Nhà báo Lê Quốc Minh, TBT Báo Nhân Dân: “Chuyển đổi số báo chí không phải… quá ghê gớm, phức tạp“

Nhà báo Lê Quốc Minh, TBT Báo Nhân Dân: “Chuyển đổi số báo chí không phải… quá ghê gớm, phức tạp“

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định, Chuyển đổi số là bước đi tất yếu của báo chí nếu muốn duy trì kết nối với độc giả, khán - thính giả.
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) Báo Tri thức và Cuộc sống vinh dự được trò chuyện cùng Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về xu hướng chuyển đổi số của báo chí Việt Nam và chiến lược để Báo Nhân Dân phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực bám sát khẩu hiệu: “Nơi nào có nhân dân thì nơi đó phải có Báo Nhân Dân”.
Nha bao Le Quoc Minh, TBT Bao Nhan Dan: “Chuyen doi so bao chi khong phai… qua ghe gom, phuc tap“
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.
“Chuyển đổi số là bước đi tất yếu của báo chí”
PV: Có khá nhiều định nghĩa về chuyển đổi số, vậy theo ông, khái niệm chuyển đổi số báo chí nên được hiểu như thế nào?
- Chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, và trong một số trường hợp, tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Khi thực hiện chuyển đổi số, các công ty có cơ hội rà soát lại mọi điều, từ các hệ thống nội bộ cho đến các tương tác với khách hàng, cả trực tuyến và trực tiếp. Và cũng với định nghĩa đó, chuyển đổi số trong báo chí không đơn giản là số hóa nội dung mà phải tạo ra một quy trình thu thập thông tin, sản xuất thông tin và phát hành thông tin hoàn toàn mới.
Chuyển đổi số cũng đòi hỏi phải thay đổi quy trình vận hành tòa soạn, thay đổi mô hình kinh doanh và thậm chí thay đổi cả văn hóa của tòa soạn, lấy độc giả làm trung tâm. Tom Rosenstiel, Giám đốc điều hành Viện Báo chí Mỹ khẳng định: “Đối với hầu hết các cơ quan báo chí, mẫu hình không giấy mới là tương lai. Hãy đẩy mạnh hoạt động digital, hoặc là chết.”
PV: Chuyển đổi số báo chí Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?
- Chuyển đổi số là bước đi tất yếu của báo chí nếu muốn duy trì kết nối với độc giả, khán - thính giả, và báo chí ở các quốc gia phát triển đã triển khai hơn 10 năm qua, đã chứng kiến nhiều khó khăn và những thành công nhất định. Trong bối cảnh báo in ngày càng khó khăn và bị thu hẹp, phát thanh và truyền hình cũng đứng trước những đòi hỏi phải thay đổi, chuyển đổi số trở thành nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí để có thể tồn tại và phát triển. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chưa thấy được đòi hỏi cấp bách này, vẫn đang loay hoay với câu hỏi chuyển đổi số hay không, chuyển đổi số thế nào, bắt đầu từ đâu.
Cần lưu ý rằng chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư một số thiết bị hoặc phần mềm, mà là thay đổi tư duy, thay đổi cách vận hành, tạo ra những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, thậm chí tạo ra cả một văn hóa mới trong tòa soạn. Nhưng chuyển đổi số báo chí cũng không phải cái gì đó quá ghê gớm, quá phức tạp, quá tốn kém. Rất nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, mới đến công đoạn số hóa nội dung mà thôi. Nói chung, thay vì chần chừ với câu hỏi làm hay không làm, thì nên chấp nhận rủi ro và thử nghiệm, nên mạnh dạn bước trên con đường mới thay vì thu mình trong vùng an toàn và để cơ hội tuột khỏi tay.
PV: Thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số báo chí Việt Nam và giải pháp cho thách thức đó là gì, thưa ông?
- Thách thức lớn nhất là tư duy của người đứng đầu. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu bằng việc lựa chọn và phát triển các lãnh đạo cấp cao nhất.
Một ban lãnh đạo – dù tài giỏi hay yếu kém – đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của đơn vị đó phụ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo. 
Nha bao Le Quoc Minh, TBT Bao Nhan Dan: “Chuyen doi so bao chi khong phai… qua ghe gom, phuc tap“
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.
 
 “Chưa có viễn cảnh nào cho thấy báo in sẽ bị tiêu vong…”
PV: 20 năm về trước, báo in là số một, còn hiện tại ở thời đại công nghệ 4.0, trong xu hướng chuyển đổi số - mạng xã hội, kênh hình ảnh mạng như Facebook, Youtube, Tiktok… lên ngôi. Theo Anh, xu hướng báo chí sẽ phát triển như thế nào để giữ vững vị thế của mình? Vai trò của báo giấy và truyền hình trong xu thế chuyển đổi số sẽ thay đổi như thế nào ?
- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuy đã có những cảnh báo về sự suy vong của báo giấy, và kể cả phát thanh - truyền hình, chưa có viễn cảnh nào cho thấy báo in sẽ bị tiêu vong. Tuy nhiên, đối với hầu hết các cơ quan báo chí, tương lai sẽ là “không giấy”. Xu hướng của báo chí trong thời gian tới sẽ là “big or niche” – hoặc phải rất lớn mạnh, hoặc đi theo thị trường ngách – và điều này sẽ đặc biệt đúng với báo in. Báo in sẽ không chết nhưng chỉ có một số ít cơ quan báo chí với quy mô rất lớn hoặc đi theo thị trường ngách mới có thể duy trì tờ báo in.
Ngay cả các đơn vị phát thanh - truyền hình - những thể loại báo chí ra đời sau báo in và được cho là hiện đại hơn – thì cũng vấp phải thách thức từ các nền tảng digital và buộc phải thay đổi, nếu không sẽ phải chứng kiến sự suy giảm về số lượng người dùng cũng như doanh thu.
Chuyển đổi số báo chí sẽ là xu hướng tất yếu, đơn giản vì người dùng đã di chuyển lên các nền tảng số và dần xa rời các nền tảng truyền thống. Và chuyển đổi số không dừng ở việc đưa nội dung lên website hay các ứng dụng cho các thiết bị di động, chuyển đổi số cũng không đơn giản là đưa nội dung lên các nền tảng truyền thông xã hội, không dừng ở Facebook hay YouTube, TikTok và những nền tảng social media hiện có.
Nói tới chuyển đổi số là nói tới nhu cầu hiện tại của người dùng và một tương lai xa hơn, về sự sẵn sàng của các cơ quan báo chí để hiện diện ở bất kỳ nơi nào có độc giả, khán - thính giả, và sử dụng bất kỳ công cụ, tiện ích nào để tiếp cận người dùng trong tương lai, có thể là thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), Internet vạn vật (IoT) và cả những công nghệ mà hiện tại chưa phổ biến hoặc chưa tồn tại.
PV: Ông có thể cho một vài ví dụ thành công trong chuyển đổi số báo chí mà các tờ báo Việt Nam nên nhìn vào đó để học hỏi?  
- Để nêu ví dụ thành công nhất về chuyển đổi số thì đầu tiên phải nhắc tới tờ New York Time (NYT), với dấu mốc là quyết định dựng tường thu phí báo điện tử (digital paywall) vào năm 2011. Tiếp theo đó là việc tung ra các gói đăng ký khác nhau từ 9,99 USD đến 20 USD/tháng, chưa kể các gói riêng cho các mục Đố chữ và Nấu ăn. Ứng dụng NYT Cooking trên điện thoại di động gồm 19.000 công thức nấu ăn với các hướng dẫn dễ hiểu là minh chứng về việc tờ báo này đã từ một đơn vị báo chí in truyền thống trở thành một nhà sáng tạo nội dung số ra sao. Các bước đi táo bạo tiếp theo của NYT là việc phát miễn phí kính thực tế ảo (VR) bằng bìa cho khách hàng trả phí vào năm 2015, chương trình phát thanh podcast đầu tiên mang tên “The Daily” vào năm 2017 với 100 triệu lượt tải trong vòng 9 tháng, và cùng năm đó đưa 3 series truyền hình lên các nền tảng Hulu, Netflix và Amazon Prime Video.
Chiến lược mạnh dạn đặt cược vào digital của New York Times đã được đền đáp xứng đáng. Trong năm 2019, họ có thêm 1 triệu người trả phí đọc báo điện tử để đạt mốc cao nhất mọi thời đại về tổng số người thuê bao là 5,2 triệu, và về đích 800 triệu USD doanh thu digital trước hạn 1 năm. Doanh thu từ mảng digital của NYT đã lần đầu tiên vượt doanh thu từ báo in trong quý II/2020, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử 169 năm phát triển.
Financial Times (FT) cũng là một trong những cơ quan báo chí sớm nhận ra đòi hỏi phải thay đổi khi kỷ nguyên số ập tới, thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ để đảm bảo tờ báo đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của độc giả về việc cập nhật thông tin từng phút. Trong khi đa số các tờ báo khác chú trọng thu hút quảng cáo số thì FT ngay từ đầu đã chọn con đường thu phí, với niềm tin rằng digital không hủy diệt báo in mà chuyển đổi số chỉ tạo ra thêm một kênh phân phối thông tin mà thôi. FT cạnh tranh mạnh mẽ trên các nền tảng online – từ các phiên bản web và mobile, blog của báo, các trang mạng xã hội cho đến email và nội dung video.
Nha bao Le Quoc Minh, TBT Bao Nhan Dan: “Chuyen doi so bao chi khong phai… qua ghe gom, phuc tap“-Hinh-2
Vào năm 2006, nguồn thu từ nội dung số của FT chỉ chiếm 14% nhưng vào năm 2011, con số này đã tăng lên 47%. Tính chung số người trả tiền đọc tờ Financial Times (gồm cả báo in và điện tử) vào tháng 10/2013 đạt 629.000, cao hơn nhiều so với mốc đỉnh cao phát hành của báo in và là mức cao nhất trong lịch sử 125 năm hoạt động của báo này.
Trong vài năm qua, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới cũng tiến mạnh trên con đường chuyển đổi số, chẳng hạn như tạp chí Time, Boston Globe, Daily Telegraph, v,v...
Báo điện tử thu phí bạn đọc – Bao giờ thành hiện thực?
PV: Chuyển đổi số báo chí ảnh hưởng đến kinh doanh báo chí như thế nào, thưa ông?
- Như tôi đã đề cập ở trên, chuyển đổi số phải được thực hiện trong mọi bộ phận của cơ quan báo chí, bao gồm cả bộ phận kinh doanh. Và rõ ràng, mục tiêu là tạo nguồn doanh thu lớn hơn từ các nền tảng digital, bù lại phần giảm sút từ doanh thu quảng cáo truyền thống trên báo in, phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, việc này là không hề đơn giản. Không phải ai cũng thành công và càng khó đạt những kết quả ngoạn mục như New York Times, Financial Times và nhiều cơ quan báo chí đã đi trước.
PV: Doanh thu cho báo chí vẫn đang là vấn đề nan giải trong quá trình chuyển đổi số, thu phí bạn đọc đối với báo điện tử được xem là bài toán khó, theo quan điểm của ông tương lai bài toán này sẽ được giải thế nào?
- Thu phí bạn đọc trên nền tảng digital chỉ là một trong rất nhiều cách tạo nguồn thu từ độc giả, và nguồn thu từ độc giả cũng chỉ là một trong nhiều mô hình kinh doanh của báo chí mà thôi. Có gần 15 mô hình kinh doanh phổ biến mà các cơ quan báo chí trên thế giới đang áp dụng và các nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi cơ quan báo chí cần áp dụng ít nhất là 3 mô hình thì mới đảm bảo thành công.
Thu phí digital hiện được hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới áp dụng, và không phải báo nào cũng thành công. Thu phí digital ở Việt Nam lại càng khó vì người dùng chưa có thói quen trả tiền đọc báo điện tử, tỷ lệ người dân sở hữu các phương thức thanh toán (thẻ tín dụng, ví điện tử) chưa nhiều, cách thanh toán…
Nha bao Le Quoc Minh, TBT Bao Nhan Dan: “Chuyen doi so bao chi khong phai… qua ghe gom, phuc tap“-Hinh-3
Báo Nhân Dân với kkhẩu hiệu: “Nơi nào có nhân dân thì nơi đó phải có Báo Nhân Dân”.
 
 Chiến lược của vị thuyền trưởng và thay đổi bước ngoặt ở Báo Nhân Dân
PV: Từ một tờ báo truyền thống, khuôn mẫu và nặng tính chính trị, chúng tôi nhìn thấy nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt sau hơn một năm ông trở thành Tổng biên tập Báo Nhân Dân, đó có phải là kết quả của việc áp dụng chuyển đổi số báo chí? Ông có gặp khó khăn gì trong quá trình thay đổi này không?
- Chuyển đổi số là tiến trình quan trọng mà chúng tôi xác định phải thực hiện tại Báo Nhân Dân để đưa một tờ báo chính thống và truyền thống hòa nhập vào sự phát triển của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nhưng cũng có những sự đổi mới không liên quan gì đến tiến trình này. Quan trọng là xây dựng một môi trường tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp và hiệu quả. Mỗi người đều có vùng an toàn, dù là nhân viên hay cán bộ. Nếu chuẩn bị sẵn tâm thế chấp nhận điều này thì thực hiện đổi mới không khó khăn cho lắm.
Không có quyết định đổi mới nào được tất cả mọi người chấp thuận, nên mấu chốt ở đây là tăng tỷ lệ ủng hộ đối với mỗi sự thay đổi, và người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm. Mỗi thay đổi đều phải dựa trên nghiên cứu kỹ càng chứ không theo cảm tính, mỗi quyết định đưa ra phải kiên định nhưng cũng phải có tính thuyết phục.
PV: Ngày đổi mới sáng tạo Báo Nhân Dân lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, có phải là sự đổi mới không liên quan gì đến tiến trình chuyển đổi số mà ông vừa đề cập?
- Đúng vậy!
PV: Ông có thể nói rõ hơn về Ngày đổi mới sáng tạo Báo Nhân Dân không?
- Đổi mới sáng tạo là đòi hỏi cấp bách của mọi tổ chức, cá nhân để phát triển mạnh mẽ và khác biệt với số đông, từ đó có những lợi thế cạnh tranh riêng. Chúng tôi lập ra Ngày đổi mới sáng tạo chính là để khuyến khích tinh thần sáng tạo trong mỗi phóng viên, biên tập viên, nhân viên của báo.
Thực ra chúng tôi không có kỳ vọng nhiều lắm vào Ngày đổi mới sáng tạo lần thứ nhất, coi đó như bước khởi động cho những năm tiếp theo mà thôi. Nhưng thực tế có đến gần 30 dự án sáng tạo được gửi đến ban tổ chức, thuộc nhiều đơn vị từ các ban nội dung, các ấn phẩm, cho đến các đơn vị hỗ trợ về công nghệ, tài vụ, v,v…
Có thể khẳng định, tinh thần đổi mới đang được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bộ báo Nhân Dân khi chúng tôi phát động Ngày đổi mới sáng tạo vào cuối năm 2021. Và chúng tôi tin tưởng tinh thần này sẽ phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nha bao Le Quoc Minh, TBT Bao Nhan Dan: “Chuyen doi so bao chi khong phai… qua ghe gom, phuc tap“-Hinh-4
Kỷ niệm 25 năm ngày Báo Nhân Hàng tháng ra số đầu tiên.
PV: Tò mò một chút về đời tư, chơi Facebook có phải là thú vui của ông? Ông có e ngại rằng mạng xã hội ảo sẽ ảnh hưởng đến vị thế của mình không?
- Tôi sử dụng Facebook từ khi mạng xã hội này mới ra đời, khi mà ở Việt Nam có rất ít người sử dụng. Tôi cũng sử dụng nhiều mạng xã hội khác chứ không riêng gì Facebook. Mạng xã hội giúp chúng ta kết nối được với nhiều người, nắm bắt được nhiều vấn đề, mạng xã hội cũng giúp mỗi người làm thương hiệu cá nhân rất hiệu quả.
Với những người làm chính trị, mạng xã hội giúp chuyển tải thông điệp của họ đến với nhiều đối tượng trong xã hội, mỗi chính trị gia biết sử dụng mạng xã hội thì khác nào một KOL (người có ảnh hưởng) đâu. Nhưng sử dụng sao cho hiệu quả, không bị tốn thời gian, không bị sa vào những cuộc tranh cãi, không bị mắc bẫy tin giả, v,v… thì đòi hỏi những kỹ năng nhất định.
Xin cảm ơn Nhà báo Lê Quốc Minh và chúc Ông thành công ở cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam!

Thực hiện: Cẩm Linh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu