Trước khi bị thu hồi thuốc Paineuron 15, Dược phẩm Pharbaco kinh doanh ra sao?

Google News

Lô thuốc Paineuron 15 (Meloxicam 15mg) của Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco bị thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan - được xác định vi phạm mức độ 3.

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành thông báo thu hồi toàn quốc viên nén Paineuron 15 (Meloxicam 15mg), số GĐKLH: VD-32650-19, số lô: 83034, NSX: 29/01/2023, HD: 28/01/2026 do Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco sản xuất.
Trước đó, ngày 2/8/2023, Cục Quản lý Dược nhận được văn bản của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương gửi kèm các phiếu kiểm nghiệm báo cáo kết quả kiểm nghiệm đối với các mẫu thuốc viên nén Paineuron 15 (số lô: 83034, NSX: 29/1/2023, HD: 28/1/2026) được lấy mẫu bổ sung. Theo đó, các mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Theo kết quả này, các mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Như vậy lô thuốc viên nén Paineuron 15 (số GĐKLH: VD-32650-19, số lô: 83034, NSX: 29/01/2023, HD: 28/01/2026) nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 3.
Truoc khi bi thu hoi thuoc Paineuron 15, Duoc pham Pharbaco kinh doanh ra sao?
 Sản phẩm viên nén Paineuron 15 (Meloxicam 15mg) xác định vi phạm mức độ 3. Ảnh: Internet.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco phối hợp với nhà phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén Paineuron 15 (Meloxicam 15mg) và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.
Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra và giám sát Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.
"Sức khỏe" Pharbaco thế nào?
Về Công ty CP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (mã: PBC), doanh nghiệp có tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm TW 1 được thành lập từ năm 1954. Năm 2007, đơn vị thực hiện chủ trương cổ phần hóa và được chuyển đổi thành Công ty CP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco. Công ty có trụ sở chính tại số 160 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP Hà Nội; chuyên sản xuất, nghiên cứu, kinh doanh các loại dược phẩm, cung cấp thuốc. Vốn điều lệ của công ty là gần 1.133 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Tô Thành Hưng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Công ty CP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (Dược phẩm Pharbaco) ghi nhận doanh thu đạt 312,2 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 61,9 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng nhẹ, lần lượt tăng tương ứng 19,8% và 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý II/2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Dược phẩm Pharbaco đạt 17,1 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm 2,465 tỷ đồng, xuống còn 8,6 tỷ đồng, tương đương giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Truoc khi bi thu hoi thuoc Paineuron 15, Duoc pham Pharbaco kinh doanh ra sao?-Hinh-2
Trước khi bị thu hồi thuốc Paineuron 15, Dược phẩm Pharbaco kinh doanh ra sao? (ảnh minh họa: Internet). 
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Dược phẩm Pharbaco đạt 610,3 tỷ đồng, tăng 132,2 tỷ đồng, tương đương tăng 27,6% so với năm trước. Lợi nhuận thuần của công ty là 41,8 tỷ đồng, tăng 2,1 lần; lợi nhuận sau thuế đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115% so với con số 15 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại ngày 30/6/2023, Dược phẩm Pharbaco ghi nhận tổng tài sản đạt 3.217,7 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ ngắn hạn chiếm 904,6 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm 1.072 tỷ đồng, lần lượt tăng tương ứng 22,7% và 19,8% so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn nợ ngắn hạn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 661,5 tỷ đồng.
Tại bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, Dược phẩm Pharbaco có tài sản ngắn hạn đạt 1.173,6 tỷ đồng, trong đó, công ty có hơn 3,6 tỷ đồng tiền mặt và 205,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Công ty còn có 70 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (là khoản tiền gửi tại ngân hàng theo hợp đồng tiền gửi số 068051022012 ngày 5/10/2022 với số tiền là 70 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất ban đầu là 7%/năm).
Cùng đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là hơn 138,8 tỷ đồng, bao gồm: Công ty CP Appollo Oil hơn 48,55 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Thiên Y hơn 3,8 tỷ đồng; Công ty CP thương mại Vina Úc hơn 1,3 tỷ đồng và các đối tượng khác gần 85 tỷ đồng. Ngoài ra, Dược phẩm Pharbaco còn có hơn 304 tỷ đồng tiền trả trước cho người bán ngắn hạn và gần 27 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.
Tại ngày 30/6/2023, hàng tồn kho của Dược phẩm Pharbaco là 319 tỷ đồng, tăng 15,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho kém mất phẩm chất, ngả màu,… không có khả năng tiêu thụ là hơn 795 triệu đồng, các lô hàng này công ty sẽ thực hiện tiêu huỷ trong các tháng tiếp theo.
Trong khi đó, tài sản dài hạn của Dược phẩm Pharbaco tại ngày 30/6/2023 là hơn 2.044,1 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu dài hạn là 19,4 tỷ đồng; hơn 122,8 tỷ đồng tài sản cố định.
Đáng chú ý, tài sản dở dang dài hạn của công ty lên tới 1.885,7 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản mục xây dựng cơ bản dở dang, gồm: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP EU 2 giai đoạn (là dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP EU tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, trong đó PMU1: 1.300 tỷ đồng và PMU2: 600 tỷ đồng); nhà máy WHO gần 1,1 tỷ đồng; dự án điện gió hơn 814 triệu đồng và hơn 26,8 tỷ đồng dự án Trung tâm thương mại giao nhận và trung chuyển hàng hoá Nội Bài.
Ngoài ra, Dược phẩm Pharbaco đã ký nhiều hợp đồng vay vốn với Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Long Biên. Tài sản đảm bảo rất đa dạng từ toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có tại dự án đầu tư giai đoạn 1 (PMU1) và giai đoạn 2 (PMU2); các tài sản khác đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, chi nhánh Hà Đông.
Mặt khác, cầm cố tài sản là các khoản tiền gửi có kỳ hạn của Công ty CP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Nội theo các hợp đồng cầm cố giấy tờ ngày 5/5/2014; ngày 26/9/2014 và ngày 25/4/2015. Cùng đó, còn có khoản thế chấp hàng tồn kho thu luân chuyển trên sổ sách của khách hàng…

Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)