Từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, nhiều tòa soạn báo trên thế giới đã chuyển sang xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, trở thành xu thế phát triển của ngành báo chí - truyền thông hiện đại.
Tòa soạn hội tụ kiểu mẫu
Bắt kịp sự bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số, The New York Times (The Times) sớm được chuyển đổi từ văn phòng tòa soạn kiểu cũ sang hội tụ, lấy báo điện tử làm trung tâm. Báo tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực đa phương tiện, dựa trên một nền tảng công nghệ kỹ thuật hiện đại để sản xuất các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí.
Theo đó, The New York Times chuyển mình như một công ty công nghệ, tập trung đầu tư nguồn lực lớn để sở hữu công cụ, công nghệ và đội ngũ phù hợp, nhằm hiểu và đáp ứng nhu cầu người dùng, tạo ra trải nghiệm kỹ thuật số vượt trội, từ đó thu hút nhiều độc giả hơn.
Bên trong một văn phòng tòa soạn The New York Times.
Tại tòa soạn hội tụ, khoảng cách giữa báo in và báo mạng dường như bị xóa nhòa. Phóng viên phối hợp với nhau, hỗ trợ viết bài cho cả hai loại hình báo chí, thay vì hoạt động độc lập như trước. Người đọc sẽ có những trải nghiệm đa chiều về ngôn ngữ, hình ảnh, video, âm thanh, đồ họa… trong các sản phẩm báo chí của The Times.
Nhờ sự chuyển đổi số trong tất cả hoạt động của tòa soạn, lấy công chúng truyền thông làm trung tâm, công nghệ làm nền tảng nhưng vẫn giữ vững giá trị, chất lượng nội dung mỗi sản phẩm báo chí mà The New York Times đã vực dậy thành công trong cuộc khủng hoảng báo in, ngày càng phát triển và trở thành tờ báo có số người đọc trả phí cao nhất hiện nay.
Tính đến tháng 3/2022, The Times có 8,4 triệu người đăng ký sử dụng kỹ thuật số, cao nhất toàn cầu. Hiện tại, tổng số thuê bao trả phí của báo là 9,6 triệu. (Nguồn: Statista 2023)
Khi cuộc khủng hoảng báo in diễn ra, The New York Times cũng lao đao tìm lối thoát. Từ năm 2011, báo chính thức thu phí người đọc. Có thể nói, chiến lược phát triển báo chí chất lượng và tạo nguồn thu từ bạn đọc trả tiền cho nội dung số đã mang lại thành công cho The New York Times. Doanh thu của báo tăng dần qua các năm và nguồn từ thuê bao trả phí chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Năm 2022, doanh thu của The New York Times là 2,308 tỷ USD, tăng 11,25% so với năm 2021. Con số này năm 2021 là 2,075 tỷ USD, tăng 16,33% so với năm 2020 (1,784 tỷ USD).
Tháng 2/2023, The New York Times báo cáo doanh thu tăng 11% so với năm ngoái. Họ đã đạt được hơn 1 triệu thuê bao đăng ký sử dụng kỹ thuật số vào năm 2022, nâng tổng số thuê bao trả phí lên 9,6 triệu đến hiện tại. Công ty đã đặt mục tiêu đạt 15 triệu thuê bao cuối năm 2027.
"Cứ mỗi quý trôi qua, chúng tôi lại có thêm bằng chứng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với loạt sản phẩm tin tức của mình", Meredith Kopit Levien, Giám đốc điều hành của The New York Times, cho biết.
Doanh thu của The New York Times từ năm 2006 đến 2022 (Nguồn: Statista 2023)
The New York Times báo cáo lợi nhuận hoạt động đã điều chỉnh là 347,9 triệu đô la cho năm 2022, một mức tăng nhỏ so với năm trước, vượt qua ước tính của công ty. Doanh thu quảng cáo kỹ thuật số đạt 111,9 triệu USD, so với 111,1 triệu USD của năm trước, trong khi doanh thu quảng cáo trên báo in tăng 2,6%.
Cách The New York Times ứng dụng công nghệ 4.0
Công nghệ 4.0 xoay quanh các chủ đề về IoT (internet of things), AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data hay Blockchain,… đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí. Có thể nói, việc áp dụng nhiều nền tảng công nghệ là một trong những bí quyết tạo nên thành công hôm nay của The New York Times.
Nắm bắt xu hướng người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, báo đã lựa chọn Facebook, Facebook Live, SnapChat là kênh giao tiếp với độc giả bằng các định dạng nội dung hiện đại là VR (trải nghiệm thực tế ảo) và video 360 độ được tạo ra bằng thiết bị công nghệ Gear 360.
Để thu hút nhiều độc giả hơn cũng như tăng người đăng ký trả phí, The New York Times không chỉ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn liên tục đưa ra những chiến lược kinh doanh sáng tạo, chẳng hạn thử nghiệm trên môi trường di động các ứng dụng hoàn toàn mới.
The New York Times ra mắt The Daily 360, một loạt video 360 độ hàng ngày, tái hiện sự việc một cách chân thực, sống động.
Một số ứng dụng mobile đáng chú ý
Trên kênh SnapChat Discover, The New York Times ra mắt podcast tin tức có tên The Daily từ tháng 1/2017, đạt thành công rất lớn. The Street mô tả nó là "một hiện tượng, một cú hit bất ngờ". Tính đến tháng 8/2017, The Daily có 3,8 triệu người nghe cá nhân, thường xuyên nằm trong top 10 podcast được nghe nhiều nhất vào mùa thu năm 2017.
Tính đến tháng 6/2018, podcast của The New York Times nhận được 1,1 triệu lượt tải xuống mỗi ngày, và 2 triệu vào tháng 1/2020.
Mới nhất, ngày 17/5/2023, The New York Times ra mắt New York Times Audio, ứng dụng dành cho thiết bị di động được thiết kế để mang lại trải nghiệm âm thanh sống động, xây dựng từ nhiều loại podcast.
Ứng dụng sẽ cung cấp các podcast chính như The Daily, Hard Fork, The Ezra Klein Show hay The Run-Up, cùng những chương trình khác. Nội dung sẽ thay đổi từ các bản tin ngắn đến báo chí tường thuật dạng dài và thậm chí cả về lối sống.
Mục tiêu của The Times là để New York Times Audio trở thành “trang nhất âm thanh”, đưa người nghe vào những câu chuyện quan trọng trong ngày theo cách tạo cảm giác nguyên bản, khẩn cấp và dễ tiếp cận.
Trong khi đó, ứng dụng NYT Now trở thành biểu tượng của “kẻ dẫn đầu ngành” vì tiên phong số hóa trên thiết bị di động (không có phiên bản máy tính). Đây là phiên bản mobile của tờ The New York Times dạng ấn phẩm in nhưng với số bài viết hạn chế (30/200 bản tin so với ấn phẩm xuất bản chính thức). Dù vậy, hiện giờ, ứng dụng này không còn tồn tại.
Ứng dụng Cooking của The New York Times ra mắt năm 2014 với 18.000 công thức nấu ăn, giới thiệu đăng ký vào năm 2017. Đến tháng 11/2021, số người đăng ký cán mốc 1 triệu. Tính đến 2021, Cooking có cơ sở dữ liệu gồm hơn 21.000 công thức nấu ăn. Riêng trong năm 2021, NYT Cooking thêm hơn 700 công thức nấu ăn mới vào cơ sở dữ liệu của họ và hơn 12,5 triệu đầu bếp đã tìm đến ứng dụng này để tìm công thức nấu nướng.
Ứng dụng Cooking của The New York Times được nhiều người quan tâm.
Ngoài ra, The New York Times cũng sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 khác trong hoạt động sản xuất các sản phẩm báo chí. Chẳng hạn, công cụ Perspective API do Jigsaw (thuộc Alphabet) phát triển để quản lý comment của độc giả hay khuyến khích thảo luận mang tính xây dựng, loại bỏ hành vi quấy rối và lạm dụng, qua đó có thể tăng tương tác với độc giả…
Năm 2015, The New York Times bắt đầu sử dụng phần mềm Editor dựa trên AI, giúp báo đẩy nhanh việc nghiên cứu và phân tích dữ liệu thông tin với khối lượng khổng lồ, cung cấp công cụ kiểm tra chéo thông tin nhanh chóng, chính xác.
Để tiếp tục thành công và giữ vững vị thế của tờ báo hàng đầu nước Mỹ, chắc chắn The New York Times vẫn cần tiếp tục thay đổi, không ngừng sáng tạo để bắt kịp và đón đầu xu hướng truyền thông, báo chí, tận dụng sức mạnh của công nghệ làm bàn đạp để đưa báo ngày càng phát triển hơn nữa trong tương lai.