"Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/1/2021.
Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện, từng bước được hiện thực hoá.
Trong đó, đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo và nhân quyền đều có sự tiến bộ trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Vấn đề đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo và nhân quyền dựa trên những quan điểm tổng thể của Đảng, cho thấy 3 điểm tiến bộ đáng chú ý.
Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo là một tư duy chính trị, đường hướng đã hình thành trong Đảng và Nhà nước từ lâu, trở thành vấn đề chiến lược, trong đó có vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vấn đề này được chú trọng, quan tâm ngay khi Đảng ra đời, nhất là từ năm 1941 thành lập Mặt trận Việt Minh.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn đề ra đường hướng, tư duy chính trị khách quan, hiệu quả cao. Đảng luôn coi đó như một nguyên tắc chính trị, từ vận động quần chúng, phát triển lực lượng cách mạng cho đến khi nắm chính quyền.
Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo ở nước ta từ Đại hội IX đến nay đều được chú trọng, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 25, Đại hội IX đánh dấu những bước phát triển thêm. Cụ thể, đại đoàn kết dân tộc có thêm những điều rất rõ.
Trước đây, nói về đại đoàn kết dân tộc, chúng ta thường dùng quan điểm đồng bào các dân tộc, các tôn giáo. Ngày nay, đoàn kết dân tộc được nâng lên thành đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này phản ảnh tầm mới khi bao gồm cả khoảng 5 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.
Một nét mới nữa, trước kia có khẩu hiệu chung “Yêu nước, bảo vệ Tổ quốc”, giờ tư duy chính trị toàn diện hơn. Từ Đại hội X, XI, bắt đầu xuất hiện từ “đồng thuận”.
Điều này cho thấy chúng ta tôn trọng thực tại rằng, đa số người Việt Nam yêu nước nhưng dần dần thừa nhận quan điểm yêu nước khác nhau, kể cả bên đối diện cũng có chủ nghĩa yêu nước, gọi là chủ nghĩa quốc gia. Đường hướng Xã hội chủ nghĩa là tất nhiên nhưng chúng ta đã đẩy mạnh, đổi mới tư duy chính trị.
Thứ ba, riêng vấn đề tôn giáo, khẩu hiệu thời trước là “Trước khi làm người tôn giáo, tôi là người Việt Nam”, bây giờ tiến bộ hơn khi dựa trên quan điểm xây dựng Nhà nước mà tôi gọi là “Nhà nước thế tục đa nguyên” để hài hòa, hợp tác. Đó là điều rất mới, bắt đầu từ Đại hội XI, XII tới nay.
Tại sao nói như thế? Bởi vì, đối với tôn giáo, chúng ta không chỉ kêu gọi thuần túy chung chung, mà phải đặt họ trong thể chế, mô hình Nhà nước thế tục hẳn hoi. Đó là Nhà nước phải có trên cơ sở pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải có sự tôn trọng họ thật sự, biến họ thành lực lượng xã hội.
Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta nói “Sống tốt đời, đẹp đạo”, giờ đã cũ nhưng chưa thay đổi nhiều. Thực tế cho thấy không dễ, bởi có người sống “tốt đời” nhưng chưa “đẹp đạo” hoặc ngược lại.
Tư tưởng hay chiến lược đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo là nội dung quan trọng trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua một số giai đoạn, đặc biệt từ năm 1945 đến 1990, có sự đổi mới cho riêng tôn giáo; nhưng phải đến năm 2002, 2003, khi có Nghị quyết 25 mới thực sự được nâng lên tầm mới cho đến bây giờ.
Để kết hợp đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo, tầm nhìn thực tế phải kết hợp 2 hai mặt. Một mặt là phát huy truyền thống của người Việt, dân tộc, nhân dân Việt Nam nói chung, nhưng phải thích ứng điều kiện mới. Vẫn có khác biệt trong hệ tư tưởng, tôn giáo, thần học của rất nhiều tôn giáo, do đó phải hài hòa.
Một số người thường nói: “Dân tộc Việt Nam chung một cành, một gốc”, “Nước Việt Nam đa dân tộc nhưng đều yêu nước”. Cách nói này rất tương đối, còn thực tế không hoàn toàn chính xác như vậy.
Nước ta không có chiến tranh tôn giáo, nhưng có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột tôn giáo. Do vậy, cần có một chính sách đúng đắn về tôn giáo, từ đó xây dựng khối đoàn kết dân tộc.
Để đánh bại mọi âm mưu thâm độc của những kẻ chống phá, cần phải hài hòa giữa "ý Đảng, lòng Dân". "Lòng Dân" ở đây là thế trận lòng dân, còn "ý Đảng" là đường hướng lãnh đạo trung thành với Chủ nghĩa Mác Lê Nin và Xã hội chủ nghĩa.
Về mặt nguyên tắc, tư duy rất đúng. Làm sao có được “ý Đảng” mà lại thành “lòng Dân”, đấy là tuyệt đối. Trước mắt, Đảng đã có thành tựu và cơ đồ như ngày nay, cho thấy chúng ta đã tiếp thu, vượt qua gian khó và thành công.
Ý Đảng là cách nói ngôn ngữ dân gian đi sâu vào lòng người dễ hiểu. Nhưng nói cho đúng hơn, đường lối chính trị, các quyết sách chính trị cũng như hệ thống chính sách, ý Đảng trung thành đường lối đi lên Chủ nghĩa xã hội và phù hợp quy luật lịch sử của Việt Nam.
Ý Đảng đã được cụ thể hóa bằng các chiến lược, chính sách. Ngoài ra, nhiều “ý Đảng” trong quyết sách các vấn đề lớn, có tính chiến lược, thậm chí bao trùm hơn.
Về "lòng Dân", một nguyên tắc rất quen thuộc là khai thác truyền thống tốt đẹp của Nhân dân. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển cho thấy thời đại đã thay đổi. Đó là thời đại công nghiệp 4.0, nhu cầu của con người là xã hội tiêu dùng.
Chúng ta nói đến "lòng Dân" nhưng mới đề cập truyền thống yêu nước, cổ vũ nhân dân phát huy sức mình trong xây dựng đất nước. Nửa còn lại là người dân nghĩ gì, muốn gì trong thời đại cách mạng công nghiệp, thời đại công nghệ trí tuệ nhân tạo? Con người suy nghĩ khác trước rất nhiều.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, văn minh, thông tin và xã hội tiêu dùng, Đảng cũng cần có đường lối, chính sách phù hợp nhu cầu, mong muốn của Nhân dân.
Bây giờ không chỉ “xóa đói, giảm nghèo”, “không bỏ ai ở lại phía sau” có ý nghĩa về mặt đạo lý, mà thực tế là xã hội pháp quyền, xã hội công dân nên cần bình đẳng hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa để những người Việt Nam yêu nước trở thành công dân thực sự.
Hiện, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền thật vững mới là xã hội công dân.
Tóm lại "ý Đảng, lòng Dân" phù hợp tâm lý, tình cảm người Việt Nam ở những giai đoạn nhất định. Hai mệnh đề lớn để kết hợp được với nhau cần có sự phát triển tư duy chính trị và các chính sách.