Đây không phải là lần đầu tiên chứng khoán Việt Nam ngưng giao dịch vì quá nhiều tiền đổ vào. Từ đầu năm 2021 đến nay, các sàn chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến những phiên giao dịch tỷ USD. Còn trên hệ thống, hàng chục hàng tài khoản liên tục mở mới với số dư tiền mặt hàng tỷ USD.
Trong cả năm qua, khối các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu lên tới nhiều chục nghìn tỷ đồng, nhưng dòng tiền trong nước, từ cá nhân và tổ chức đổ vào vẫn áp đảo và là động lực chính kéo thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh mới trong những tháng đầu năm 2021. Chỉ số VN-Index đã xác lập đỉnh cao lịch sử mới: trên 1.300 điểm vào cuối tháng 5.
Theo công bố của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 4/2021, số tài khoản cá nhân và tổ chức mở mới lần lượt đạt 110.510 tài khoản và 145 tài khoản. Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 367 nghìn tài khoản.
Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán cũng cao chưa từng có. Năm 2020, số người tham gia chứng khoán mới (F0) tăng kỷ lục, một năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Tổng cả năm khoảng 600 nghìn tài khoản mới. Tổng cộng, số tài khoản cá nhân tại thị trường Việt Nam đã đạt hơn 3,12 triệu tài khoản. Số tài khoản tổ chức là 15,8 ngàn tài khoản.
|
Hàng triệu tỷ trong két sắt nhà dân Việt Nam. |
Tính tới cuối quý I/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 65.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Số tiền đổ vào cổ phiếu rất lớn. Quy mô vốn hóa của cổ phiếu trên 3 sàn lên tới khoảng 230 tỷ USD. Dư nợ vay ký quỹ margin tại các CTCK lên cao kỷ lục, tới cuối quý I tại các CTCK lên tới 110.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước tới cuối quý I/2021, Việt Nam có hơn 104 triệu tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng. Số dư tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 740 trăm nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua.
Tiền gửi tiết kiệm của dân cư cũng lên tới hàng triệu tỷ đồng. Đa số người dân vẫn lựa chọn kênh tiết kiệm cho dù lãi suất 2 năm qua giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi của cư dân vẫn tăng 5,5% từ cuối tháng 3/2020 đến hết tháng 2/2021. Đây là nguồn tiền khổng lồ giá rẻ đã giúp các ngân hàng báo lãi cả nghìn tỷ, thậm chỉ tỷ USD trong năm 2020.
Ngoài hai nguồn tiền nằm trong các hệ thống có kể kiểm đếm, thì một lượng tiền khổng lồ dưới dạng "ngầm" đang tích trữ trong vàng và BĐS.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Hội đồng Vàng thế giới (WGC) ước tính lượng vàng cất trữ trong dân có thể lên tới 400-500 tấn vàng, tương đương khoảng 30 tỷ USD.
Đi kèm với vàng, một lượng tiền mặt và ngoại tệ lớn cũng được người dân găm giữ để phòng thân và thanh toán tức thời. Không có thống kê chính xác, nhưng một điều chắc chắn rằng, không ít người dân Việt Nam, nhất là vùng nông thôn, vẫn có thói quen giữ tiền mặt trong nhà và nhiều người vẫn mua USD như một kênh tích trữ.
Đặc biệt, nguồn tài chính khổng lồ nhất là tiền đổ vào đầu cơ và tích lũy bất động sản. Những cơn sốt đất, khiến cả nước lao vào vòng xoáy đầu tư với nguồn tiền khổng lồ chứng tỏ điều này. Tín dụng BĐS lên tới hàng triệu tỷ đồng cũng phần nào cho thấy ‘phần chìm của tảng băng’ đầu cơ và tích lũy BĐS là vô cùng lớn.
Khơi thông các kênh đầu tư
Một con số đáng chú ý cho thấy, nguồn tiền trong nước rất dồi dào. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2020, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt hơn 403 nghìn tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là phát hành trong nước.
Gần đây, một lượng tiền được cho là không nhỏ đổ vào thị trường kỹ thuật số, đỏ đen với các đồng tiền như Bitcoin, Dogecoin,...
|
Khơi thông dòng vốn cho phát triển kinh tế. |
Thị trường đất nền sốt nóng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước vào đầu năm, hay sự sôi sục trên thị trường vàng mấy năm trước, rồi sự bùng nổ của thị trường tiền ảo và sôi động của thị trường chứng khoán gần đây chứng tỏ dòng vốn trong dân rất lớn. Điều đó cũng cho thấy thực trạng người dân có nhu cầu, nhưng bí kênh đầu tư. Chưa kể, đôi khi sự thiếu hiểu biết dẫn tới việc đầu tư rủi ro hoặc/và không hiệu quả. Kết cục, dòng tiền dổ dồn vào một kênh đầu tư, ở thời điểm nào đó, rồi lại tháo chạy, không ổn định.
2020 là năm chứng kiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ. Đây cũng là một kênh hấp dẫn cho cả người đi vay và người cho vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không có mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu rõ ràng. Thậm chí, một công ty thuộc lĩnh vực cắt tóc, gội đầu tại TP.HCM có doanh thu chỉ vài chục triệu đồng mỗi năm nhưng huy động được 738 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.
Với vàng và ngoại tệ, dòng tiền này nhiều khi như nguồn lực "chết". Tài sản của người dân, cũng là nguồn lực của đất nước, chưa được khơi thông để phục vụ cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Đối với tiền mặt, Chính phủ, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại đã có nhiều chủ trương để huy động hiệu quả, tạo mặt bằng lãi suất khá ổn định, tăng giảm theo quy luật thị trường. Trên thực tế, dòng tiền trong dân dịch chuyển linh hoạt. Khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp, tiền chảy vào chứng khoán và các kênh khác như bất động sản... Khi lãi suất cao và lạm phát ổn định, tiền lại vào hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, nguồn tiền trong nền kinh tế đa dạng và có nhu cầu, năng lực khác nhau về đầu tư hoặc gửi tiết kiệm. Đầu tư kênh nào cũng tốt, nhưng tránh những kênh đầu tư không có cơ sở pháp lý để tránh bị phạm pháp và lừa gạt. Thị trường tài chính cũng cần có thêm những sản phẩm mới để đa dạng hóa và hút nguồn tiền trong dân.
Cả triệu tỷ đồng trong dân là nguồn lực khổng lồ, nếu khơi thông các kênh đầu tư chính thống hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bứt phá.