GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Triết học, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (một trong 106 Trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu 2022 được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh) đã có cuộc trò chuyện với Báo Tri thức và Cuộc sống về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
|
GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Triết học, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. |
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”
- Ông đánh giá thế nào về việc nhiều cán bộ cao cấp, diện trung ương quản lý bị kỷ luật, khởi tố trong các vụ án như: Công ty Việt Á, vụ án Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)... thời gian qua?
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Phát huy những thành quả đạt được, sau Đại hội XIII, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt hơn với phương châm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào” . Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức, triển khai đồng bộ, bài bản từ trung ương tới cơ sở.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; xử lý, kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khởi tố, điều tra về các tội tham nhũng với 390 vụ án/1011 bị can.
Các vụ việc, vụ án tham nhũng liên tục bị phát hiện, điều tra, khởi tố, xử lý trong đó có những vụ mới như Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm Covid-19, hối lộ quan chức hay vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)… cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả rõ rệt, “không ngừng, không nghỉ”, không vì chống dịch mà chùng xuống.
Những kết quả đó đã để lại dấu ấn, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Qua đó tiếp tục củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Xử lý nghiêm tham nhũng là “trị bệnh, cứu người”
- Việc xử lý nghiêm cán bộ cao cấp vi phạm, tham nhũng nói lên điều gì thưa ông?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Việc xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục người khác chứ không phải không có tình, có nghĩa với đồng chí mình!”
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta kiên quyết, kiên trì, quyết liệt, mạnh mẽ đấu tranh phòng, chống tham nhũng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân, để làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Như Bác Hồ kính yêu từng nói: “Để Nhà nước ta thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm là thượng tôn pháp luật, rất nhân văn là “trị bệnh, cứu người”. Xử lý một người để cứu nhiều người, cứu đất nước khỏi giặc nội xâm nhằm răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục người khác chứ không phải “không có tình, có nghĩa với đồng chí mình”. Chúng ta rất đau xót trước việc nhiều cán bộ, đảng viên kể cả ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, cách chức, khai trừ Đảng, thậm chí có người vướng vào vòng lao lý. Nhưng đây là việc vì lợi ích của Đảng, của dân, không thể không làm. Cắt bỏ một cành cây sâu là vì sự phát triển tươi tốt của cả cái cây đó. Thực tế cho thấy, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan những cán bộ, đảng viên vi phạm được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
|
Ông Nguyễn Thanh Long - Cựu Bộ trưởng Y tế và Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng KH&CN bị khởi tố liên quan Việt Á. |
- Hiện có tình trạng một số địa phương, đơn vị “không dám quyết, không dám làm, sợ trách nhiệm”, ông đánh giá sao về thực trạng này?
“Lò nóng” - tức cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, đi vào chiều sâu, nhiều cán bộ lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám quyết, không dám làm. Hệ lụy là công việc triển khai chậm, trì trệ, ách tắc. Chẳng hạn, việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, ở nhiều bộ, ngành và địa phương mới giải ngân được vài chục phần trăm. Từ đó, làm hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, việc làm, đời sống của nhân dân.
Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng không phải do cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu có chỉ là một bộ phận nhỏ cán bộ, lãnh đạo thiếu tri thức, bản lĩnh, ý chí, quyết tâm trong cuộc đấu tranh cam go phòng, chống tham nhũng. Cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trước Đảng, trước nhân dân. Cần có quyết tâm chính trị cao, kế hoạch thực hiện chu đáo, tỉ mỉ tổ chức triển khai công việc khoa học. Khi hành động cố gắng hạn chế sai sót, song vì sợ sai mà không dám làm, là cái sai lớn nhất.
Như V.I. Lênin từng nói: “Trong một cuộc cách mạng mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử khó tránh khỏi sai lầm. Người thông minh không phải là người không bao giờ mắc sai lầm mà là người nhanh chóng phát hiện sai lầm và đề ra các giải pháp khắc phục”.
Theo tôi, để phòng, chống tham nhũng, chúng ta phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân – một trong những nguồn gốc sinh ra tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”, quan trọng nhất vẫn là đề cao trách nhiệm nêu gương và sự trong sạch, liêm khiết của người đứng đầu.
Cú đấm thép vào tham nhũng, tiêu cực
- Việc lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Theo tôi, việc này rất quan trọng nhằm khắc phục hai nhược điểm trước đây: (1) Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và (2) Mọi công việc phòng, chống tham nhũng ở địa phương cứ dồn lên Ban chỉ đạo Trung ương.
Có thể nói, Ban chỉ đạo cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban chỉ đạo cấp tỉnh vừa chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ tỉnh, thành ủy, vừa chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Tôi tin tưởng rằng, với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta sẽ toàn diện, đồng bộ với hiệu quả, chất lượng hơn. Góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Xin cảm ơn GS.TS Lê Hữu Nghĩa!
Thực hiện: Hải Ninh