CEO Nguyễn Huy Du: "Made by Vietnam" - xu hướng mới của doanh nghiệp công nghệ

CEO Nguyễn Huy Du: "Made by Vietnam" - xu hướng mới của doanh nghiệp công nghệ

"Made by Vietnam" đang trở thành xu hướng mới, thể hiện tham vọng của các doanh nghiệp công nghệ trong việc làm chủ sản phẩm từ thiết kế đến sản xuất.
Không chỉ dừng lại ở việc gia công, nhiều công ty Việt đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cho ra đời sản phẩm "cây nhà lá vườn", mang dấu ấn Việt Nam, hướng tới chinh phục thị trường quốc tế.
Khoa học và Đời sống trò chuyện với ông Nguyễn Huy Du, Chủ tịch Công ty Đèn học thông minh - The Smart LIGHT, xung quanh chủ đề này.
Việt Nam phù hợp với những sản phẩm có tính mềm và sáng tạo
- Ông có thể chia sẻ về khái niệm “Made by Vietnam” theo góc nhìn của mình?
“Made by Vietnam” được hiểu nôm na là sản phẩm hàng hóa, được “tạo ra bởi người Việt Nam hoặc doanh nghiệp của Việt Nam” thay “Made in Vietnam - làm ra tại Việt Nam”.
Về khía cạnh định vị thương hiệu giữa các quốc gia, “Made by Vietnam” là xu thế mới, nhiệm vụ mới trong bối cảnh mới, khi Việt Nam đã thực sự tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
- Theo ông, đâu là những yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn lên trên trường quốc tế và khẳng định thương hiệu "Made by Vietnam"?
Sáng tạo và thực thi là 2 yếu tố then chốt, tức là sau khi “nghĩ ra được” thì cần tổ chức để “hiện thực được” điều đó. Tuy nhiên, hiện thực hóa sản phẩm mới là góc cạnh về sản xuất còn việc tổ chức kinh doanh cung ứng thì là góc cạnh khác.
Giải pháp phân phối, bán hàng ra thị trường, cung ứng được tới người dùng mới là khâu then chốt để hoàn thiện chuỗi giá trị lõi: “Sáng tạo - Sản xuất - Kinh doanh”.
CEO Nguyen Huy Du: Ông Nguyễn Huy Du nhận giải thưởng Doanh nhân trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022.
 
- Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ việc gia công, sản xuất theo đặt hàng sang sáng tạo và phát triển sản phẩm công nghệ riêng biệt?
Để tạo dựng một sản phẩm công nghệ riêng biệt cần hội tụ đủ 3 yếu tố: Năng lực phát triển công nghệ lõi; năng lực hoàn thiện sản xuất nhanh sản phẩm; năng lực kinh doanh mạnh. Như vậy mới giảm thiểu rủi ro trong “tự chủ phát triển” sản phẩm.
Chỉ cần một trong 3 yếu tố không phải “thực lực” sẽ dẫn đến gãy chuỗi cung ứng giá trị khiến các sản phẩm công nghệ “chết yểu”. Bởi lẽ, tốc độ phát triển và sự thay thế công nghệ thời nay rất nhanh, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thị trường biến thiên mạnh.
- Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, ông nghĩ doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung lĩnh vực công nghệ nào để tạo ra sự khác biệt?
Mọi lựa chọn để bước vào lĩnh vực công nghệ cần nhất là đánh giá thực lực của chính bản thân mỗi doanh nghiệp Việt Nam, nhất là thực lực về con người và nguồn vốn.
Nhiều doanh nhân lớn của Việt Nam thường đặt vấn đề gói gọn “3 dám” - dám làm, dám liều, dám chịu - đó là: Làm đến đâu? Liều ở độ nào? Chịu được mức nào?
Trong kinh doanh, dẫu có đủ mạnh về nguồn vốn, mỗi ông chủ vẫn luôn cân nhắc rất kỹ: Chọn làm sản phẩm gì? Chọn con người nào để làm? Chọn thị trường nào để vào?
Góc nhìn của cá nhân tôi, trong bối cảnh này, Việt Nam phù hợp với những sản phẩm có tính mềm và sáng tạo như ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bởi đây là ngách đi của nhiều ông lớn trong quá khứ đã tạo dựng được cơ đồ. Lĩnh vực công nghệ nói là tập trung vào đổi mới, sáng tạo nhưng cũng cần “lõi và nền”. Lõi là con người, nền là tri thức.
Thích ứng, thích nghi là phẩm chất quan trọng của người trẻ khởi nghiệp
- Ông có thể chia sẻ hành trình của mình trong việc xây dựng và phát triển một thương hiệu công nghệ Việt Nam? Những thách thức lớn nhất là gì?
Hơn 6 năm qua, tôi và doanh nghiệp mới chập chững tập đi trong việc tiếp cận quá trình phát triển sản phẩm công nghệ “Made by Vietnam” nên không dám chia sẻ về hành trình lớn lao kia. Tôi vừa làm vừa học, vừa rút ra những bài học cho cá nhân và doanh nghiệp để: Biết mình ở đâu? Thực làm được gì? Đã sai và thiếu những gì?
“Chúng ta đã có những sản phẩm “Made by Vietnam” vươn ra thị trường thế giới, thời gian tới sẽ xuất hiện thêm. Nhưng để trở thành “ông lớn”, cần nhiều yếu tố từ người dùng. Chính người tiêu dùng sẽ định vị và định danh cho những sản phẩm ấy”, ông Nguyễn Huy Du.
 
Thời gian qua, chúng tôi “hiểu và ngộ” để điều chỉnh các bước làm phù hợp thực lực và thực tế hơn. Thách thức và áp lực là rất lớn trong hành trình phát triển thương hiệu sản phẩm công nghệ Việt Nam, bởi động vào đâu cũng thấy “thiếu và yếu”, vì thế mà “khó lại càng khó”.
Chúng tôi tâm niệm sai ở đâu sửa ở đó, ngã ở đâu nhớ tránh cho bước đường lần sau đi tới, bởi mọi hành trình phát triển đều là “đường xoáy trôn ốc”, không giống nhau nhưng đồng dạng.
Hành trình sắp tới của The Smart LIGHT sẽ cần điều chỉnh và hội tụ thêm nhiều nguồn lực mở nếu muốn tiếp tục hiện thực hóa ước mơ “The Smart LIGHT - Made by Vietnam”. Chúng tôi cần thay đổi cách nghĩ và cách làm, nếu muốn vươn xa hơn.
- Ông nghĩ gì về xu hướng toàn cầu hóa của các sản phẩm "Made by Vietnam"? Liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào sự xuất hiện của những “ông lớn” công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế trong 5 - 10 năm tới không?
Chúng ta đã có những sản phẩm “Made by Vietnam” vươn ra thị trường thế giới, thời gian tới sẽ xuất hiện thêm. Nhưng để trở thành “ông lớn”, cần nhiều yếu tố từ người dùng. Chính người tiêu dùng sẽ định vị và định danh cho những sản phẩm ấy.
Người Việt đã giúp rất nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Việc tiêu tiền và sử dụng của khách hàng sẽ là nhân tố quyết định. Làm hài lòng người dùng, hành trình của sản phẩm hàng hóa sẽ thuận.
- Xu hướng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Ông có lời khuyên nào dành cho những người trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này?
Tôi không dám đưa ra lời khuyên nhưng cá nhân thấy rằng, dù làm việc gì chăng nữa, cần tìm kiếm, chọn người, xây dựng đội ngũ phù hợp để phát huy điểm mạnh của mỗi cá nhân; phân công đúng vai, giao làm đúng việc, chia sẻ lợi ích hài hòa từng thời điểm trong đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, biết lựa theo thời cuộc, nắm bắt cơ hội thị trường, quy tụ nguồn lực, khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Tôi tâm đắc với câu nói của William Arthur Ward: “Người bi quan phàn nàn về cơn gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm”. Thích ứng, thích nghi là năng lực, phẩm chất quan trọng của cả người trẻ khởi nghiệp, doanh nhân và doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông.
Đức Thuận (thực hiện)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu