Bên cạnh sức mạnh quyết định từ nội lực, Việt Nam có thể tích cực khai thác hiệu quả “tài nguyên” địa - chính trị của mình.
Một loại “tài nguyên” đặc biệt cần khai thác, phát huy
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau trong nhận định: Tiếp sau thế kỷ 20 - thế kỷ Đại Tây Dương - thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương. Khu vực rộng lớn này ngày càng gia tăng mức độ quan trọng trên bản đồ kinh tế - chính trị toàn cầu với sự phát triển của mình, trong đó có sự góp phần không nhỏ của Đông Nam Á. Hợp tác, hòa hoãn xen lẫn với cạnh tranh, kìm chế lẫn nhau giữa các cường quốc luôn diễn ra ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trong khu vực Đông Nam Á. Những mẫu thuẫn có tính chiến lược về chính trị - an ninh lại luôn ẩn dưới (hoặc sau) những mẫu thuẫn, tranh chấp kinh tế.
Khi xảy ra tranh chấp, xung đột, dù cho dư luận vẫn lớn tiếng kêu gọi “những cách ứng xử văn minh”, phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng nguồn chủ yếu ảnh hưởng thực tế đến kết quả tác động lẫn nhau trong khu vực chính là mối tương quan lực lượng thực tế - chứ không phải là những tài liệu lịch sử hay lưu trữ về chủ quyền lãnh thổ trong quá khứ hoặc những chuẩn mực của “luật pháp quốc tế”. Hay nói cách khác, trên bình diện nào đó, những “luật rừng” (mạnh được yếu thua) và “luật biển” (cá lớn nuốt cá bé) vẫn ngấm ngầm hay lộ liễu hiện diện trong các vụ tranh chấp, xung đột dù được ngụy trang dưới nhiều mỹ từ ngoại giao.
Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy những toan tính chiến lược của những nước “lớn” thành công đến mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là sự cân đối giữa những nhu cầu và năng lực của chủ thể. Bên cạnh và cùng với đó là việc điều chỉnh, cân bằng những mối quan hệ quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh những vấn đề trong quan hệ quốc tế (kể cả những vấn đề song phương giữa hai nước) đều được đặt trong tương quan với các mối quan hệ khu vực, trong một thế giới đang toàn cầu hóa và mỗi nước “lớn” đều phải cân nhắc đến phản ứng của những nước “lớn” khác - những tính toán này không thể không quan tâm đến tiếng nói của khu vực và từng nước liên quan. Các nước “lớn” sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và chi phối những sự kiện, những mối liên kết, liên minh, những hợp đồng kinh tế lớn nhưng cũng sẽ không dễ áp đặt những toán tính của mình như trong những giai đoạn trước. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng tiếng nói của khu vực và các nước vừa và nhỏ có “sức nặng” đến mức nào phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó một phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động, sự nhạy bén, khôn khéo của những nước này với các nước “lớn” và cả giữa các nước vừa và nhỏ với nhau.
Việt Nam có một vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị rất đặc biệt: “Mặt” tiếp liền với Biển Đông với hơn 3200km bờ biển, với vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, giàu tài nguyên, “lưng” lại dựa chắc vào lục địa châu Á. Việt Nam được ví như một “ban công” hướng ra Thái Bình Dương, là đầu cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo. Vị trí đặc biệt cuả Việt Nam hấp dẫn tất cả các nước “lớn”. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều cuộc xâm chiếm Việt Nam đã từng xảy ra trong lịch sử. Trong tương lai, Việt Nam cũng khó tránh khỏi trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng giữa các nước “lớn” trong các mối quan hệ phức tạp, đan xen.
“Tài nguyên” vị trí địa - chính trị có được và tồn tại khách quan nhưng để có thể khai thác hiệu quả “tài nguyên” đó, phát huy những thế mạnh, nâng cao vị thế, vai trò của quốc gia trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu lại đòi hỏi những nhân tố chủ quan. Vị trí địa lý cuả một quốc gia là điều không thể thay đổi song vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế cuả quốc gia đó có thể biến đổi - với ý nghĩa tăng lên hoặc giảm đi vai trò của chủ thể - trong mỗi giai đoạn lịch sử. Điều này tương ứng và phụ thuộc với đường lối, chính sách điều hành đất nước trong thời kỳ đó, tỷ lệ thuận với sự vững mạnh của quốc gia, sự năng động trong các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương.
Nhìn từ vị trí địa - chính trị, đây được một loại “tài nguyên” có giá trị quan trọng, làm tăng vai trò của Việt Nam trong khu vực. Trong khi phải đồng thời giữ được những mối quan hệ cân bằng để cùng hợp tác và phát triển các thế lực lớn, điều không thể thiếu là Việt Nam phải củng cố các mối quan hệ đa phương và song phương của mình. Khai thác “tài nguyên” địa - chính trị, địa - kinh tế của mình một cách hữu hiệu, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển.
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao: Vững tin vào chính nghĩa, lựa chọn hòa bình
Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một nguyên lý cơ bản mới về quyền dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Ngay sau khi giành lại được độc lập, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế. Năm 1955, Người khẳng định: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hoà bình, tìm con đường hoà bình để đem lại hoà bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc. Với con đường hòa bình, Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, hướng tới hòa bình và thịnh vượng. Người nhiều lần bày bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no” . Và “Nguyện vọng của nhân dân nước Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới” . Khi cuộc leo thang chiến tranh cuả Mỹ đang tàn phá đất nước Việt Nam, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người đặt lòng tin tuyệt đối vào chính nghĩa, vào hòa bình, vào khát vọng và ý chí thống nhất dân tộc, vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Chân lý này đã không chỉ đi theo dân tộc Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ và hào hùng đã qua mà còn tiếp tục đi cùng cả dân tộc Việt Nam trên các chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, một trong những bài học thành công được Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết: Đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Kinh nghiệm này tiếp tục được phát huy bối cảnh mới. Việt Nam đã và đang xây dựng một mô hình phát triển tự do về kinh tế, trung lập về an ninh, độc lập về chính trị. Gần đây nhất, ngày 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS, Washington D.C) trong chuyến thăm Mỹ: “Giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau. Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng” . Thủ tướng đã nói lên cả “tâm thế” và vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế đa phương phức tạp ngày nay, khi các mối bất ổn, những sự tranh giành ảnh hưởng và cả xung đột, chiến tranh vẫn còn đang hiện diện. Tuy nhiên, sự xích lại / và phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia cũng diễn ra như một xu hướng tất yếu khi thế giới ngày nay đã trở thành một “môi trường cộng sinh” cả về kinh tế và văn hoá./.
Thực hiện: Ngô Vương Anh