Giọt nước mắt của người đàn ông “gà trống nuôi con” vì COVID-19

Google News

Tiếng mưa rào rơi xuống mái tôn cạnh nhà lộp bộp, mùi hương khói tịch mịch yên ắng làm không khí trĩu nặng. Người cha ngồi đó mắt nhìn về xa xăm nhớ lại ngày COVID-19 đã cướp đi người vợ, người mẹ của đàn con anh… mãi mãi.

Một buổi sáng cuối tuần đầu tháng 10 ở TPHCM, trời mưa như trút nước, trắng xoá đường phố. Chúng tôi lòng vòng chạy xe theo bản đồ chỉ đường tới nhà anh Nguyễn Quốc Thái (sinh năm 1974) ngụ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, quận Bình Thạnh. Liên lạc 3-4 lần để nhờ anh chỉ đường, rồi men theo con hẻm sâu chúng tôi tìm thấy nhà anh ở gần cuối đường. Căn nhà nhỏ, âm thanh tiếng mưa ngoài trời vang vọng khắp nhà.
Những ngày hè COVID-19 nhớ mãi
Anh bắt đầu kể lại câu chuyện những ngày tháng tham gia hoạt động chống dịch của người vợ quá cố bắt đầu từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào mùa hè năm nay. Chị làm tổ phó của tổ 81A, Khu phố 6, phường 26, công việc của chị vào những ngày hè tháng 7 giống như những cán bộ địa phương khác là đi tới tận nhà phát quà, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, rồi vận động giúp đỡ người dân đăng ký tiêm vaccine COVID-19...
"Lúc đó người ta phải ở nhà mà bà ấy ngày nào cũng đi. Mạnh thường quân người ta gửi đồ, gửi gạo tới tận đây, một tay bà ấy gói ghém rồi đi phát cho người ta, khi đó chị tổ trưởng lại bị bệnh nên mình bà ấy làm hết. Chắc là trong lúc đi làm việc bị nhiễm bệnh lúc nào không hay"- anh Thái khóe mắt cay cay khi nhớ về người vợ của mình.
Những ngày dịch bùng phát cũng là những ngày con trai cả của anh chị, là Nguyễn Quốc Hoà (1992) cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Thấy mẹ bận rộn công việc, Hoà cũng chung tay cùng phụ. Đó cũng là những ngày tháng kỉ niệm cuối cùng với mẹ mà Hoà nhớ mãi, chỉ tiếc không chụp lại được bức hình nào để lưu lại.
"Những hôm nào mẹ cần chở gạo hay rau củ đi trao là mình chạy đi phụ phát đồ cho người dân. Dịch bệnh ai cũng sợ nhưng thấy mẹ làm vậy thì đi làm phụ cùng mẹ chứ cũng không có suy nghĩ gì hết. Mình cũng không dám nghĩ tới là mẹ sẽ bị bệnh. Cuối đời mẹ đã làm được nhiều chuyện có ý nghĩ và giúp ích được cho nhiều người"- Hoà nói.
Hỗ trợ cho người dân, lối xóm chẳng được bao lâu, ngày 8.8 chị đã không chiến thắng nổi COVID-19 và bỏ lại bốn cha con anh, không một lời trăng trối. Kể từ khi chị mắc bệnh đến khi ra đi, anh Thái không kịp nói với vợ một lời cuối cùng.
Giot nuoc mat cua nguoi dan ong “ga trong nuoi con” vi COVID-19
Anh Thái không kìm được nước mắt khi kể về những ngày cuối đời của vợ. 
"Ngày 27-28 tháng 7 bà xã bắt đầu có những triệu chứng bệnh, lúc đó bà ấy cũng vừa tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Đến tối ngày thứ 10, ăn cơm xong tôi thấy bà ấy không tỉnh táo nữa, tay cứng đờ, lúc đó tôi gọi con trai rồi chở bà ấy vào nhập viện ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước đó tôi nói đưa đi bệnh viện thì bà ấy nói mệt không ngồi xe gắn máy được"- anh Thái kể.
Anh Thái không thể ngờ rằng, giây phút đưa vợ qua ngưỡng cửa bệnh viện đó là phút giây cuối cùng anh được nhìn thấy vợ mình. "Đêm đó tôi với con trai lớn ngồi ngoài cửa bệnh viện chờ đợi tin từ bên ngoài, chờ hết đêm qua sáng thì người ta kêu về đi có thông tin gì bác sĩ sẽ báo. Lúc tôi mang thẻ bảo hiểm của vợ đến, thì người ta nói với tôi là thôi anh cầm về đi vợ anh mất vì COVID-19 hồi 20h20 ngày 8.8 rồi"- Kể tới đây, đôi mắt của anh Thái đỏ hoe, giọt nước mắt rơi xuống thấm ướt trên lớp khẩu trang.
Gà trống nuôi con
Khoảng không nhỏ bé, hiu quạnh cùng tiếng máy tụng kinh vang lên liên hồi, tiếng mưa cùng bầu trời tối sầm, không khí thiếu đi bóng dáng của người vợ, người mẹ, ánh nhìn trong đôi mắt của anh Thái và sự im lặng của anh trong vài phút để nén nước mắt dường như chứa đầy sự cô đơn. Khung cảnh buồn thêm buồn, trống vắng thêm trống vắng.
Đã gần chạm ngưỡng 50 tuổi, anh Thái giờ đây gánh cả trọng trách và công việc của người mẹ trong gia đình. "Tôi giờ đây vừa là gà trống vừa là gà mái"- anh Thái nói
Chỉ 2 tháng trước dịch, hình ảnh quen thuộc của hàng xóm với đôi vợ chồng và 3 đứa con, giờ chỉ còn cảnh gà trống nuôi con. Từ ngày vợ mất, một tay anh lo việc nhà, cơm nước, hương khói cho vợ.
Giot nuoc mat cua nguoi dan ong “ga trong nuoi con” vi COVID-19-Hinh-2
 Vợ mất đã 2 tháng nhưng ngày nào anh cũng đều đặn thắp hương cho chị.
Những lúc rảnh anh lại ngồi thẫn thờ ở chiếc võng mắc ngay bên dưới bàn thờ, mở điện thoại mà trước đây bà xã dùng xem lại những bức hình ít ỏi còn lưu lại. "Nhà ít chụp ảnh lắm, điện thoại bả chỉ toàn hình bả thôi, không có tấm nào vợ chồng chụp chung"- anh Thái tiếc nuối.
"Tới giờ là 2 tháng kể từ khi bà xã mất, tôi chỉ dám khóc một mình mà không dám để cho hai đứa nhỏ thấy vì mình làm cha, phải tỏ ra mạnh mẽ để tụi nhỏ dựa vào mà sống tiếp", anh lấy tay lau nước mắt.
Giot nuoc mat cua nguoi dan ong “ga trong nuoi con” vi COVID-19-Hinh-3
 Sáng đi làm, trưa về Hoà ăn vội bữa cơm trưa bố đã nấu sẵn.
Anh Thái vốn dĩ trong người có nhiều bệnh nền lo lắng không biết có kiếm được việc làm kiếm thêm đồng ra đồng vào hay không dù dự tính cố gắng làm lụng nuôi hai đứa con gái học lớp 9. Giờ đây, khi thành phố trở lại hoạt động, gánh nặng tài chính cho cả 4 người trong gia đình đặt lên đôi vai người con trai cả với mức lương bảo vệ ở trung tâm dạy nghề. Đầu tháng 10, Hoà bắt đầu đến dọn dẹp ở chỗ làm nhưng chưa biết ngày chính thức được đi làm nhận lương tháng trở lại.
"Mình bắt buộc phải đi làm thôi chứ ở nhà không giải quyết được vấn đề gì hết. Giờ có sợ bệnh thì vẫn phải đi làm, ở nhà vậy hoài chi tiêu trong nhà không có lo gì được, kiếm được đồng nào thì hay đồng đó thôi"- Hoà nói.
Theo Anh Tú-Khánh Linh/Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)