Trong các quốc gia thành viên ASIAN đã có 8 quốc gia ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp. Việt Nam là một trong hai nước còn lại chưa có đạo luật này. Đó có lẽ là điều khiến TSKH Nghiêm Vũ Khải trăn trở như là “việc hẹn chưa làm”.
- Thưa ông Nghiêm Vũ Khải, Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp là vấn đề đang được giới trí thức công nghệ rất quan tâm. Xin Ông cho biết sự cần thiết và quá trình đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định đưa đạo luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đã diễn ra thế nào?
Về sự cần thiết ban hành luật, trước hết đây là chủ trương đã được nêu trong một số văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X. Đồng thời, đây là nhu cầu của đông đảo đội ngũ kỹ sư về một nền tảng pháp lý để phát triển nhân lực kỹ thuật chất lượng cao trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là xu thế phổ biến trên thế giới từ hơn một thế kỷ qua. Luật Kỹ sư chuyên nghiệp được ban hành đầu tiên ở Mỹ từ năm 1907. Trong khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành các hoạt động giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nền công nghiệp chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện...và đã nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực kỹ sư, kỹ thuật viên tay nghề cao.
“Không có Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ thì khó mà xây dựng đội ngũ trí thức chính quy, hiện đại, cũng như hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - TSKH Nghiêm Vũ Khải.
Khái niệm “kỹ sư chuyên nghiệp - KSCH” được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới. Để trở thành KSCN thì trước hết phải có được bằng đại học ngành kỹ thuật, công nghệ. Tiếp theo là phải có kinh nghiệm thực tiễn và đảm nhận vai trò chủ trì một số nhiệm vụ kỹ thuật và hằng năm phải học lớp nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Từ yêu cầu khách quan đó, ngày 28/5/2019, VUSTA đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp. Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 số: 409/BC-UBTVQH14 ngày 10/6/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu: ”Về dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp: ngày 28/5/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét; trường hợp bảo đảm đủ điều kiện sẽ bổ sung vào Chương trình”.
Các văn bản chỉ đạo của Trung ương yêu cầu phải ban hành Luật vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Rất tiếc là Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc nhiệm kỳ nhưng chúng ta đã lỗi hẹn.
TSKH Nghiêm Vũ Khải.
- Chúng ta cần phải làm gì để phát huy hơn nữa sự cống hiến của các nhà khoa học?
Ở nước ta cũng như hầu hết các nước, hiền tài được coi là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, Hiến pháp cũng quy định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đội ngũ trí thức được đánh giá là một trong 3 trụ cột tạo nền tảng của Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Lực lượng trí thức, nhất là trí thức tinh hoa và lực lượng quyết định lợi thế trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Để phát huy hơn nữa những cống hiến của giới tri thức, chúng ta cần tăng đầu tư đi đôi với xác định đúng những vấn đề mà đất nước đang đối mặt để giới trí thức khoa học và công nghệ có thể tập trung giải quyết. Phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp - viện, trường - nhà khoa học. Đào tạo và sử dụng trí thức phải gắn liền với công cuộc công nghiệp hoa, hiện đại háo đất nước.
Hiện nay, chúng ta có đội ngũ trí thức trẻ đông đảo, được đào tạo từ trong nước cúng như tại các nước tiên tiến. Đối với trí thức chân chính, nhất là giới trẻ, việc thỏa mãn khát vọng khám phá được đặt cao hơn nhiều so với đãi ngộ về vật chất.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sự cạnh tranh nhân lực vô cùng gay gắt như hiện nay, công tác đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức của VUSTA càng có vai trò vô cùng quan trọng.
Xin cảm ơn TSKH Nghiêm Vũ Khải về cuộc phỏng vấn!
TSKH Nghiêm Vũ Khải sinh ngày 20/9/1953, tại xã
Thái Bình. Đã từng học tập và nghiên cứu tại Liên Xô và Nhật Bản. Từ 2002 đến 2011, ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII; kinh qua các chức vụ Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông tiếp tục là Đại biểu
Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng.
Thực hiện: Hữu Tuấn