Nhà cổ làng Nôm: Tìm về chốn bình yên
Bước qua cánh cổng làng uy nghiêm đã có nhiều vết hằn của thời gian, một không gian làng quê “đích thực” dần hiện lên với nhiều ngôi nhà cổ.
Từng ngôi nhà in bóng bao quanh hồ nước tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Những ngôi nhà cổ xây bao quanh hồ này là tám nhà thờ họ của năm dòng họ. Hầu hết, chỉ những ngày lễ, Tết hay ngày rằm, ngày đầu tháng thì những căn nhà mới có người ra vào.
Men theo hồ nước, đường làng Nôm dần được hiện ra với một cấu trúc rất độc đáo. Các ngõ liền kề với nhau theo dạng đường ngang bên ngoài, ngõ tắt bên trong giống như xương cá nên không khó để chúng tôi định hình trục đường chính của làng.
Cạnh sân đình, nhiều cây cỏ dại đã mọc quanh một chiếc giếng rêu phong. Ngoài giếng này, trong làng còn lưu giữ hai giếng cổ khác. Tất cả đều có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm.
Chung quanh, có vài tiếng trẻ con ríu rít cười đùa, những người già ngồi trên những chiếc ghế đá bên hồ thủ thỉ với nhau vài câu chuyện. Vào những ngày hè, hồ nước lớn giữa làng này là nơi tập trung của nhiều người dân làng Nôm. Dường như, nhịp sống của ngôi làng rất chậm rãi và bình yên.
Căn nhà cổ nhất làng
Hẹn gặp ông Đỗ Văn Quý, để vào tham quan nhà cổ hơn 200 năm tuổi, được coi là ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn nhất trong làng. Tính đến ông Quý, đã có sáu đời sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này.
Ngôi nhà mang lối kiến trúc đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ xưa gồm “ba gian, hai chái” - ba gian ngoài và hai buồng đựng đồ.
Với mong muốn giữ một không gian văn hóa cổ điển hình của đồng bằng Bắc Bộ, gia đình giữ gần như nguyên trạng ngôi nhà cổ. Không gian trong khuôn viên vẫn được sắp xếp theo văn hóa làng quê Việt truyền thống với những chậu hoa, cây cảnh, cây tùng, dại tre hai bên.
Nhà xây chủ yếu bằng gỗ lim và gạch thất. Những thân gỗ được chọn lựa kỹ càng, đục đẽo và phơi khô cho đến khi gỗ quắt lại mới liên kết lại với nhau bằng kỹ thuật ghép mộng.
Nó không chỉ giúp ngôi nhà giữ được bản chất, chất liệu và mầu sắc nguyên thủy của gỗ, mà còn giúp khoảng cách giữa các cột, kèo lớn được khít hơn tạo nên kết cấu chắc, bền, làm cho không gian bên trong cao, rộng và thoáng hơn. Cũng vì vậy mà ngôi nhà qua mấy trăm năm vẫn không bị lỏng hay xê dịch dù không sử dụng bất cứ cây đinh nào.
Đi vào trong nhà, cảm nhận mùi hương gỗ thơm dịu nhẹ và dễ chịu của những thớ gỗ cổ. Những tấm gỗ lim làm cột nhà vững chãi đến nỗi “gỗ lim nhà này bắn đinh thì đinh cũng bị cong”.
Xà ngang thì được làm bằng gỗ hương đỏ rất quý. Ngói nhà có ba lớp, mái ngói lợp bên trên giúp cách nhiệt tốt hơn so mái tôn, kết hợp với không gian thoáng làm cho ngôi nhà luôn mát mẻ.
Cũng như nhiều ngôi nhà gỗ cổ khác, ngôi nhà này cũng đang phải đối mặt tình trạng mối mọt, dù gia chủ vẫn thường xuyên quét dọn, lau chùi cẩn thận, mỗi năm, phun thuốc mối quanh nhà tới hai lần. Nhà có gì hỏng hóc, gia đình lại nhanh chóng tìm cách gia cố lại cho an toàn.
Ông Quý chia sẻ, việc giữ gìn ngôi nhà không chỉ là giữ lại mảnh đất của ông bà để lại mà còn để du khách tới đây có thể tìm về quá khứ, cảm nhận được những nét văn hóa truyền thống của ông cha.
Những ngôi nhà cổ làng Nôm đang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trước nhịp sống hối hả, khó có nơi nào còn giữ lại nguyên vẹn khung cảnh nông thôn của đồng bằng Bắc Bộ như làng Nôm. Hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình sẽ còn lắng sâu trong tâm thức của mỗi người dân sở tại và mỗi ai ghé thăm nơi đây.