Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và hàng trăm nhà sử học tới từ tất cả các trường Đại học có nghiên cứu lịch sử; Viện Lịch sử, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các dòng họ Trần, Mạc, Vũ. Đại diện Thành phố Hải Phòng có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng.
|
Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu, nhà sử học trên khắp cả nước. |
Những đánh giá toàn diện
Theo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các vua Mạc và nhân vật lịch sử triều Mạc có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực khác nhau trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Trên phạm vi quốc gia và thành phố Hải Phòng, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức một số hội thảo về vương triều Mạc.
Các hội thảo cho thấy, từ những năm 1980 trở đi, giới sử học nước nhà đã có cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá đúng hơn về triều Mạc. Nhiều cuộc hội thảo khoa học sau này đã có những đánh giá mang tính khoa học, khách quan về những đóng góp của nhà Mạc trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt cuộc hội thảo khoa học năm 1994, 2010, 2011…
Tuy nhiên, nội dung các Hội thảo chưa đề cập một cách hệ thống, đầy đủ, toàn diện đến vai trò của vương triều Mạc đối với công cuộc canh tân đất nước và những đóng góp của vương triều này trong tiến trình lịch sử.
Nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh vua Mạc Thái Tổ - Mạc Đăng Dung (22/12/1483 - 22/12/2023), người kiến lập Vương triều Mạc, mở đầu thời kỳ canh tân đất nước vào thế kỷ XVI, Hội thảo khoa học quốc gia “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam” tại Hải Phòng năm 2023 tiếp tục đưa ra những kiến giải, đề xuất mới trên những cứ liệu sử học tin cậy.
Trải qua quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 58 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan trên khắp cả nước. Trên cơ sở các báo cáo tham luận, Ban tổ chức sắp xếp thành các chủ đề lớn như sau:
Phần thứ nhất: Chính trị, ngoại giao và sự nghiệp canh tân đất nước của vương triều Mạc.
Phần thứ hai: Phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội dưới thời Mạc.
Phần thứ ba: Nhân vật lịch sử và di sản văn hoá thời Mạc.
Ghi nhận những cứ liệu lịch sử mới
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết: trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm hai giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 – 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 – 1677).
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, cần nhìn nhận triều Mạc bình đẳng, khách quan như các triều đại phong kiến khác ở Việt Nam. |
Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, Triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê – Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.
Hội thảo diễn ra sôi nổi với với 10 tham luận trình bày, 8 ý kiến trao đổi về các cứ liệu lịch sử và nhận định mới. Các nhà sử học đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ những thành tựu phát triển toàn diện của quốc gia Đại Việt dưới thời đại Nhà Mạc, đặc biệt nhấn mạnh và đánh giá cao tư duy kinh tế và tầm nhìn hướng biển của Nhà Mạc; đóng góp của Triều Mạc trong phát triển thương mại và sự hưng khởi của các đô thị, cảng thị. Tư tưởng thoáng đạt và chính sách cởi mở của Triều Mạc khởi đầu cho thời kỳ chấn hưng, phát triển mạnh mẽ văn hóa, thể hiện rõ nét trong các dấu ấn vật chật, tôn giáo – tín ngưỡng, giáo dục và khoa cử, nghệ thuật và kiến trúc…
Đáng chú ý là các cứ liệu lịch sử mới về văn bia và tài liệu lịch sử khai thác từ Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. GS-TS Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp nhiều hình ảnh về 182 văn bia thời Mạc trong thế kỷ 16 và coi thế kỷ 16 có thể xem là sự bùng nổ về văn bia làng xã từ trước tới giai đoạn này- trong đó có nhiều cái mới.
|
GS.TS Đinh Khắc Thuân chia sẻ về văn bia thời Mạc tại Hội thảo |
Ông nhận định bia nhà Mạc rất phổ biến ở vùng châu thổ sông Hồng và Ninh Bình. Đặc biệt, Ninh Bình là khu vực giáp ranh với Thanh Hóa- vốn là địa phận nhà Lê song những bia được dựng ở đây hoàn toàn mang niên hiệu nhà Mạc, chứng tỏ vùng đất này nói riêng và châu thổ Sông Hồng nói chung khá trung thành với nhà Mạc. Ông đã tỉ mỉ dịch từng văn bia và cung cấp các thông tin xác thực cho giới sử học về nhiều phương kiện tổ chức chính quyền, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng của Nhà Mạc thời kỳ này.
Tham luận của GS-TS Nguyễn Văn Kim (Đại học Quốc gia HN) và tham luận kỷ yếu của PGS-TS Trần Nam Tiến (Đại học Quốc gia TPHCM; TS Nguyễn Hữu Tâm (Đại học Đại Nam) cung cấp nhiều tư liệu lịch sử từ Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
GS Kim trích dẫn sử liệu của các tác giả Kin Seiki; Tsuzuki Shinichizo; Hiromu Honda và Noriki Shimazu để khẳng định sản phẩm gốm, sành, sứ và tiền thời Mạc đã xuất hiện ở nhiều vùng ở Nhật Bản; PGS-TS Trần Nam Tiến trích dẫn tư liệu của Kikuchi Yuroko, Momoki Shiro để đưa ra nhận định gốm sứ của nhà Mạc đã tham gia thị trường gốm thương mại ở khu vực và chiếm lĩnh một thị phần quan trọng trong khu vực, giữ vững “con đường gốm sứ” hàng hải Đông - Tây có từ thời Lê sơ. TS Nguyễn Hữu Tâm giới thiệu sử liệu từ sách của GS-TS Ngưu Quân Khải nghiên cứu về thời gian nhà Mạc ở Cao Bằng.
|
GS-TS Nguyễn Văn Kim đưa ra những cứ liệu cho thấy gốm sứ thời Mạc được xuất khẩu tới các nước trong khu vực |
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hội thảo góp phần cho việc nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều Mạc. Những đóng góp này được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta.
Kết luận Hội thảo dựa trên phát biểu và 58 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan trên khắp cả nước, GS-TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh về công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay. Qua đây có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.
Ông cũng ghi nhận sự đồng thuận của các nhà sử học về thành tựu phát triển kinh tế hướng biển, kinh tế tư nhân của Nhà Mạc và đề xuất đưa những kết quả nghiên cứu và những đánh giá khách quan này vào bộ Quốc sử của Việt Nam và sách giáo khoa.
|
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. |
Từ góc nhìn khoa học, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh góc nhìn về yếu tố gọi là văn hóa vùng xứ Đông với những con người hào sảng, mạnh mẽ và phá cách đã đóng góp cho các yếu tố phát triển mới của nền phong kiến VN thế kỷ 16. Nghiên cứu yếu tố đó sẽ có ích cho định hướng phát triển của ngày hôm nay.
-
Đề nghị Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, giới sử gia nước nhà cùng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có giải pháp và lộ trình chỉnh lý lịch sử về nhà Mạc, về các vị vua nhà Mạc, sao cho đúng với thực tế lịch sử đã được làm rõ, khẳng định.
-
Nhiều địa danh, dấu tích lịch sử quý giá của nhà Mạc đã và đang bị xâm hại, thậm chí bị xóa sổ, không thể khôi phục, phục dựng. Đề nghị Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản này.
-
Qua hội thảo này, đề nghị BTC có kết luận và kiến nghị để Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương chắc chắn là đã và đang lưu giữ những dấu ấn, di sản văn hóa lịch sử của vương triều Mạc, từ đó có cơ sở khoa học để lên kế hoạch xác định, phục dựng và bảo tồn.