“Chiều vừa gặp nhau tay bắt mặt mừng, đến sáng bom đã san phẳng cả”

“Chiều vừa gặp nhau tay bắt mặt mừng, đến sáng bom đã san phẳng cả”

“Chiến trường tan hoang hết cả, có thể chiều vừa gặp nhau, tay bắt mặt mừng, đến rạng sáng chốt đã bị bom san phẳng rồi!” - phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính ngậm ngùi.
“Bom rơi cũng chụp, bom nổ cũng chụp”
Tháng 7, cả nước đang cùng hướng về ngày Thương binh liệt sĩ, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã quên mình hy sinh cho tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chúng tôi có dịp đến thăm nhà báo Đoàn Công Tính, ông là chiến sĩ phóng viên ảnh chiến trường, từng chiến đấu, tác nghiệp tại thành cổ Quảng Trị năm 1972.
“Chieu vua gap nhau tay bat mat mung, den sang bom da san phang ca”Nhà báo Đoàn Công Tính – người từng chụp hàng ngàn tấm ảnh tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
 
Căn nhà nhỏ nơi ông cùng gia đình sinh sống nằm sâu trong một con hẻm thuộc phường 5, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), rất bình yên, tĩnh lặng. Người chiến sĩ, phóng viên chiến trường Thành cổ Quảng Trị nay đã bước sang tuổi 81, sức khoẻ không cho phép ông tiếp chuyện được lâu, nhưng chúng tôi cảm nhận được tinh thần xông pha chiến trường, với vũ khí là chiếc máy ảnh năm nào vẫn ùa về trong từng ánh mắt và lời kể của ông, sâu lắng như những thước phim ông từng chụp.
Giọng ông chậm rãi: “Tôi quê ở Nam Định, năm còn học phổ thông tôi nằng nặc xin mẹ cho tham gia quân ngũ, xin mãi cuối cùng năm 19 tuổi mẹ cũng phải gật đầu. Vào quân ngũ, tôi được theo học lớp sĩ quan. Khi là binh nhì tôi đã tham gia viết bài báo đầu tiên. Lần đó, trong binh đoàn anh em chuyền tay nhau một chiếc máy ảnh Liên Xô, tôi mê máy ảnh từ đó, đêm ngày nung nấu suy nghĩ làm sao phải mua được một ‘con’ máy ảnh, rồi ước mơ cũng thành hiện thực. Chiếc máy ảnh đầu tay của tôi là chiếc Ki-ép với ống tiêu cự 50mm. Từ ngày có máy, nó là vật bất ly thân của tôi!
Có máy ảnh rồi, với tiền trợ cấp quân ngũ 8 đồng/tháng, tôi lại quyết tâm dành dụm để mua phim chụp. Mỗi lần đem phim đi thuê rửa không phải lúc nào cũng thuận lợi, phải lặn lội lên Sơn Tây có duy nhất một tiệm ảnh để rửa, tôi lại mày mò tìm cách học rửa ảnh, may mắn được chủ tiệm ảnh rất nhiệt tình chỉ dạy”.
“Chieu vua gap nhau tay bat mat mung, den sang bom da san phang ca”-Hinh-2Ông Đoàn Công Tính (phải) trò chuyện cũng PV Báo Tri thức và Cuộc sống.
 
Nở nụ cười hiền hậu, ông kể tiếp: “Hằng đêm, chờ tiểu đội ngủ say, tôi rủ một cậu bạn, anh ấy tên là Nguyễn Quang Trung, hai đứa tôi thả màn, kê chăn gối giả người ngủ, rồi lén bò xuống căn hầm gần đó, để rửa hình. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cậu bạn đứng bê chậu nước, phụ tôi cầm các thiết bị rửa hình trong đó có chiếc đèn pin đầu bật sáng bọc một lớp bằng lá chuối để soi hình…. Vất vả lắm mới tráng rửa được một đoạn phim, lúc thì phim quá già, lúc thì phim lại quá non trắng xoá, nhưng hai chúng tôi không nản lòng. Rồi một lần, trời mưa gió, 2 đứa tôi vẫn mò xuống hầm, bất ngờ cậu bạn bị ngã vì hụt hố nước, nằm bất động, tôi lo sơ cứu rồi vác cậu ấy về đơn vị, may mà cậu ấy tỉnh lại. Ngày ra trường mỗi người một ngả, tôi không biết giờ này người bạn năm xưa còn sống hay đã khuất”.
Khi vào công tác, ông vẫn nuôi trí tiếp tục mày mò tự học chụp ảnh và tự rửa. Ông say mê ghi lại tất cả những gì diễn ra trên chiến trường, trong cuộc sống binh đoàn… bằng máy ảnh. Là một cán bộ tuyên huấn, từng là binh nhất, binh nhì ông thấu hiểu hơn ai hết tâm tư tình cảm người lính, nên những tấm ảnh ông chụp các chiến sĩ đều rất tự nhiên không gượng ép. Ông từng ngày tích cóp kinh nghiệm làm báo, chụp hình.
Từ năm 1970 – 1972 ông tham gia chiến dịch “Đường 9 Nam Lào”, lao mình vào chiến trận, ông vừa là lính vừa là phóng viên. Máy ảnh và cuộn phim NP55 là vũ khí sắc bén của ông.
“Chieu vua gap nhau tay bat mat mung, den sang bom da san phang ca”-Hinh-3Ông Đoàn Công Tính (người cầm máy ảnh) cùng các chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (Tháng 8/1972) - ảnh: NVCC
 
Ông bồi hồi nhớ lại: “Lúc còn học phổ thông, cũng là đứa trẻ năng động nên tôi thích bơi lội, chạy nhảy, đá bóng với chúng bạn, nên thể lực như đã được tôi luyện, cộng với thời gian rèn luyện trong trường quân ngũ nên khi ra chiến trường nhiều khi phải nhanh hơn người lính, như một đặc công thực thụ. Có khi bom vừa dứt là phải thò đầu khỏi hào để chụp hình, bom rơi cũng chụp, bom nổ cũng chụp, nổ xong rồi cũng chụp.”
Quảng Trị! Chiến trường khốc liệt
Có lẽ kỷ niệm nhớ nhất, đặc biệt nhất trong sự nghiệp của ông đó là những ngày tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Hàng ngàn tấm ảnh ông chụp về những trận đánh địch pháo kích liên tục, không ngừng nghỉ dưới chân thành cổ là những tư liệu vô giá. Những bức ảnh cho thấy tinh thần dũng cảm, kiên cường của chiến sĩ bộ đội ta, đã đẩy lùi hàng ngàn đợt phản kích bằng những thiết bị tối tân nhất của địch.
“Chieu vua gap nhau tay bat mat mung, den sang bom da san phang ca”-Hinh-4Chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - ảnh: NVCC
 
“81 ngày đêm tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị, tôi với tâm thế sẵn sàng nếu có hy sinh cũng như những người lính. Tôi luôn tâm niệm, phải vào tận chiến trường, tận chiến hào, hầm sâu cùng các chiến sĩ thì các bức ảnh mới chân thực. Đặc biệt, các bức ảnh phải toát lên được tinh thần chiến đấu quật cường của các chiến sĩ ngoài chiến trận. Thương lắm! Chiến trường tan hoang hết cả, có thể chiều nay vừa gặp nhau, anh em tay bắt mặt mừng trong giây lát khi yên tiếng bom tiếng súng, nhưng đến rạng sáng đã hay tin chốt bị san phẳng rồi…” - ông nói, giọng trùng xuống. Người chiến sĩ phóng viên ảnh gan góc năm nào không ngăn nổi dòng nước mắt khi nhớ về các đồng đội ông từng ghi vào những thước phim.
“Chieu vua gap nhau tay bat mat mung, den sang bom da san phang ca”-Hinh-5Tình đồng đội giữa chiến trường Quảng Trị. 
 
Ông tặng tôi những tấm ảnh trong đó có bức hình chiến sĩ Lê Xuân Chinh cùng đồng đội cười rất lạc quan giữa thành cổ đổ nát vì bom đạn. Bức ảnh có tên “Nụ cười bất tử thành cổ Quảng Trị” từng đoạt giải thưởng lớn. Ông nhớ lại: “anh Chinh là người dẫn tôi vào chốt, lúc đó các anh em có phút giây quý hiếm ngồi bên nhau, tôi liền nhanh chóng chụp luôn bức ảnh, anh Chinh là người ngồi gần ống kính với nụ cười rất lạc quan, dù sự sống và cái chết gần trong gang tấc”.
“Chieu vua gap nhau tay bat mat mung, den sang bom da san phang ca”-Hinh-6Chiến sĩ Lê Xuân Chinh cùng đồng đội cười rất lạc quan giữa thành cổ đổ nát vì bom của địch, bức ảnh có tên “Nụ cười bất tử thành cổ Quảng trị” - ảnh: NVCC
 
Thời đó, để gửi được tin và hình ảnh về toà soạn không phải dễ dàng. Có lúc ông gửi lái xe, lúc thì gửi cánh thương binh ra Bắc điều trị, hay gửi các đoàn cán bộ. Nhiều khi ông phải bám xe, chạy bộ, đi xuồng, gói gọn đồ nghề rồi bơi sông để đưa được những thước phim về càng nhanh càng tốt. “Tổng biên tập báo Quân Đội nhân dân Nguyễn Đình Ước ngày nào cũng nóng lòng hỏi Tổ ảnh xem “hàng” của Đoàn Công Tính đã về chưa” - ông cười dí dỏm.
Lòng say mê, đầy nhiệt huyết với nghề đã giúp ông chụp được hàng ngàn tấm ảnh quý giá, chân thực về các trận chiến đấu của quân chủ lực, du kích, của người dân miền quê Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.
Từ năm 1970 đến năm 1973, ông giành được nhiều giải thưởng ở các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Trong đó, tấm ảnh “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu” đã giành giải thưởng lớn quốc tế, những bức ảnh “Trên đồi không tên”, “Nụ cười thành cổ Quảng trị”, “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Khí phách người cửa sông”,… đạt giải thưởng cao trong nước.
Tháng 1/2002, tại trung tâm Bảo tàng New York (Mỹ), 40 tấm ảnh của Đoàn Công Tính chụp cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta được trưng bày. Từ triển lãm này, người dân Mỹ hiểu thêm một phần sự thất bại tất yếu của cuộc chiến tranh xâm lược.
Trước khi tạm biệt chúng tôi, vẫn dáng vẻ điềm tĩnh, nụ cười hiền hậu, cái bắt tay ấm áp, ông nói: “Nếu được trở lại thời tuổi trẻ, tôi vẫn chọn là một phóng viên, vẫn đam mê với máy ảnh, cuốn sổ và cây bút và sẽ lại tìm đến nơi cuộc sống gian khó, nơi người dân vô tội vẫn đang phải hứng chịu cảnh chiến tranh ly tán để ghi lại tất cả bằng cái tâm của người làm báo. Với thế hệ phóng viên trẻ thời bình, thời hiện đại 4.0, mong các bạn hãy nhiệt huyết với công việc, đừng ngại khó, ngại khổ, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng con tim và khối óc. Nghề báo sẽ cho các bạn thấy những điều không thể mua được bằng tiền bạc”.
Thực hiện: Quỳnh Hương
Thiết kế: Đức Thuận 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu