HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 21 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 14.604 tỷ đồng, bao gồm: 2 dự án thuộc nhóm A, 13 dự án nhóm B và 6 dự án nhóm C. Trong đó, 20 dự án sử dụng ngân sách cấp thành phố với tổng mức đầu tư là 14.535 tỷ đồng, với nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021 - 2025 là 7.363,2 tỷ đồng.
Dự án còn lại thuộc nhóm C sử dụng ngân sách quận Nam Từ Liêm với tổng mức đầu tư khoảng 69,3 tỷ đồng, đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Cụ thể, 21 dự án đầu tư công được Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:
Nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Phú Xuyên do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng);
Tu bổ, tôn tạo Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín do UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng);
Cải tạo, nâng cấp trạm bơm Sơn Đà và kiên cố hoá hệ thống kênh kết hợp làm đường giao thông, huyện Ba Vì do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng);
Cải tạo, nâng cấp kiên cố kênh hệ thống 12-VĐ7, kênh 12-10-10 kết hợp làm đường giao thông, huyện Ứng Hoà do UBND huyện Ứng Hoà làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng);
Kiên cố hoá tuyến thoát lũ hạ du xả tràn hồ chứa nước Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây do UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư (tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng);
Cải tạo, nâng cấp, hoàn chỉnh mặt cắt đê Tiên Tân đoạn từ K0 đến K7+000, huyện Đan Phượng do UBND huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng).
|
Hà Nội: Những DA đầu tư công nào vừa được chấp thuận đầu tư? (ảnh minh họa: Internet). |
Tương tự, 2 dự án do Ban Quản lý di tích danh thắng - Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội làm chủ đầu tư gồm: Tu bổ, tôn tạo di tích 5D Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm và Tu bổ, tôn tạo di tích lưu niệm 48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cùng có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng.
Cùng đó, 6 dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố làm chủ đầu tư gồm: Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa (tổng mức đầu tư 314,9 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp công trình Nhà ăn vận động viên Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp cơ sở tập luyện TDTT 14 Trịnh Hoài Đức (tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp nhà tập luyện và thi đấu thể dục thể thao tại số 292 Lạc Long Quân (tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp nhà luyện tập vật - cầu mây - bóng ném - bóng bàn thuộc trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội (tổng mức đầu tư 82 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp công trình nhà tập luyện taekwondo - boxing - cầu lông - cầu lông - bóng chuyền thuộc trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội (tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng).
Ban QLDA ĐTXD công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố được giao làm chủ đầu tư 3 dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu Tây Ninh - Ngòi Núc, huyện Thạch Thất (tổng mức đầu tư 174,1 tỷ đồng); cải tạo, nạo vét kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu, huyện Thạch Thất (tổng mức đầu tư 92,5 tỷ đồng); cải tạo kênh tiêu Lim và trạm bơm Lim, huyện Thạch Thất (tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng).
Còn lại, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông thành phố được giao làm chủ đầu tư 4 dự án gồm: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng (tổng mức đầu tư 2.582,89 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ phố Trịnh Văn Bô kéo dài nối với phố Kiều Mai (đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm) với tổng mức đầu tư 97,6 tỷ đồng; xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu (tổng mức đầu tư 9.898 tỷ đồng); đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 (tổng mức đầu tư 1.594 tỷ đồng).
HĐND TP Hà Nội giao UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành.
Bên cạnh đó, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án…