[e-Magazine] Thiếu tướng - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: “Từ đau thương… Ta đứng dậy vững vàng”

[e-Magazine] Thiếu tướng - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: “Từ đau thương… Ta đứng dậy vững vàng”

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Tri thức và Cuộc sống.
Là người trực tiếp tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch suốt thời gian qua, Thiếu tướng, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, chia sẻ về những kỷ niệm không thể nào quên về cuộc chiến với COVID-19 và kỳ vọng trong năm mới 2022.
 
Vị tướng - người bác sĩ cầm tinh con Hổ
 
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1962, theo văn hóa Á Đông, ông cầm tinh con Hổ, tuổi Nhâm Dần. Trong quan niệm của người Việt, người sinh năm Dần có tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, cương trực, quyết đoán. Những đặc điểm tính cách này được biểu lộ qua cuộc sống, công việc… của tướng Sơn. Đặc biệt là trong giai đoạn ông chỉ huy tuyến đầu chống dịch.
[e-Magazine] Thieu tuong - PGS.TS Nguyen Hong Son: “Tu dau thuong… Ta dung day vung vang”Thiếu tướng, PGS.TS., Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.
Tướng Sơn chia sẻ, thời kỳ dịch COVID-19 như từng cơn sóng dữ làm chao đảo TP.HCM suốt từ tháng 7 đến tháng 9/2021, nhiều bệnh viện thành phố tê liệt, thậm chí rơi vào trạng thái bị phong toả, vì ca mắc quá nhiều COVID-19. Thế nhưng, riêng Bệnh viện 175 là nơi đầu tiên tại thành phố lập Trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 vẫn hoạt động xuyên suốt.
Thành công này không phải “từ trên trời rơi xuống”, nó là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm dựa trên cơ sở khoa học. Khi những nơi khác còn chưa nghĩ việc xét nghiệm người vào viện, Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện điều này.
Trước câu hỏi “tại sao ngày đó Bệnh viện có được các kit xét nghiệm sớm như thế” của chúng tôi, tướng Sơn kể: “Trong quá trình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chúng ta duy trì công tác đối ngoại rất tốt. Khi nước bạn bị COVID-19, chúng ta ủng hộ họ nhiều thứ như khẩu trang... sau này, khi ta gặp khó thì nước bạn ủng hộ nhiều kit xét nghiệm”.
Không chỉ tiên phong trong công tác xét nghiệm nhanh người vào viện, Bệnh viện 175 còn dám nghĩ, dám làm, đi trước một bước khi tham mưu cho Bộ Quốc phòng và TP.HCM thành lập Trung tâm hồi sức, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân.
Từ đây, những cải tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam xuất hiện như: Phương pháp điều trị Đông y, cải thiện dinh dưỡng, rèn luyện tinh thần… Đặc biệt, cải tiến tách đôi máy thở ECMO thể hiện rõ tinh thần vượt qua nghịch cảnh của các y bác sĩ Việt Nam. Cũng giống như trong thời chiến, lực lượng quân y ta có sáng kiến dùng nước dừa để tiếp dược rất hiệu quả cho thương binh!
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn chúc mừng bệnh nhân Ngọc Hoài, sản phụ bị mắc COVID mức độ nguy kịch được cấp cứu thành công bằng phương pháp chia đôi ECMO.
 
Nhờ sáng kiến tách đôi ECMO, 6 sản phụ phải thở máy đều có cơ hội sống sót. Giờ thì các ca bệnh này đều mẹ tròn con vuông cả và các bé sau khi ra đời đều đặt tên theo những bác sĩ đã cứu mẹ con họ.
“Tôi dự định sẽ tổ chức một buổi hội ngộ cho các cặp mẹ con và các y bác sĩ khi tình hình bình thường trở lại”, tướng Sơn hào hứng lên kế hoạch.
Mong đất nước vượt qua đại dịch, người dân khỏe mạnh, đón Tết an lành
Trở lại với câu chuyện chống dịch ở TP.HCM, điều Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn tự hào nhất là hình ảnh người lính kề vai sát cánh cùng nhân dân chống dịch. Ở đâu khó khăn nhất, gian nan nhất, ở đó có người lính cụ Hồ, trong đó có lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện quân y 175, mà chính ông cũng tham gia tuyến đầu chống dịch.
Tướng Sơn tâm sự, trong cuộc chiến chống dịch, các bác sĩ khoác trên mình áo lính của Bệnh viện 175 chẳng nề hề gian khó, vất vả để lăn xả cùng đồng nghiệp cả nước. Bệnh viện điều động 2 phân đội chi viện cho Thủ Đức và Gò Vấp, điều chia tới các tổ cơ động ở cơ sở 150 nhân sự.
Để đảm bảo cho việc tập trung cứu người một cách an toàn, tất cả các chiến sĩ, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đều “cấm trại” 100%. Một điều hiếm người biết là trong quá trình chăm sóc, chi viện đó, gần 300 nhân viên của Bệnh viện nhiễm bệnh. Ngoài ra, gần 300 thân nhân của các chiến sĩ dương tính và 7 người đã không may may mắn qua khỏi. Nhưng vì nhiệm vụ, chẳng ai rời đơn vị về nhà chịu tang, sự hy sinh này khác gì trong thời chiến!
[e-Magazine] Thieu tuong - PGS.TS Nguyen Hong Son: “Tu dau thuong… Ta dung day vung vang”-Hinh-3“Trong quá trình chăm sóc, chi viện chống dịch COVID-19, gần 300 nhân viên của Bệnh viện nhiễm bệnh” – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn buồn rầu chia sẻ. 
Trong cuộc chiến với bệnh dịch, nỗi đau lớn nhất là nhìn thấy bệnh nhân của mình gục ngã, nhưng tướng Sơn tin, sự chu đáo, tận tâm của người lính đã an ủi phần nào cả người sống lẫn người đã khuất.
“Khi TP.HCM và các tỉnh nguy nan vì đại dịch, người lính giúp dân đi chợ, phát thực phẩm đến từng gia đình, giữ bình yên cho từng con phố, từng ngôi nhà. Và khi người bệnh gục ngã vì virus quái ác, các chiến sĩ thực hiện nghĩa cử thiêng liêng trao cốt cho người thân của họ với tất cả sự trang nghiêm, kính cẩn. Đó là những hình ảnh không thể nào quên”, tướng Sơn trải lòng.
Lãnh đạo Bệnh viện 175 chúc mừng tổ bay Binh đoàn 18- Công ty bay trực thăng Miền Nam hoàn thành bay huấn luyện cấp cứu đường không tại bệnh viện.
Điều duy nhất mà tướng Sơn vẫn chưa thể lý giải được là dù khối lượng công việc rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không thành viên nào trong đội vận chuyển thi hài dương tính. Ông tự hỏi, đó có thể nhờ áp dụng các quy tắc khoa học của bệnh viện hay phải chăng họ cũng được trời thương khi làm việc thiện?
Nói đến lần tham gia lực lượng Mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, ánh mắt tướng Sơn hiện rõ sự tự hào. Ông kể: “Khi quân đội ta sang giúp người dân Nam Sudan, chúng ta giới thiệu là lính Việt Nam, ở đâu người ta cũng giơ ngón tay cái tỏ ý khâm phục. Hiếm quân đội nước nào mà lại được người dân địa phương yêu quý đến vậy. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Bộ đội cụ Hồ luôn giữ được tinh thần đi dân nhớ, ở dân thương”.
 
Nhìn về năm mới - năm tuổi của chính mình, vị tướng khoác trên mình chiếc áo blouse trắng chỉ cười khẽ và bộc bạch: "Tôi không có tâm nguyện gì cho bản thân mà chỉ mong toàn dân chung tay đoàn kết vượt qua đại dịch. Mong bà con đi xa về gần luôn chấp hành các quy định trong phòng chống dịch của nhà nước. Ai cũng chủ động, sẵn sàng tiêm đủ vắc xin để tự bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội”.
Năm mới Nhâm Dần 2022, Thiếu tướng, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trích lời bài thơ "Sài Gòn hồi sinh" của nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay cho lời chúc:
"Thương lắm đồng bào ta sau đỉnh dịch
Giọt nước mắt buồn vĩnh biệt người thân
Ta đã thấy trên mặt người còn đọng lại
Hằn dấu vết đau sang chấn tinh thần
Bao nỗi âu lo bộn bề cuộc sống
Trạng thái thích nghi trong thời phấp phỏng
Thành phố anh hùng không tin vào nước mắt
Từ đau thương ta đứng dậy vững vàng …”.
Thực hiện: Tú Hương - Đức Thuận

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu