"Bờ" là một danh từ chung để chỉ phần đất tiếp giáp với các vùng nước như biển, sông, suối, ngòi, rạch, hồ, ao... nên lại có những danh từ chung như bờ biển, bờ sông, bờ hồ, bờ ao... để chỉ khoảng đất ranh giới giữa phần nước với phần đất kề cận.
Khi chưa có mặt của người Pháp ở Hà Nội thì Hà Nội là một vùng đất có rất nhiều hồ, ao, sông ngòi chằng chịt. Có thể kể tên những con sông lớn như sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu; những cái hồ lớn như Hồ Tây, Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Bẩy Mẫu, Ba Mẫu, Thành Công... Dân cư sinh sống đông đúc trong các làng mạc hai bên bờ các con sông và xung quanh bờ các hồ đó ở bên ngoài kinh thành Thăng Long.
Sau khi hoàn thành việc đánh chiếm Hà Nội, từ năm 1883, người Pháp bắt tay vào việc xây dựng các công trình và mở mang đường phố để biến Hà Nội thành một thành phố theo kiểu các đô thị châu Âu mà lấy khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm.
Người Pháp lúc bấy giờ gọi hồ Hoàn Kiếm bằng một cái tên Tây là Petit Lac có nghĩa là hồ bé để phân biệt với Hồ Tây - Grand Lac, nghĩa là hồ lớn. Bên bờ phía tây hồ Hoàn Kiếm tính từ bắc xuống nam là các thôn Cổ Vũ, Khánh Thụy, Tự Tháp, Phúc Phố, Thị Vật, Tô Mộc.
Bên bờ phía nam là các thôn Vũ Thạch và Cựu Lâu. Bên bờ phía bắc vòng sang phía đông là các thôn Thăng Bình, Hương Mính (sau đổi là Hàng Chè) và âu (sau đổi là Cựu Lâu). Tất cả đều thuộc huyện Thọ Xương và như vậy hồ Hoàn Kiếm lọt thỏm giữa các thôn xóm, chẳng khác gì một cái ao làng khổng lồ.
Tất cả làng mạc, chùa chiền xung quanh hồ Hoàn Kiếm lần lượt bị phá bỏ để xây dựng các cơ quan đầu não như tòa Đốc lý, vườn hoa, Nhà bank, Nhà Bưu điện, dinh Thống sứ ở bờ đông; Nhà thờ Công giáo Saint Joseph (Nhà thờ Lớn) ở bờ tây; con phố Tây Paul Bert ở bờ nam (phố Tràng Tiền, phố Hàng Khay ngày nay). Xung quanh hồ hình thành con đường bao, trải gạch khô ráo thuận tiện cho việc giao thông nối liền với khu phố cổ, khu nhượng địa Đồn Thủy và các khu phố Tây hình thành về sau.
Khu vực xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ngày càng khang trang, đẹp đẽ, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, vui chơi giải trí duy nhất, và không thể có ở bất kỳ một khu vực bờ hồ nào khác ở Hà Nội. Cho nên đáng lẽ phải nói đến khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm thì người Hà Nội lại nói vắn tắt là đến Bờ Hồ: Đi chơi Bờ Hồ, ăn kem Bờ Hồ, xem cinema Bờ Hồ, chụp ảnh ở Bờ Hồ, bến tầu điện Bờ Hồ, Bưu điện Bờ Hồ, Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Bách hóa Bờ Hồ… tất cả người Hà Nội đều hiểu là đến khu vực xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm mà không ai hiểu nhầm sang là bờ hồ của các hồ khác ở Hà Nội.
Trên vé của các tuyến đường tầu điện, ghi Bờ Hồ - Chợ Bưởi, Bờ Hồ - Chợ Mơ, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Cầu Giấy... ai cũng hiểu là bến gốc xuất phát là ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Hoặc giả, khi có người hỏi: "Ở Hà Nội, nhà anh ở đâu?", trả lời: "Nhà tôi ở gần Bờ Hồ", thế là ta hiểu ngay ý anh ta muốn nói là nhà anh ta ở gần hồ Hoàn Kiếm, ngụ ý muốn khoe là nhà ở trung tâm của Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, phố Lê Thái Tổ đoạn đầu từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến hết số nhà 18, tức ngã ba Hàng Trống là phố Beau Champ, dân gọi nôm na là phố Bờ Hồ.
Tôi còn nhớ, mấy năm đầu sau ngày tiếp quản Hà Nội, vẫn còn được nghe một bài hát mà dân Hà Nội cũ hay hát trong thời tạm chiếm:
"Mình ơi có đi Bờ Hồ
Cùng ta chén kem kẹo dừa
Xin mình đừng từ chối
Trong túi tôi có mười đồng xanh
Mình cứ đi mình nhé
Cô mình ao ước cái chi
Nhẫn vàng, giầy nhung, bít tất
Phin, ô đầm, giầy cườm...".
Hoặc câu ca "Hôm nay thứ bảy mình ơi / Ngày mai chủ nhật đi chơi Bờ Hồ…".
Các chàng lãng tử Hà thành tán tỉnh các nàng như thế đấy. Chắc chắn là rủ rê các nàng đi chơi hồ Hoàn Kiếm rồi.
Trải qua mấy chục năm, qua nhiều thế hệ người Hà Nội, danh từ chung "bờ hồ" đã trở thành danh từ riêng để chỉ hồ Hoàn Kiếm. Như vậy hồ Hoàn Kiếm ngoài những cái tên như Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hồ Gươm, còn được người Hà Nội gọi bằng một cái tên thân yêu "Bờ Hồ".
Trẻ con Hà Nội xưa, mà nay đã là các ông, các bà trên 50 tuổi có khi nói ngọng thành Bồ Hồ. Mặc dù tên gọi Bờ Hồ chưa từng được ghi nhận vào một bản đồ địa lý hành chính nào của Hà Nội nhưng đã trở nên thân thuộc.
Có thể nói việc gọi hồ Hoàn Kiếm là Bờ Hồ đã trở thành một quy ước bất thành văn, rất độc đáo của người Hà Nội cũ và vẫn còn được sử dụng đến bây giờ.