Đường Thái Tông Lý Thế Dân được biết tới là một trong những vị minh quân nổi tiếng của lịch sử Trung Hoa.
Thế nhưng bên cạnh những công lao cũng như vết đen trong cuộc đời của vị Hoàng đế này, hậu cung của ông dường như lại là một điều mà ít ai chú ý tới.
Cổ nhân có câu "Anh hùng khó qua ải mỹ nhân". Và Lý Thế Dân khi về già cũng đã không khỏi đem lòng say đắm một vị phi tần tài sắc trong hậu cung của mình.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, mỹ nhân này không phải là vị Nữ đế nổi danh Võ Tắc Thiên, cũng không phải là Trưởng Tôn Hoàng hậu từng mất sớm, mà lại là một nhân vật tương đối mờ nhạt và kín tiếng.
Theo Qulishi, người được Lý Thế Dân sủng ái nhất trong những năm về già là Từ Hiền phi Từ Huệ - nhân vật từng trở thành tử thù của Võ Tắc Thiên trên phim ảnh một thời.
Tài nữ danh giá được nhà vua mời vào cung nhờ giỏi thơ
Từ Huệ (627 – 650), còn được gọi là Từ Hiền phi, là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Bà là một tài nữ có tài văn thơ, được biết tới là nữ thi nhân đầu tiên thời Đường sơ và còn là một trong số hiếm hoi các tần phi được ghi vào sử sách.
Sử cũ ghi lại, Từ Huệ là người huyện Trường Thành, nay thuộc thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Bà xuất thân từ gia tộc Từ thị nổi danh đương thời.
Tương truyền rằng Từ Huệ sở hữu tài trí xuất chúng, 5 tháng tuổi đã biết nói, 4 tuổi đã thông thạo nhiều cuốn sách, 8 tuổi thuộc được thơ văn. Ngoài tài thơ văn xuất chúng, Từ Huệ còn giỏi cầm kỳ họa phẩm.
Tới thời Đường Thái Tông lên ngôi, vì có tiếng là giỏi thơ, bà được nhà vua gọi vào cung, phong làm Tài nhân thuộc hàng Chính Ngũ phẩm.
Cuộc sống của Từ Huệ trong hậu cung với tư cách là phi tần của Lý Thế Dân cũng bắt đầu từ đây.
Chinh phục Hoàng đế bằng 1 bài thơ, Từ Huệ trở thành một trong những ngoại lệ hiếm hoi của lịch sử
Về giai thoại liên quan tới Từ Huệ, nổi tiếng hơn cả phải kể tới việc bà từng làm thơ khiến Đường Thái Tông nguôi giận.
Tương truyền rằng có một hôm Lý Thế Dân cho triệu kiến các phi tần, Từ Huệ phải trang điểm nên đến trễ.
Bấy giờ Hoàng đế liền nổi giận, thế nhưng Từ Huệ đã dâng một bài thơ khiến nhà vua không nỡ trách cứ.
Bài thơ này vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay với tên gọi là "Tiến Thái Tông thơ" (Thơ dâng vua Thái Tông).
Nguyên văn:
"Triển lai lâm kính đài
Trang bãi tạm bồi hồi
Thiên kim thủy nhất tiếu
Nhất triệu cự năng lai?".
Dịch thơ:
"Buổi sáng đến ngồi trước gương soi,
Điểm trang xong vẫn mãi bồi hồi.
Ngàn vàng một nụ cười ban sớm,
Chỉ lệnh ai vời phải đến ngay?".
Theo Qulishi, bài thơ này ý nói vì nàng từ sáng sớm đã ngồi trước gương trang điểm để chờ Hoàng thượng triệu kiến, nhưng lại cố tình đến trễ vì muốn nhà vua phải chờ.
Bởi năm xưa Chu U vương đã phải bỏ ra nghìn vàng mới có được một nụ cười của Bao Tự, cho nên mỹ nhân há sao có thể dễ dàng gọi một tiếng là tới ngay?
Bài thơ chỉ vẻn vẹn 20 từ ngắn ngủi, nhưng đã miêu tả một cách đầy tinh tế về sự ngóng trông của các phi tử nơi hậu cung. Lời văn vừa hài hước, vừa hoạt bát, lại mang theo tình ý sâu sắc.
Lý Thế Dân xem xong bài thơ này thì lập tức nguôi giận, chẳng những không quở trách mà còn khen ngợi tài hoa của Từ Huệ.
Theo Qulishi, nhìn lại tổng quan mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, phi tần có thể dùng 1 bài thơ để chinh phục Hoàng đế có lẽ cũng chỉ có một mình Từ Huệ.
Trên phương diện tuổi tác, Từ Huệ còn kém Lý Thế Dân tới 29 tuổi. Nàng xinh đẹp mỹ mạo, tài hoa hơn người, quả xứng đáng là phi tử được nhà vua sủng ái nhất trong những năm tháng về già.
Từ đó có thể thấy, Từ Huệ sở dĩ có cơ hội đắc sủng không chỉ dựa vào dung mạo bề ngoài mà còn nhờ vào vẻ đẹp của một tâm hồn tài hoa, tinh tế.
Lý Thế Dân chẳng những yêu thích sự trẻ trung xinh đẹp của nàng mà còn tán thưởng tài thơ văn xuất sắc của nàng.
Chỉ tiếc rằng một tài nữ truyền kỳ như vậy lại có kết cục khiến người ta cảm khái. Sau khi Lý Thế Dân qua đời, Từ Huệ vì đau buồn mà u uất thành bệnh, lại không chịu chữa trị, một lòng chờ đợi cái chết.
Cuối cùng, vị phi tần ấy cũng nối gót người yêu mà buông tay trần thế khi mới vẻn vẹn 24 tuổi.