Bất ngờ cuộc sống hiện tại của "gia đình âm binh" ở Thanh Hóa

Google News

Cuộc sống kỳ lạ của gia đình bà Nguyễn Thị Thành (Thanh Hóa) nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội.

Bat ngo cuoc song hien tai cua
Ngôi nhà hiện tại là nơi chị em Toàn sinh sống. 
Là hai thành viên còn lại của gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa nhưng ngoài những vất vả trong cuộc sống, Thanh và Toàn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống mới.
Bỗng dưng quy ẩn
Bat ngo cuoc song hien tai cua
Căn nhà của gia đình bà Thành lẩn khuất trong khu vườn âm u. 
Lãnh đạo thị trấn Vân Du cho biết, hoàn cảnh của chị em Thanh, Toàn rất đáng thương nhưng do cả 2 vẫn có hộ khẩu tại huyện Nga Sơn và ở Thạch Thành chỉ là tạm trú nên muốn làm chế độ, chính sách gì cho 2 chị em cũng không làm được. “Chúng tôi chỉ có thể thăm hỏi, động viên 2 chị em. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cũng không dễ dàng gì vì chị em Toàn đều thẳng thừng từ chối”, vị lãnh đạo thị trấn Vân Du chia sẻ.
Năm 2017, cuộc sống kỳ lạ của gia đình bà Nguyễn Thị Thành (xã Thành Vân - nay là thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội.
Nói gia đình bà Thành là một gia đình kỳ lạ bởi lẽ bà cùng chồng là ông Mai Hồng Thái và 3 người con có cuộc sống gần như tuyệt giao với thế giới bên ngoài.
Cuộc sống ẩn dật ấy của gia đình bà Thành kéo dài đến hàng chục năm trời. Hàng chục năm ấy, nhiều lời đồn thổi ly kỳ khiến cho cuộc sống của những thành viên trong gia đình bà Thành đượm sắc màu ma mị.
Theo những người dân sống cạnh đó kể lại, ngày ấy, ngôi nhà nhỏ là nơi sinh sống của 4 thành viên trong gia đình bà Thành nằm gọn lỏn trong tứ bề cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Những tán cây lớn vươn lên che chắn ánh nắng Mặt trời khiến cho ngôi nhà càng lạnh lẽo, u tịch.
Trong số 4 con người kỳ quái ấy, thỉnh thoảng người dân mới thấy ông Mai Hồng Thái ra ngoài để mua lương thực. Còn lại, bà Thành cùng 2 người con tuyệt nhiên chẳng ai thấy mặt.
Khu vườn bí hiểm là nơi sinh sống của 4 con người kỳ dị ấy hàng chục năm trời chẳng một ai dám đặt chân vào. Họ đồn về những cạm bẫy chết chóc được gia đình bà Thành tạo ra để sẵn sàng trừng phạt những kẻ hiếu kỳ.
Chẳng biết những cạm bẫy ấy có thật hay không nhưng có một thứ chắc chắn có đó là cả 4 con người sinh sống phía bên trong đều có tính cách kỳ dị và họ có thể làm bất cứ chuyện gì nếu có ai đó “phá luật” mà đột nhập vào “vùng đất cấm” nơi họ đang “cai quản”.
Kể lại cho chúng tôi về cuộc sống của những thành viên trong gia đình kỳ quái ấy, một người phụ nữ tên Hằng không giấu nổi sự hoang mang. Chị Hằng là hàng xóm và cũng là bạn học với người con trai thứ 2 của bà Thành.
Vào năm 2001, do bạn học bất ngờ nghỉ ngang mà không có lý do nên mặc kệ nhiều lời khuyên can, chị Hằng đã đánh liều đột nhập vào khu vườn là nơi sinh sống của gia đình người bạn.
Vốn chẳng tin vào chuyện tâm linh, ma quái nên chị Hằng muốn rằng thông qua lần viếng thăm này sẽ vừa biết được tung tích của người bạn và có thể đập tan những lời đồn thổi ác ý tồn tại nhiều năm về gia đình của bạn mình.
Thế nhưng, vừa bước chân vào vườn, người con trai út của bà Thành tên là Toàn đã bất thình lình mang gậy ra xua đuổi. Dù chị Hằng đã lấy hết bình tĩnh, cố nán lại thuyết phục Toàn những mong được tiếp tục đi vào bên trong. Thế nhưng, cậu trai ấy bắt ngờ “nổi điên” và chụp lấy con dao phát rẫy để gần đó lùa chém khiến chị Hằng phải bỏ chạy thoát thân.
Cũng từ dạo đó, chị Hằng và những người hàng xóm sinh sống gần đó đã không dám bén mảng lại gần căn nhà bà Thành nữa dù lúc nào cũng thấp thỏm về sự an nguy, sống chết của cậu bạn cùng lớp.
Một người dân khác là bà Nguyễn Thị Dung cho biết, bản thân bà cũng không thể lý giải được những chuyện kỳ dị xảy đến với gia đình bà Thành. Trong trí nhớ của bà Dung, bà Thành trước đây là một trong những thành viên ưu tú thời còn làm việc tại lâm trường.
Người phụ nữ ấy từng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua lại khá nhanh nhẹn, tháo vát cộng với biết vun vén làm ăn nên cuộc sống gia đình thuộc diện khá giả nhất vùng và là hình mẫu lý tưởng cho các gia đình khác noi theo.
Bà Dung bảo rằng, do 2 gia đình chỉ cách nhau độ vài trăm thước nên trước đây, gia đình bà khá thân thiết với gia đình bà Thành. Thế nhưng, lần cuối cùng bà Dung có thể gặp và nói chuyện với gia đình bà Thành đã diễn ra cách đây hơn 20 năm.
Bat ngo cuoc song hien tai cua
Ông Mai Hồng Thái thời điểm năm 2017. 
Đó là thời điểm vào giữa năm 2001, bà Thành tìm vào nhà bà Dung rồi bất ngờ mở lời: “Dì Dung ơi, bây giờ tôi phải làm việc… thánh. Tôi làm mấy năm thôi, đến năm 2010 sẽ xong việc”. Chưa kịp để bà Dung đáp lời, bà Thành đứng dậy tất tả ra về. Cũng từ lần đó, bà Dung không gặp lại bà Thành nữa.
Cũng ngay sau hôm thông báo với bà Dung sự việc “hệ trọng” đó, bà Thành đã gọi người đến nhà và bán sạch cả đàn trâu bò tổng cộng 15 con được số tiền 13 triệu đồng. Vào thời điểm năm 2001, đây là một số tiền khá lớn và có thể coi như một gia sản.
Điều khó hiểu là, bà Thành lại dùng toàn bộ số tiền đó đi gom mua hàng vạn chiếc bát, hàng nghìn chiếc lưỡi cày, cả chục tấn sắt, dây xích... Quanh vùng có bao nhiêu bát và lưỡi cày, bà tìm mua cho bằng sạch hệt như việc con buôn trổ mánh đầu cơ. Bà Thành mua sắt nhiều đến nỗi, có thời điểm đại lý bát sắt ở thị trấn cũng hết, bà phải đi nơi khác để mua về.
Số lượng bát khổng lồ đó được bà Thành đem chôn hết xuống vườn. Những chiếc lưỡi cày một phần bà Thành đem chôn, một phần bà buộc vào thân cây rồi dựng đứng như cột cờ trước nhà. Tứ phía bao quanh ngôi nhà lá cũng được bà Thành chăng đầy dây thép loại phi 16, dây xích.
Thấy mẹ con bà Thành có những việc làm kỳ dị nên người trong làng, trong xã đổ xô đến xem rất đông. Thế nhưng, sau đó các thành viên trong nhà bà Thành đã xua đuổi và cho rào cả cổng lại. Cán bộ lâm trường cũng tìm đến tìm hiểu, can ngăn cũng bị thành viên trong nhà bà Thành vác hung khí xua đuổi.
Tuyệt giao với hàng xóm láng giềng, gia đình bà Thành còn tuyệt giao luôn với tất cả những thứ là sản phẩm của thế giới văn minh. Gia đình bà không dùng điện, không dùng nước sạch. Mọi thức từ cái ăn, cái mặc phần lớn đều là tự cung tự cấp.
“Tái hòa nhập” bất thành
Bat ngo cuoc song hien tai cua
 Nguyễn Văn Toàn và những thành viên trong gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội trong nhiều năm.
Bà Dung kể lại rằng, cái sự bất thường trong gia đình ấy khởi nguồn từ bà Thành. Ban đầu, thấy vợ có biểu hiện lạ, ông Thái còn chạy vạy khắp nơi tìm người chữa trị đồng thời nhờ người thân thiết khuyên giải vợ.
Thế nhưng, một thời gian sau, không hiểu vì lý do gì, ông Thái cũng có những biểu hiện bất thường và người đàn ông này cũng tích cực giúp vợ làm những việc chẳng giống ai.
Vợ chồng bà Thành có 3 người con là Nguyễn Thị Thanh (SN 1980), Nguyễn Văn Tâm (SN 1982) và Nguyễn Văn Toàn (SN 1985). Cả 3 đều chăm ngoan và học rất giỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian, tất thảy đồng loạt nghỉ học ở nhà giúp sức cùng bố mẹ mình làm những việc kỳ quặc, khó hiểu trên.
Trong số 3 người con ấy, người con trai thứ là Nguyễn Văn Tâm trở bệnh được 4 năm thì qua đời vào năm 2005. Với những người dân sống gần đó, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cậu thanh niên này cho đến tận bây giờ vẫn còn nhiều bí ẩn.
Thời điểm đó, bởi “làm việc thánh” mà gia đình bà Thành không ăn cơm, thịt và đặc biệt kiêng muối. Thứ họ nạp vào cơ thể để sống qua ngày chỉ là nước dừa và đậu phụ. Bởi thiếu chất, thiếu muối nên họ bị phù nề, mệt mỏi.
Người dân gần đó kể lại rằng, một hôm, họ thấy ông Thái ra khỏi nhà nên đã hỏi thăm tình hình sức khỏe của gia đình ấy. Trước câu hỏi ấy, ông Thái chỉ trả lời gọn lỏn: “Thằng Tâm hỏng mất rồi!”.
Từ “hỏng” được ông Thái đáp lại rất bình thản nên người này chỉ nghĩ rằng Tâm mang bệnh hay ăn chơi hư hỏng. Hỏi cặn kẽ ra, họ choáng váng khi biết rằng Tâm đã chết. Những người dân gần đó bảo gia đình ông Thái chôn con ngay trong vườn nhưng cụ thể chỗ nào thì không ai rõ.
Bat ngo cuoc song hien tai cua
Hai chị em Toàn gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống mới. 
Cuộc sống ẩn dật, lánh xa “cõi trần” của gia đình bà Thành ngỡ như kết thúc khi vào năm 2022, bà Thành đột ngột qua đời. Bà Thành mất, họ hàng đưa về quê ở Nga Sơn mai táng. Sau đó, người thân cũng đã khai quật khu vườn bí ẩn và đào lên hàng chục tấn sắt thép.
Toàn bộ khu vườn đã được dọn sạch sẽ, tất cả sắt thép được chở về quê. Ông Thái và 2 người con còn lại cũng rời bỏ khu vườn để về Nga Sơn sinh sống. Rất nhiều người đã hy vọng, từ thời điểm này các thành viên còn lại trong gia đình bà Thành sẽ trở lại cuộc sống bình thường.
Thời gian mới về quê, 2 chị em Thanh và Toàn đã sống như những người bình thường. Thậm chí, mọi người đã tính tới sẽ tìm việc để hai chị em đi làm công nhân. Thế nhưng, tia hi vọng vừa lóe lên đã vụt tắt. Ở quê được một thời gian ngắn, hai chị em lại dở chứng nhớ “ngôi nhà kỳ dị” của mình và lại lặng lẽ quay về.
Ông Thái sau khi về quê đã lâm bệnh nặng nhưng sau khi 2 con về lại nhà cũ, ông cũng đạp xe rời bỏ quê hương tìm về chốn xưa. Đến cuối năm 2022, ông Thái qua đời và cũng được người thân đưa về quê an táng.
“Hôm ấy, tôi thấy Toàn đốt một đống rấm rất to trước con đường dẫn vào ngôi nhà. Tôi có hỏi thì được Toàn cho biết ông Thái đã mất”, một người dân sinh sống gần đó cho biết.
Sau khi bố mẹ qua đời, nhiều người đã lo lắng cho cuộc sống của hai chị em Thanh, Toàn bởi dù bố mẹ chọn cách sống lập dị nhưng ông bà vẫn là chỗ dựa.
Mong “ngày mai tươi sáng”
Bat ngo cuoc song hien tai cua
Trải qua nhiều năm, Toàn cũng đã cởi mở hơn với mọi người. 
Sau nhiều năm, nơi ở của Thanh và Toàn đã thay đổi rất nhiều so với trước kia. Khu vườn rậm rạp nay đã được dọn dẹp và trở nên quang quẻ. Một ngôi nhà bằng tôn khang trang cũng được dựng lên nằm sát bên cạnh những ruộng ngô, ruộng sắn xanh biếc. Đây là thành quả sau chuỗi ngày cuốc đất, gieo hạt và chăm sóc của chị em Thanh và Toàn.
Cảnh vật cũ đã thay đổi rất nhiều so với trước kia nhưng cách sống kỳ dị của chị em Thanh đâu thì vẫn còn ẩn hiện. Trong tiết trời nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 3, chị em Thanh vẫn trùm kín đầu bằng chiếc mũ tự đan bằng dây cước, bên ngoài đội chiếc nón. Trong người, vẫn đeo nhiều dây rợ và cả sắt. Thấp thoáng thấy bóng dáng người lạ, chị em Thanh vội vã chạy vào nhà.
Người lạ là thế nhưng với những người hàng xóm gần đó, Toàn và Thanh đã mở lòng hơn. Quá trình sinh hoạt, lao động, khi thiếu bất cứ dụng cụ gì, Toàn đều sang nhà hàng xóm hỏi mượn với những lời lẽ hết sức nhã nhặn.
“Mới đây, thấy Toàn đi chiếc xe máy cũ ra thị trấn mua thức ăn, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Sau đó, Toàn còn lên nhà tôi mượn xe bò về chở phân để trồng ngô. Phải đến 20 năm nay, Toàn mới ra ngoài tiếp xúc với hàng xóm”, chị Thúy, một người dân sống gần đó chia sẻ.
Bat ngo cuoc song hien tai cua
 Nhiều người dân đến theo dõi cuộc sống của gia đình bà Thành năm 2017.
Phải nhờ chị Thúy thuyết phục, Toàn mới đồng ý gặp người lạ mặt. Trong cuộc trò chuyện, Toàn đề nghị chúng tôi không hỏi gì đến chuyện gia đình mình. Người thanh niên cho rằng mọi chuyện đã khép lại. Toàn cũng từ chối lý giải những hành động kỳ quặc của những thành viên trong gia đình mình.
Khi được chúng tôi ngỏ ý muốn xuống thăm nhà để tìm hiểu cuộc sống hiện tại của 2 chị em, Toàn đồng ý với điều kiện chúng tôi chỉ được vào đến sân, không được quay phim, chụp ảnh, không được hỏi han những chuyện về gia đình mình.
Nói về cuộc sống hiện tại, Toàn cho biết dù bố mẹ đã mất nhưng 2 chị em vẫn lo được cho cuộc sống của mình và không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào. Cách đây vài tháng, có đoàn từ thiện về địa phương, chị Thúy đã liên hệ và xin cho chị em Toàn ít gạo và nhu yếu phẩm khác nhưng đều bị 2 chị em từ chối thẳng thừng.
Theo Nguyễn Tuấn Khang/giaoducthoidai

>> xem thêm

Bình luận(0)