Bài cuối: “Thả trôi” quy trình kiểm soát an toàn ở bến xe, loạt địa phương chấn chỉnh

Bài cuối: “Thả trôi” quy trình kiểm soát an toàn ở bến xe, loạt địa phương chấn chỉnh

Các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh và yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam.
UBND và Sở GTVT các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
 
Nghiêm cấm xác nhận lệnh vận chuyển với xe không vào bến
 
Sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải loạt bài "Bến xe 'thả trôi' quy trình kiểm soát an toàn xe khách" phản ánh về tình trạng nhiều nhà xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định tại Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình...không vào bến thực hiện quy trình kiểm soát an toàn phương tiện và người lái nhưng vẫn được cấp, ký lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến...Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã phát đi văn bản số 1337/CĐBVN-QLVT,PT&NL gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm theo quy định.
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chấn chỉnh, xử lý vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn.
 
Trong đó, yêu cầu nhà xe Vân Anh thực hiện nghiêm việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại; nghiêm cấm hoạt động sai hành trình chạy xe theo thông báo chấp thuận tuyến.
 
Đồng thời, chỉ được sử dụng ô tô khách đã được Sở GTVT cấp phù hiệu “xe tuyến cố định” để hoạt động vận tải trên tuyến; thực hiện ký hợp đồng với bến xe 2 đầu tuyến, phương tiện phải vào bến xe hai đầu tuyến để xác nhận lệnh vận chuyển khi xe xuất bến; không được dừng, đỗ, đón trả khách trái quy định.
 
Sở GTVT tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu Công ty cổ phần Quản lý và khai thác bến xe Thanh Hoá chỉ đạo bến xe phía Bắc TP Thanh Hoá kiểm tra các điều kiện an toàn theo quy định đối với phương tiện, lái xe, niêm yết giá vé trên xe trước khi cho xe xuất bến.
 
Đặc biệt, chỉ xác nhận lệnh vận chuyển ra vào bến đối với phương tiện của Công ty TNHH du lịch và vận tải Vân Anh đăng ký hoạt động tại bến xe và đã được Sở GTVT cấp phù hiệu “Xe tuyến cố định”. Nghiêm cấm xác nhận lệnh vận chuyển khống đối với xe không vào bến và không được cấp phù hiệu “Xe tuyến cố định”.
 
Đối với Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hoá yêu cầu bố trí cán bộ tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi chặt chẽ hoạt động của phương tiện và lái xe, thực hiện đúng các quy định về kinh doanh vận tải; cung cấp cho Thanh tra Sở dữ liệu các phương tiện vận tải khách theo tuyến cố định của nhà xe Vân Anh hoạt động sai lộ trình, hành trình để làm cơ sở xử lý theo quy định; tham mưu, đề xuất lãnh đạo Sở biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm theo quy định.
Bai cuoi: “Tha troi” quy trinh kiem soat an toan o ben xe, loat dia phuong chan chinh
 Loạt bài phản ánh của Báo Tri thức và Cuộc sống về tình trạng xe khách tuyến cố định không vào bến vẫn được cấp lệnh xuất bến, lệnh vận chuyển  và văn bản chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam.
Thậm chí, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo ATGT, chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về đón, trả khách không đúng quy định; lập bến xe, bãi đỗ xe hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải không đúng quy định; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
 
Các địa phương rà soát mục đích sử dụng đất và kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các vị trí, bến, bãi, văn phòng đại diện, chi nhánh của đơn vị vận tải hoạt động không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp gây mất ATGT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
 
Rà soát kỹ phương tiện trước khi xuất bến
 
Với tỉnh Nam Định, Sở GTVT địa phương này cũng đã có văn bản thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam về việc tiếp tục công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải,
Theo đó, Sở GTVT tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến, kiên quyết không cho các phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, các phương tiện không niêm yết giá vé, bán vé không đúng quy định xuất bến; kiểm tra các hình thức bán vé, niêm yết giá vé trên xe và tại quầy vé của đơn vị kinh doanh vận tải; hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé.
 
Thường xuyên kiểm tra điều kiện phương tiện, lái xe trước khi xuất bến theo quy định. Kiên quyết không cho xuất bến các trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, phương tiện không đủ điều kiện, không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (giấy chứng nhận kiểm định hết hạn), thiết bị giám sát hành trình, camera không hoạt động.
 
Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tiếp tục thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định. Tập trung theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất ATGT khác.
 
Khẩn trương rà soát và nghiêm túc thực hiện việc kê khai, niêm yết giá vé theo đúng quy định....
 
Tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm thường xuyên có xe vi phạm dừng đón trả khách sai quy định; đẩy mạnh việc sử dụng hình ảnh qua hệ thống camera giám sát để phối hợp lực lượng chức năng trong việc xử lý xe dừng, đỗ đón trả khách sai quy định.
 
Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để theo dõi chặt chẽ hoạt động của phương tiện và lái xe đảm bảo thực hiện đúng các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; thường xuyên có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.
 
Ra quân, xử lý nghiêm
 
Tại Thái Bình, ngày 21/4, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Phòng CSGT (Công an tỉnh), Công an thành phố Thái Bình ra quân thực hiện chuyên đề tuần tra, xử lý các vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách trên địa bàn.
Bai cuoi: “Tha troi” quy trinh kiem soat an toan o ben xe, loat dia phuong chan chinh-Hinh-2
 Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình ra quân xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách.
Đợt ra quân này sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm như: xe vận tải khách không gắn phù hiệu; xe chạy hợp đồng không đúng quy định (xe trá hình); xe chạy hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch chở không đúng đối tượng theo hợp đồng; xe chạy trái luồng tuyến; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định…nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải, trật tự ATGT đến lái xe, chủ xe từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp của các lực lượng để kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, các vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách trên các tuyến đường thuộc địa bàn địa.
 
Bên cạnh đó, qua công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển, chủ phương tiện xe ô tô khách theo đúng quy định của pháp luật, từ đó ngăn chặn các hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, quản lý chặt chẽ kỷ cương, kỷ luật vận tải theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu TNGT đường bộ.
 
Theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả về Cục ĐBVN trước ngày 30/04/2023. Cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện.
Trong văn bản số 1337/CĐBVN-QLVT,PT&NL gửi Sở GTVT các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên về việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm theo quy định, Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ: "Trong các ngày 14-15/04/2023, báo điện tử Tri thức và Cuộc sống đã có các bài viết "Loạt bến xe thả trôi quy trình kiểm soát an toàn xe khách", trong đó phản ánh một số xe khách tuyến cố định không vào bến nhưng vẫn được cấp lệnh xuất bến là có dấu hiệu của việc mua bán giấy tờ và lợi ích nhóm.
Để tiếp tục đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô; Cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện Công văn 1536/CĐBVN-QLVTPT&NL ngày 15/03/2023 của Cục ĐBVN và chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải chủ động khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, camera lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải để cảnh báo và xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm.
Chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra, đặc biệt các trường hợp đã được đề cập trên báo Tri thức và Cuộc sống các ngày 14-15/04/2023.
 
Thực hiện: Nguyễn Hữu Tuấn
Chỉ đạo nội dung: P.Tổng Biên tập phụ trách Nguyễn Mai Hương
Tổ chức sản xuất: Bế Đức Thuận; Ninh Nhật Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu