Các bình luận về sự kiện nổi bật nhất quan hệ quốc tế đồng loạt nêu cuộc chiến tranh tại Ukraine là một trong những sự kiện tiêu biểu của năm Nhâm Dần. Diễn ra từ tháng 2/2022, qua 10 tháng, cuộc chiến tranh không chỉ nằm ngoài dự đoán của nhiều người, mà hiện nay, để lại những hệ luỵ lâu dài làm thay đổi cục diện trong quan hệ quốc tế, tạo ra tác động nhiều mặt về kinh tế, xã hội trong đời sống chính trị thế giới.
Thứ nhất, cục diện thế giới phân hoá ngày càng sâu sắc với cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Năm 2022, thế giới chứng kiến tập hợp lực lượng giữa Mỹ và các nước đồng minh, đối tác để áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt lên Nga.
"Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục bị bao phủ bởi những gam màu xám" - PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao nhận định.
Thế giới cũng chứng kiến cạnh tranh Mỹ-Trung, tuy không “nóng” như dưới thời chính quyền Trump, nhưng vẫn tiếp diễn theo xu hướng cạnh tranh chiến lược trong dài hạn. Các xu hướng này được dự báo, không suy giảm, mà trái lại ngày càng trở nên gay gắt trong năm 2023.
Trong bối cảnh, triển vọng kết thúc cuộc chiến tranh tại Ukraine còn xa vời, Mỹ và các nước đồng minh, đối tác, đặc biệt là các đồng minh tại châu u sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga.
Cạnh tranh Mỹ - Trung không chỉ còn giới hạn ở lĩnh vực thương mại, đã mở rộng sang công nghệ và địa chiến lược. Xu hướng này, một mặt có thể tạo ra sự “phân mảnh” trong quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, tài chính, quân sự, khoa học công nghệ đến tập hợp lực lượng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh, đối tác và một bên là Nga, Trung Quốc và một số quốc gia có cùng lợi ích; đồng thời dẫn tới gia tăng chạy đua quân sự, đồng thời, làm suy giảm vai trò của các thiết chế đa phương, đóng vai trò gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế, làm xói mòn trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Thứ hai, kinh tế thế giới, sau những tín hiệu phục hồi mong manh từ việc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, đứng trước nguy cơ tiếp tục đà giảm tốc. Trong năm 2022, trước hệ quả của cuộc chiến tranh từ Ukraine và chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đối mặt với đứt gãy và gián đoạn.
Khủng hoảng năng lượng và lương thực ở cấp độ toàn cầu đã khiến cho nhiều nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, suy thoái. Lạm phát ở mức độ cao khiến cho nhiều chính phủ phải thi hành các chính sách thắt chặt.
Dù Trung Quốc phần nào nới lỏng chính sách “zero Covid” cuối năm 2022, những khó khăn tiếp tục phủ bóng lên kinh tế thế giới năm 2023.
Quỹ Tiền tệ quốc tế vào tháng 10/2022 hạ mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 từ 3,2% xuống 2,7%, mức dự báo thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và giai đoạn đầu đại dịch Covid 2020.
Khủng hoảng kinh tế có thể kéo theo khủng hoảng nợ tại nhiều nền kinh tế trong năm 2023. Sri Lanka có thể chỉ là tiếng chuông cảnh báo đầu tiên khi vào tháng 5/2022, chính phủ nước này đã tuyên bố không thể trả được các khoản nợ và không còn dự trữ ngoại hối để nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu.
Tờ Economist đánh giá 53 nền kinh tế trên thế giới trên bờ vực “vỡ nợ” do giá cả leo thang và suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó một số nền kinh tế đặc biệt có nguy cơ cao trong năm 2023 như Pakistan, Ai Cập, Li băng.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn có thể kéo theo một số hệ luỵ trong các lĩnh vực năng lượng và công nghệ. Cuối năm 2022 chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân lực lớn tại hàng hoạt tập đoàn công nghệ toàn cầu. Meta, Twitter đã sa thải 24 nghìn nhân viên làm việc chỉ riêng tại Mỹ. Amazon cũng sa thải 10 nghìn nhân viên, động thái cắt giảm lớn nhất trong lịch sử. Các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc cũng không ngoại lệ khi cắt giảm khoảng 20% lực lượng lao động.
Đây là hệ quả của việc điều chỉnh tăng trưởng nóng sau thời gian bùng nổ trong đại dịch và sự điều chỉnh thói quen tiêu dùng trong bối cảnh người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu.
Trong lĩnh vực năng lượng, Cơ quan năng lượng quốc tế đánh giá cuộc chiến tranh ở Ukraine và khủng hoảng kinh tế đã dẫn tới sự đảo ngược chính sách và thị trường năng lượng toàn cầu không chỉ trong thời gian trước mắt mà còn trong nhiều thập kỷ tới. Xu hướng tiêu thụ than tăng trở lại, việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện bị trì hoãn tại Trung Quốc và Châu u, nhà máy điện hạt nhân được xây mới hoặc trì hoãn thời gian đóng cửa tại một số quốc gia châu u, từ đó, kéo theo hệ luỵ với nhiều chiến lược và cam kết phát triển năng lượng xanh.
Thứ ba, trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, tình khu vực cũng được dự báo đối mặt với nhiều thách thức.
Cạnh tranh nước lớn ngày càng sâu sắc, các nước lớn thúc đẩy nhiều sáng kiến nhằm tập hợp lực lượng, đặc biệt trong đó, nhiều quốc gia đồng loạt ban hành chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó, đặt khu vực Đông Nam Á, Biển Đông là trung tâm, một mặt khiến cho các quốc gia trong khu vực có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác, mặt khác, áp lực “chọn bên” ngày càng gia tăng.
Mô hình hợp tác “tiểu khu vực” như Quad, Aukus được thúc đẩy với nhiều sáng kiến cụ thể khiến cho ASEAN gặp thách thức trong việc duy trì vai trò trung tâm, duy trì vai trò là diễn đàn kết nối các nước lớn với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.
Trong năm 2022, các điểm nóng của khu vực như Eo biển Đài Loan, Biển Đông vẫn chứng kiến những diễn biến leo thang căng thẳng, phá vỡ nguyên trạng mới. Xu hướng này được dự đoán có thể còn phức tạp và khó lường hơn trong năm 2023.
Sau chiến tranh tại Ukraine, nhiều dự báo cho rằng Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông sẽ là nơi xảy ra xung đột tiếp theo, đặc biệt sau phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Mỹ Nancy Peloci đến Đài Loan.
Trung Quốc luôn đặt ưu tiên thống nhất Đài Loan và không loại trừ việc thống nhất thông qua sử dụng vũ lực. Thông điệp này tiếp tục được đề cập tại Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc gặp bên lề G20 giữa Biden và Tập Cận Bình được đánh giá là giải tỏa được phần nào căng thẳng, xung đột có thể không xảy ra, và nguyên trạng có thể được duy trì tại Eo biển Đài Loan trong năm 2023.
Mặc dù vậy, cam kết gia tăng hiện diện của Mỹ và các đồng minh, đối tác, cùng với sự nâng cao năng lực hải quân, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Biển Đông khiến cho những tình huống căng thẳng, thậm chí xung đột không thể loại trừ hoàn toàn tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Có thể nói, dư âm từ những bất ổn của năm 2022 khiến bức tranh chính trị, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục bị bao phủ bởi những gam màu xám. Khu vực Đông Nam Á, mặc dù được đánh giá là khu vực năng động, tạo ra động lực phát triển, hợp tác toàn cầu, trong đó có tình hình Biển Đông sẽ bước vào năm 2023 không mấy sáng lạn. Các nước trong khu vực sẽ phải nỗ lực hợp tác để duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Thực hiện: PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao