81 ngày đêm rực lửa bi hùng, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một cái chớp mắt, nụ cười lạc quan của người lính tuổi đôi mươi ấy như câu trả lời cho câu hỏi vì sao dân tộc ta đã chiến thắng trong cuộc trường chinh, trường kỳ và gian khổ.
Xung phong ra trận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng
Dù có 3 người con, nhưng vợ chồng cựu binh Lê Xuân Chinh vẫn chọn không ở cùng các con. Hai vợ chồng ông sống ở ngôi nhà giản dị nhìn ra đỉnh núi U Va xanh biếc. “Đồng đội của tôi ai cũng xứng đáng là nụ cười trong bức ảnh ấy. Cũng nhờ bức ảnh ấy mà đồng chí, đồng đội tôi mới biết mình còn sống” – cựu binh Lê Xuân Chinh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nụ cười lấp lánh lạc quan như thuở nào.
Dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả của cuộc sống nhưng người chiến sĩ này vẫn luôn giữ được nụ cười lạc quan như thuở 20. Ảnh NVCC
Vừa bước sang tuổi 69, sức khỏe của ông giảm nhiều. Dù mang trong mình thương tật của chiến tranh nhưng ông Chinh luôn coi mình là người may mắn so với bao đồng đội. Ông bảo, ông bị thương mấy chục năm không có chế độ gì, ngay cả thời điểm bi đát nhất nhưng tôi vẫn là người may mắn hơn nhiều đồng đội của mình. Khi giải ngũ, người mang bệnh tật, bươn chải nùôi đàn con, nhưng ông không đòi hỏi chế độ gì cho mình. Cứ như thế hơn 30 năm, cho đến ngày người ta phát hiện ra nhân vật bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị” được treo trang trọng trong bảo tàng vẫn còn sống…
Cựu binh Lê Xuân Chinh quê gốc ở làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, lại là con độc nhất, ông thuộc diện không phải vào chiến trường. Thế nhưng, vào thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất (1972), thấy bạn bè cùng trang lứa tíu tít ghi danh lên đường đánh giặc, chàng thanh niên ấy đứng ngồi không yên. Hôm đó, sau khi lên xã nộp đơn xung phong nhập ngũ, quay về nhà ông thấy mẹ đang thắp hương trên bàn thờ bố, rì rầm khấn vái rồi ngồi khóc.
“Mẹ tôi đã linh cảm điều này từ rất lâu rồi, biết tính tôi nên bà không ngăn cản. Ba hôm sau, tôi lên đường và có nói với mẹ: Con đi, sống xanh cỏ, chết đỏ ngực. Con hứa sẽ không bao giờ làm ô danh mẹ và gia đình” – Ông Chinh kể lại.
Tháng 6/1972, trong biên chế Đại đội 18 thông tin liên lạc của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Lê Xuân Chinh vượt sông Thạch Hãn vào thành cổ Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của ông và đồng đội là hằng ngày dẫn lực lượng chủ lực và đem công văn, mệnh lệnh từ chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu vào trong thành cổ. “Hồi đó chúng tôi coi cái chết nhẹ như lông hồng. Chiến tranh khốc liệt quá khiến mỗi người trở nên bản lĩnh và chai sạn trước bom đạn” – ông trải lòng.
Các chiến sĩ chiến đấu giữ thành cổ Quảng Trị. Ảnh Đoàn Công Tính
Mỗi ngày Lê Xuân Chinh và đồng đội không biết phải bao lần đối mặt và lách qua cái chết chỉ trong gang tấc. Gần như 24/24h, B52 rồi pháo từ Hạm đội 7 Mỹ bắn như vãi chấu, hoả lực của lính Việt Nam Cộng hoà (Thiết đoàn 7, 18 kị binh; Lữ đoàn dù 1, 2, 3; Liên đoàn Biệt cách nhảy dù; 3 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến…) thi nhau dội lửa xuống trận địa. Đường dây vô tuyến, hữu tuyến gần như không hoạt động nên mệnh lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn (E 48) chỉ được truyền đạt thông qua đơn vị thông tin liên lạc.
Trận Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm (bắt đầu từ 28/6/1972 đến 16/9/1972 - quân ta rút khỏi thành cổ) thì Lê Xuân Chinh bám trụ đến 70 ngày. “Tôi nhớ vào chiều ngày 5/9/1972, khi ấy đang trên đường mang công văn từ Ban chỉ huy Trung đoàn xống Ái Tử, tôi đã dính pháo bầy, bị mảnh pháo găm vào sườn trái, máu ướt sũng cả quần áo. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở Bệnh viện dã chiến 112, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)” – Ông Chinh nhớ lại.
“Sống chết có số, cứ cười cho khí thế”
Kể về xuất xứ tấm hình nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị”, cựu chiến binh Lê Xuân Chinh hồi tưởng, hôm đó nhận lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn, ông và du kích dẫn phóng viên Đoàn Công Tính, Báo Quân đội Nhân dân vào thành cổ. Lúc chuẩn bị đến chốt của quân ta gần bờ sông Thạch Hãn, nhìn thấy một nhóm chiến sĩ của ta đang cười nói rôm rả trong lúc pháo địch chuyển làn, phóng viên Đoàn Công Tính bảo: “Các anh em cứ ngồi đó cười thật tươi tôi chụp bức ảnh”.
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị” của nhà báo Đoàn Công Tính như một biểu tượng hùng tráng trong cuộc Trường Chinh của dân tộc ta. Ảnh NVCC
Ông Chinh bảo, lúc ấy chẳng ai nghĩ đến việc sẽ được nổi tiếng mà chỉ nghĩ sống chết có số, cứ cười cho khí thế, có khi chụp xong lát nữa hy sinh hết. “Tôi là con độc nhất, cũng muốn đăng báo để gia đình ở quê biết được mình còn đang sống và chiến đấu ở Quảng Trị. Sau này đơn vị tôi rút ra Nông Cống, Thanh Hoá, lần đầu tiên tôi nhìn thấy tấm ảnh này trên Báo QĐND do thủ trưởng đơn vị cho xem rồi quên luôn gần 30 năm sau. Hôm đó (năm 2002-PV) có người ở Bảo tàng Quảng Trị gọi điện qua số máy của nhà hàng xóm xin gặp tôi để xác minh về người trong bức ảnh”- ông Chinh cười.
Đến năm 1974, do vết thương nặng tái phát, lại là gia đình con một nên ông Chinh được cấp trên giải quyết về phục viên. Chiến tranh bão đạn ông Chinh không thấy sợ, không coi đó là thử thách. Thế nhưng khi trở về quê vào những năm đầu 80 của thế kỷ trước, cuộc sống cơm áo thực sự là thử thách với ông. “Từ chiến trường ra chẳng biết làm gì để nuôi vợ con, năm 1980, tôi lên thăm bà cô ruột đi kinh tế mới ở Điện Biên, thấy mảnh đất phì nhiêu, có thể sống được nên tôi về đưa vợ (bà Đào Thị Đặt) đang mang bầu 7 tháng con gái đầu lòng ngược Tây Bắc” - cựu binh Lê Xuân Chinh kể tiếp.
Cựu binh Lê Xuân Chinh trong lần trở lại chiến trường thành cổ Quảng Trị. Ảnh NVCC
Giấy tờ chứng nhận thương tật mất sạch, ông lên Điện Biên xây dựng kinh tế mới với 1.000m2 ruộng, 3 đứa con nheo nhóc lần lượt ra đời. Vết thương ở sườn trái gió trở trời lại chọc vào phổi làm ông không thể làm được những việc nặng nhọc, 3 người con mặc dù học hành cũng khá nhưng vì nhà nghèo quá nên phải bỏ học giữa chừng. Gia đình ông vẫn ở ngôi nhà gỗ bé xíu cho đến tận năm 2002, khi người ta phát hiện ông chưa… hy sinh! Ông được các nhà hảo tâm quyên góp dựng cho căn nhà tình nghĩa và được cấp thẻ thương bình 4/4. “Điều tôi trăn trở nhất chính là không thể lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Nhưng thôi 2 đứa con gái lớn cũng lập gia đình, cậu con trai út Lê Văn Thành cũng có gia đình riêng nhưng cháu lại bị nhiễm chất độc da cam từ tôi. Vì thế Thành sinh được 1 cháu gái năm nay 11 tuổi nhưng lại bị bại não nằm một chỗ” – ông Chinh rưng rưng.
Thực hiện: Quang Anh