Đã đến thời điểm nhà đầu tư dò bắt đáy bất động sản?

Google News

Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng, các nhà đầu tư thì ngóng chờ “bắt đáy”, còn bên bán gồng lên để khỏi phải cắt lỗ thêm.

Thị trường bất động sản ven đô ở Hà Nội cách đây 1 năm diễn biến sôi động, tăng chóng mặt. Một số khu vực đất đai người dân quản lý, quy hoạch nâng cấp lên quận đều được “thổi giá” tăng khoảng 30 - 50 triệu/m2.
Tuy nhiên kể từ cuối tháng 5/2022, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng, các sản phẩm nhà ở chào bán trên thị trường đều từ những năm trước, lịch mở bán sản phẩm mới được các chủ đầu dời lịch liên tục để chờ tín hiệu từ thị trường. Tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp trong lĩnh này cũng diễn ra theo chiều hướng tăng mạnh.
Trước những khó khăn của thị trường đã nhanh chóng kéo theo giá bất động sản tại các khu vực ven đô Hà Nội giảm mạnh, nhiều chủ đất buộc phải rao bán “cắt lỗ”, đặc biệt là phân khúc đất nền.
Da den thoi diem nha dau tu do bat day bat dong san?
Một dự án nhà ở nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), sát với đường Đại lộ Thăng Long đang được triển khai. (Ảnh: Đoàn Khang).
Đất nền giảm sâu
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, tại Hà Nội, một số khu vực như Hoài Đức, đất dịch vụ ở Di Trạch, Vân Canh, Lai Xá, Kim Chung… giảm từ 30 - 40 triệu đồng/m2 so với thời kì “sốt đất” và hiện nhà đầu tư rao giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2.
Đất sâu trong làng, thuộc các khu vực Đông Yên, Bạch Thạch (Quốc Oai), Tân Xã (Thạch Thất), Kim Sơn, Cổ Đông (Sơn Tây)… hiện giá chào bán cũng chỉ ở mức 7-10 triệu đồng/m2
Khu vực Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm trong quý I/2023 đều có giá rao bán giảm từ 1% - 13% so với cuối năm ngoái, mức độ quan tâm cũng giảm từ 4% - 24% tùy từng khu vực.
Riêng tại huyện Thanh Trì, huyện Gia Lâm của Hà Nội, giá đất nền giảm mạnh nhất, mức độ rao bán giảm 13% và 24%.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, phân khúc đất nền trong quý I/2023, ghi nhận 67.268 giao dịch thành công. Tuy nhiên lượng giao dịch đất nền trong quý vừa qua giảm gần 55% so với quý trước đó và giảm 56% so với cùng kỳ.
Nếu so sánh số lượng trên với thời điểm thị trường diễn biến sôi động nhất (quý II/2022; lượng giao dịch đất nền là 213.018), lượng giao dịch đất nền đã giảm 68,4%.
Nhà đầu tư có nên “bắt đáy” ?
Trước làn sóng “cắt lỗ” sâu đất nền vùng ven, nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi: Có nên “bắt đáy” bất động sản ở thời điểm này hay không?
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, nhân viên kinh doanh Công ty Bất động sản An Bình cho biết, nhiều tháng qua, tại Hà Nội có nhiều sản phẩm nhà ở phải cắt lỗ tới 50% nhưng vị trí lại không đẹp, một số khác giao động từ 10-20%, nhưng so với giá trị thực vẫn ở mức cao. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang nghe ngóng dò “bắt đáy” bất động sản. Đây cũng chưa phải thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư xuống tiền”.
Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Công ty Bất động sản Hà Tây cho rằng, ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn từ việc thắt chặt tín dụng. Nguồn vốn vay của chủ đầu tư, cũng như các nhà đầu tư sẽ khó huy động được, vì thế nên hạn chế xuống tiền “bắt đáy” bất động sản ở thời điểm này.
Da den thoi diem nha dau tu do bat day bat dong san?-Hinh-2
Nhiều căn nhà tại dự án khu đô thị Kim Hoa (Mê Linh, Hà Nội) vẫn bỏ hoang. (Ảnh: Đoàn Khang).
Trong khi đó, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho rằng, khách hàng có nhu cầu mua bất động sản để ở, tích trữ tài sản hay để đầu tư đều cần phải tự làm rõ các vấn đề: Hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu - mục đích - thời hạn đầu tư, bối cảnh khu vực dự định đầu tư.
Theo Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính, không có một thước đo nào để có thể xác định được đâu là “đáy” của bất động sản. Để không bỏ lỡ cơ hội, cần làm rõ định nghĩa “bắt đáy” cho riêng mình. Đồng thời, cần bổ sung và tích lũy kiến thức hoặc chọn cho mình một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, cũng như chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính thật tốt để khi giá giảm, có thể mua vào ngay, đừng để mong muốn “bắt đáy”, kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục giảm trong tương lai mà bỏ lỡ cơ hội.
Báo cáo từ VARS cho thấy, nguyên nhân sự trầm lắng của lĩnh vực bất động sản do hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cũng như vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ một cách triệt để. Vì thế, buộc tất cả thành viên trong thị trường phải rơi vào trạng thái chờ đợi.
Mặc dù Chính phủ nỗ lực gỡ khó, doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá trong quý II/2023 thị trường bất động sản sẽ chưa thể khởi sắc, dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023.
Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)