Bí ẩn gò rắn tại đình cổ dưới đáy giếng ở Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Trong khuôn viên đền Đức Thánh Đầm, ngoài ngôi đình nằm dưới giếng cổ còn có một gò đất giống như mộ, thờ rắn thần.

Bởi theo người dân làng Mễ Trì thì thần rắn chính là con trai vua Thủy Tề, là Đức Thánh Đầm đã có công làm cho mưa nắng thuận hòa, dân làng đánh bắt được nhiều tôm, cá...
Gò “lạ”

Khi đến đền thờ Đức Thánh Đầm, nhiều người sẽ nhìn thấy dưới gốc si già có một bệ thờ giống như ngôi mộ. Nói là gò lạ bởi nhiều người không biết nên gọi đây là gò hay mộ, nhưng theo ông Đỗ Đức Lợi, Ban quản lý đền thì không được gọi đó là mộ, vì nó chỉ là mô đất xưa kia được dân chài đắp lên thành gò rồi lập ban thờ cúng tế thủy thần. Tuy nhiên, khách thập phương khi đến đây dâng hương thấy bệ thờ giống như ngôi mộ nên tiện mồm gọi mộ, có người gọi là gò... thành thử tên gọi chưa thống nhất.
Theo quan sát của chúng tôi, bệ thờ này có chiều dài khoảng 5m, chiều ngang khoảng 2,5m, xung quanh được ốp đá xanh khang trang, sạch đẹp. Cạnh bệ thờ là gốc si cổ thụ cùng 5 cây gạo vươn tán bao phủ khắp khu đền. 
 Bệ thờ được người dân đắp lên để thờ thần rắn, con vua Thủy Tề. 
Ông Trần Văn Xuyến, Phó ban Quản lý Di tích đền Đức Thánh Đầm cho biết: “Lịch sử làng Mễ Trì ghi lại, bệ thờ này được đắp từ cách đây khoảng 1.000 năm, khi đó làng Mễ Trì có tên là An Sơn. Đây là vùng đất rộng lớn chuyên trồng các loại lúa thơm tiến vua. Một hôm vua Lê Đại Hành đến thăm làng Mễ Trì liền đổi tên Anh Sơn thành Mễ Trì với nghĩa là ao gạo, nhằm tôn vinh vùng đất trù phú này. Lúc này, bệ thờ cũng được đắp lên để thờ cúng thủy thần, cầu mong mưa thuận gió hòa cho người dân trồng lúa tiến vua, đánh bắt được nhiều tôm, cá...”.
Nói về nguồn gốc của bệ thờ kỳ lạ tọa lạc trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Ngô Duy Tỵ, Thủ từ đền Đức Thánh Đầm cũng cho rằng, bệ thờ đã được đắp từ rất lâu rồi. Căn cứ của nhận định này dựa trên câu chuyện truyền miệng của làng Mễ Trì về chàng trai họ Ngô đến chiếc giếng cổ gần bệ thờ ven làng thau giếng. Khi nhặt được chiếc chiêng cổ chàng trai họ Ngô đã đánh liền ba tiếng rồi lăn ra chết. Từ đó cho thấy bệ thờ và giếng cổ có thể xuất hiện cùng một thời điểm...
Theo ông Tỵ thì trước đây, người dân địa phương xây dựng trên mô đất này một khung tường bằng gạch, hình chữ nhật giống như ngôi mộ, bên trên đặt một ban thờ... vì hình dáng như vậy nên có người gọi đó là mộ. Thế nhưng, kích thước của bệ thờ này lại lớn hơn nhiều so với ngôi mộ bình thường, nhưng không phải là lăng mộ. Cách đây vài năm, người dân địa phương đã mua đá lát xây ốp kín bên ngoài cùng những khu vực xung quanh để đền được khang trang, sạch đẹp hơn.
Ông Đỗ Quang Lợi bên bệ thờ độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ.
Theo người dân địa phương, vào những ngày lễ, Tết hằng tháng, hằng năm, quan lại từ triều đình và khắp nơi phải đến đền thờ Đức Thánh Đầm để dâng hương, cầu mong đất nước an bình, mưa thuận gió hòa, dân chúng cày cấy được mùa, ăn nên làm ra. Thần phả làng Mễ Trì còn ghi rằng: “Những người tình duyên trắc trở, hiếm muộn con cái khi đến đây dâng hương cầu khẩn đều được linh ứng”. Vì vậy mà người đến đền không chỉ có quan lại cao cấp mà còn cả những người bần cùng, nghèo khó...
Khi Trung tâm Hội nghị Quốc gia được quy hoạch xây dựng, toàn bộ đền thờ Đức Thánh Đầm nằm trong diện phải giải tỏa. Nhưng khi dự án này được triển khai xây dựng năm 2004, trong khi rất nhiều nhà phải di dời đi nơi khác, trả đất cho dự án thì đền thờ lại được giữ lại, thậm chí, một số hạng mục như cổng chính, sân vườn còn được trùng tu khang trang hơn.
Các đạo sắc phong đã được dịch ra tại đền thờ Đức Thánh Đầm. 
Mộ rắn – con vua Thủy Tề?
Sở dĩ có người gọi gò đất nằm ngay trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị Quốc gia là gò rắn, bởi truyền thuyết của làng Mễ Trì kể lại rằng: Xưa kia, con trai vua Thủy Tề đi lạc đến đây, vua Thủy Tề đã hóa thân thành một tráng sĩ đi tìm con nhưng không thấy. Cùng lúc đó, người dân lại thấy một thanh niên thường xuyên ẩn hiện chốn đầm lầy heo hút liền cử người theo dõi thì thấy chàng trai rẽ nước rồi biến mất vào một buổi chiều tà.
Từ chỗ con vua Thủy Tề biến mất, có một ông lão nghèo khổ đến đánh cá rồi vớt được quả trứng kỳ dị liền đem về nuôi. Thật lạ lùng là quả trứng đã nở ra một con rắn, nhưng lão nông không vứt đi mà đem rắn nuôi trong một cái chum, tự tay cho ăn từng bữa. Chẳng bao lâu sau, rắn lớn chật chum, rồi vào một đêm mưa gió, rắn đã phá chum bơi ra đầm đầm. Vì mong nhớ rắn nên lão nông ngày đêm rong thuyền ra gọi nhưng không thấy. Một trong những lần tìm rắn, ông buông lời cầu khẩn rắn phù hộ cho mình đánh được nhiều cá, kiếm miếng ăn qua ngày. Không ngờ lời ước của ông lão trở thành hiện thực.
Thấy sự việc kỳ lạ, người dân trong làng Mễ Trì đến hỏi và được lão nông kể lại câu chuyện lạ lùng vừa xảy ra. Khi nghe ông lão kể xong, mọi người ai nấy đều cầu khẩn như lời ông lão mách và được linh ứng. Thấy sự linh  kỳ, người dân cho rằng rắn chính là hóa thân của con trai vua Thủy Tề, nên mỗi khi rong thuyền quăng chài thả lưới liền gom đất đắp thành gò ở giữa đầm. Xung quanh gò lại trồng thêm cây si, cây gạo và dựng một ngôi mộ giả để thờ phụng rắn thiêng, mong bắt được nhiều cá, tôm. Từ đó về sau, người dân làng Mễ Trì truy tôn rắn thần – con vua Thủy Tề là Đức Thánh Đầm, mỗi khi có nguyện vọng gì đó thì đến đây cầu xin và đều được linh ứng.
Theo ông Đỗ Đức Lợi, Ban Quản lý đền thờ Đức Thánh Đầm thì trên gò người dân đắp một mô đất nhô cao giống như ngôi mộ, nhưng không nên gọi đó là mộ bởi nó chả chôn ai cả mà chỉ nên gọi bệ thờ là chính xác nhất. Vì sự linh ứng của đền thờ Đức Thánh Đầm nên từ năm 1730 - 1922, các đời vua đều có sắc phong cho đền và xuân thu nhị kỳ triều đình đều phải tổ chức lễ cúng cấp      Quốc gia tại đây.
“Bệ thờ Đức Thánh Đầm đã trở thành nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người dân làng Mễ Trì từ nhiều đời nay, được Nhà nước công nhận. Trước đây, mỗi năm người dân làng Mễ Trì tổ chức lễ hội ở đền thờ Đức Thánh Đầm hai lần vào mùa xuân và mùa thu (18/2 và 7/9). Nhưng cách đây vài năm, lễ hội được cắt giảm bớt theo cách gọn, nhẹ, tiết kiệm cho dân nên mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào ngày 18/2”.
Ông Đỗ Đức Lợi
Quách Dương

Bình luận(0)