“Với việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp bất thường trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”. Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất chiều 11/1/2022, sau những ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra từ ngày 4 đến 11/1/2022, trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Quốc hội họp bất thường để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách nhằm hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo người đứng đầu Quốc hội, kỳ họp bất thường lần đầu tiên được tổ chức với nhiều nội dung rất quan trọng, không chỉ cho năm 2022 mà đối với cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm trước đất nước, Nhân dân, Quốc hội đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc, xem xét, biểu quyết thông qua 1 luật và 4 nghị quyết với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của kỳ họp.
“Tinh thần và kết quả của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Sau dấu ấn điều hành kỳ họp “bất thường” đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục xem xét “những vấn đề cấp bách” nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội diễn ra từ ngày 5 đến 9/1/2023 trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, với 5 nội dung được trình xem xét, thông qua.
“Xem xét, quyết định vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Cái gì chưa cấp bách hay chuẩn bị chưa kỹ thì chưa đưa vào xem xét”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Kỳ họp bất thường thứ ba (ngày 18/1/2023) và thứ tư (ngày 2/3/2023) xem xét công tác nhân sự, được đánh giá là hành động “chuyển mình” mạnh mẽ của Quốc hội trong việc sắp xếp, bố trí, kiện toàn nhân sự cấp cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản trị quốc gia. Nhân sự cao cấp được kiện toàn hợp lý, sẽ kịp thời giúp đất nước có bộ máy ổn định, vững vàng, tiếp tục lèo lái con thuyền cách mạng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, có thể thấy, họp bất thường với mục đích xử lý vấn đề cấp bách trước thực tiễn của đời sống xã hội, vì quốc kế, dân sinh, sự phát triển của đất nước, Quốc hội đã khẳng định bản lĩnh, sự quyết đoán, quyết tâm và quyết định kịp thời những vấn đề cấp bách hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân. Thực tế những gì diễn ra đã thể hiện nỗ lực của Quốc hội trong đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn vì lợi ích của cử tri cả nước. Trong đó, vai trò của người đứng đầu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội rất quan trọng.
"Để kỳ họp bất thường trở thành bình thường, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội cần chú trọng việc đẩy nhanh thực hiện những vấn đề cấp bách, thiết thực đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo thống nhất. Việc tổ chức triển khai các nghị quyết yêu cầu cơ quan giám sát cần có kiểm tra, đánh giá sao cho nghị quyết được triển khai đúng như yêu cầu đề ra”, người đứng đầu Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần tiếp tục thông tin về những chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài khóa, tiền tệ để cử tri, Nhân dân nắm rõ, có sự đánh giá, giám sát cùng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Không chỉ thể hiện vai trò chủ động của người điều hành 4 kỳ họp bất thường của Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2021-2026), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được cơ quan soạn thảo trình sang rồi mới cho ý kiến, mà phải giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp vào cuộc “từ sớm, từ xa”. Thậm chí, Quốc hội “đặt hàng” các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật. Những kỳ họp bất thường vừa qua của Quốc hội đã thể hiện rõ sự chủ động, khẩn trương, tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề cấp bách liên quan quốc kế dân sinh.
Nhìn rộng ra nhiệm kỳ khóa XV, tinh thần chủ động “chuẩn bị từ sớm, từ xa” được thể hiện ở ngay từ những kỳ họp đầu tiên (năm 2021). Trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 nghị quyết chuyên đề. Nhiều đại biểu và cư tri đánh giá đây là kỳ họp lịch sử khi ngay tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã có tầm nhìn dài hạn, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho cả nhiệm kỳ.
Tiếp đó, đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cũng trong năm này, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và hậu giám sát.
Một vấn đề khác cũng thể hiện sự chủ động, làm việc nghiêm túc của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội là việc hoàn thành Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 107 nội dung đề án trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới phương thức hoạt động trong 5 năm tới. Điều này thể hiện rõ tinh thần "Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm" của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó có vai trò của người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
Có thể thấy, tinh thần chủ động, chuẩn bị kỹ để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả những vấn đề khó phát sinh từ thực tiễn không chỉ được thể hiện qua những kỳ họp bất thường vừa qua, mà còn gắn với dấu ấn đổi mới với những quyết sách chưa có tiền lệ của Quốc hội.
"Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân...", đó là lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước Quốc hội khóa XV, ngày 20/7/2021.
Đồng thời, người đứng đầu Quốc hội cũng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát…”, “Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn…”, “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội…”.
Nói là làm, tinh thần đổi mới đã được thể hiện ngay tại kỳ họp thứ nhất. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Quốc hội rút ngắn 3 ngày làm việc so với chương trình được thông qua, 8 ngày so với dự kiến ban đầu. Để đảm bảo khối lượng công việc, các đại biểu Quốc hội đã làm việc cả Chủ nhật và ngoài giờ, thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm trước cử tri cả nước.
Sau kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng rằng, Quốc hội đã chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc, tiến hành kỳ họp, cùng sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ.
Ông khẳng định, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc xuyên trưa, tối với tinh thần “làm hết việc chứ không làm hết giờ”. Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc 2 giờ, 5 giờ sáng, để kịp hoàn thiện trình Quốc hội.
Trong khi đó, kỳ họp thứ hai được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Một việc được đánh giá rằng chưa có tiền lệ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Đoàn thành phố Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến (họp tập trung nhưng vẫn có một đoàn họp trực tuyến). Quyết định này cho thấy sự linh hoạt, đổi mới, phù hợp tình hình thực tiễn, nhằm đảm bảo hiệu quả của công việc “vì nước, vì dân”.
Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến tháng 3/2023, Quốc hội họp bất thường 4 lần, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan.
Sự sáng tạo này góp phần dẫn đến hoạt động thảo luận tại tổ và hội trường có số lượng ý kiến phát biểu lớn nhất từ trước tới nay: 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường.
Ngoài ra, việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội còn được thể hiện thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ những cuộc họp đầu nhiệm kỳ. Hệ thống họp trực tuyến e-Meeting được đưa vào hoạt động, đảm bảo duy trì thường xuyên hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo Quốc hội tham gia những phiên họp trực tuyến, góp phần giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách phát sinh trong đời sống xã hội. Đặc biệt, Quốc hội đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu.
Những sáng tạo, đổi mới trong nhiệm kỳ thứ XV của Quốc hội đã góp phần tạo ra quyết sách chưa có tiền lệ. Một trong số đó là tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết chung của kỳ họp (Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội) đồng ý trao một số quyền cho Thường vụ Quốc hội, căn cứ từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội đã nhiều lần họp khẩn, đưa ra nghị quyết chưa có tiền lệ thể hiện hành động quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội để giải quyết ngay những yêu cầu cấp bách của cuộc sống.