tiên phải nhắc đến dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem).

Đây là dự án được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam thuộc lô đất 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.482 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng (gần gấp 2 lần).

Nhung “sieu du an” nghin ty bo hoang lang phi tai Ha Noi
Dự án Vicem Tower được đầu tư dang dở bỏ hoang nhiều năm nay 

Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2 với thiết kế với hình dáng mạnh mẽ, vật liệu che phủ xung quanh công trình là các thanh đá vôi, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2.

Được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến nay, công trình Dự án Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô, công trường dự án vẫn không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, hàng rào bao quanh đã xuống cấp. Hiện trạng dự án nhếch nhác, lãng phí dù trước đó được kỳ vọng là một trong những công trình quy mô lớn, thúc đẩy phát triển đô thị.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2022 Vicem đã kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại lô đất trên để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án.

Nhung “sieu du an” nghin ty bo hoang lang phi tai Ha Noi-Hinh-2
Dự án Khu nhà ở cho học sinh - sinh viên với viễn cảnh cung cấp nơi ở giá rẻ cho sinh viên thuê nhưng không thể đạt mục tiêu, giờ là những tòa nhà phơi nắng, phơi sương, xuống cấp nghiêm trọng. 

Hay như, dự án Khu nhà ở cho học sinh - sinh viên nằm tại Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Dự án được khởi công từ năm 2009 gồm 6 tòa nhà, trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2, với tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng sử dụng bằng ngồn vốn ngân sách, nhằm mục đích cung cấp nơi ở giá rẻ cho khoảng 22.000 sinh viên.

Dự kiến hoàn thành sau 20 tháng, tuy nhiên đến năm 2015, mới có 3 tòa nhà A1, A5 và A6 thuộc dự án này đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc thi công 3 tòa còn lại sau đó đã gặp nhiều vướng mắc. Trong đó tới nay, tòa nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, còn các tòa nhà A2, A3 chưa hoàn thiện và hiện nay đã dừng triển khai ở phần xây thô.

Đối với 03 tòa nhà đã hoàn thiện, dù đã được đưa vào sử dụng nhưng số lượng sinh viên thuê không nhiều, nhiều phòng bỏ trống lãng phí. Các các tòa nhà mới xong phần thô được quây tôn, bỏ hoang nhiều năm, cây cỏ mọc um tùm. Đặc biệt có dấu hiệu rêu mốc, xuống cấp nghiêm trọng.

Mới đây nhất, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội sẽ dành khoảng hơn 220 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án này thành nhà ở xã hội cho thuê, chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này.

 

Nhà tái định cư vắng bóng người

Không chỉ những siêu dự án “đất vàng” mới chỉ xây xong phần thô để hoang hóa, lãng phí nhiều năm nay mà trên địa bàn TP Hà Nội còn có rất nhiều khu nhà ở tái định cư dù đã cơ bản hoàn thiện xong nhưng cũng vắng bóng người đến ở.

Nhung “sieu du an” nghin ty bo hoang lang phi tai Ha Noi-Hinh-4
Khu tái định cư Trần Phú hoàn thiện nhiều năm nay nhưng vắng bóng người ở. 

Điển hình là Khu tái định cư Trần Phú tại quận Hoàng Mai, dù đã hoàn thiện nhiều năm nay nhưng vẫn bỏ hoang, vắng bóng người đến ở. Hiện trạng công trình đang xuống cấp, bị biến tướng thành nơi chăn nuôi gia cầm, trồng trọt.

Theo phê duyệt chủ trương đầu tư thời điểm năm 2010, dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng với quy mô dự kiến 4 cụm nhà chung cư cao tầng (từ 9 đến 15 tầng) có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Từ năm 2018, khu tái định cư đã được đầu tư 02 tòa nhà chung cư cao 9 và 15 tầng với hàng trăm căn hộ được xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, xuống cấp, lãng phí.

Nhung “sieu du an” nghin ty bo hoang lang phi tai Ha Noi-Hinh-5
Khu tái định cư hồ Đền Lừ III đã bỏ hoang nhiều năm nay. 

Hay như Khu chung cư tái định cư hồ Đền Lừ III tọa lạc ngay trên đường Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cũng ở trong tình trạng tương tự.

Dự án được xây dựng hoàn thành 03 tòa nhà từ năm 2017 nhưng nhiều năm nay vắng bóng người, bỏ hoang, một số hạng mục xuống cấp, lãng phí.

Khu tái định cư hồ Đền Lừ III được Thành phố Hà Nội cho UBND quận Hoàng Mai sử dụng quỹ nhà tái định cư (594 căn) để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Nguyễn Tam Trinh.

Nhung “sieu du an” nghin ty bo hoang lang phi tai Ha Noi-Hinh-6
Dự án tái định cư N01 - D17 Duy Tân nằm trên "đất vàng" mới hoàn thiện phần thô, không có dấu hiệu triển khai tiếp gây xuống cấp, lãng phí. 

Dự án tái định cư N01 - D17 Duy Tân, nằm ngay tại vị trí “đất vàng” quận Cầu Giấy, 2 mặt tiền giáp với các tuyến phố trung tâm Duy Tân và Trần Thái Tông, nằm gần Công viên Cầu Giấy, gần nhiều trường đại học lớn như: Thương Mại, Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia, Sư Phạm.

Dự án do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, đại diện của chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án quận Cầu Giấy; Đơn vị được giao nhiệm vụ thi công dự án là Công ty CP Xây dựng Số 5 Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Đô thị (UDIC).

Quy mô dự án bao gồm: 2 tầng hầm để xe và 15 tầng nổi trong đó có 1 tầng thương mại và 14 tầng căn hộ được chia làm 4 đơn nguyên. Mỗi đơn nguyên sẽ bao gồm: 5 căn hộ; 2 thang máy cao tốc và 1 thang thoát hiểm.

Dự án được khởi công từ năm 2010 đến nay cơ bản xong phần thô nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, nằm phơi nắng, phơi sương đang có dấu hiệu rêu mốc, xuống cấp.

Minh Quang - Thuỵ Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)