TS. Nguyễn Phan Kiên: Chế tạo sản phẩm chống dịch COVID-19 “đắt như tôm tươi“

TS. Nguyễn Phan Kiên: Chế tạo sản phẩm chống dịch COVID-19 “đắt như tôm tươi“

Trong khoảng 1 tháng, TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng cộng sự cho ra đời 6 sản phẩm đồng hành cùng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19. Sản phẩm nào cũng đắt hàng, và xuất khẩu ra nước ngoài.
Chạy đua với thời gian
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại “đại bản doanh” đặt ngay tại nhà của TS Nguyễn Phan Kiên. Trong căn phòng đơn sơ, bừa bộn vật tư, linh kiện, TS Kiên nhớ lại, khoảng thời gian này năm ngoái, đầu năm 2020, dịch COVID-19 ập đến. Với anh đây là khoảng thời gian rất đặc biệt, là lúc anh quyết định dừng tất cả mọi kế hoạch đang làm để bắt tay sản xuất các sản phẩm phục vụ công tác chống dịch COVID.
Anh bảo, đó là khoảng thời gian tay không bắt giặc, bởi mọi thứ chưa có gì từ bản thiết kế, vật tư, linh kiện, nhưng trước sự hối thúc của khách hàng, bệnh viện, các y bác sỹ, anh quyết tâm làm.
Nhóm của anh chưa đến 10 người, cắm chốt tại nhà anh gần như 24/24 giờ, người lo thiết kế trên máy tính, người phụ trách vật tư, người phụ trách khâu lắp ráp. Thiết kế vẽ đến đâu, lắp ráp ngay tới đó. Công việc liên tục, liên tục và gần như chạy đua với thời gian.
Khối lượng công việc khổng lồ như thế, nhưng trong vòng khoảng 1 tháng (tháng 4/2020), 6 sản phẩm gồm lồng đặt nội khí quản, hộp chắn giọt bắn lấy dịch tụy hầu, máy rửa tay tự động, máy đo thân nhiệt bức xạ nhiệt, buồng khử khuẩn toàn thân di động, bộ định thời gian khử khuẩn cho máy nội soi… liên tục ra đời. Sản phẩm làm tới đâu, khách hàng lấy tới đó.
Thậm chí anh bận đến nỗi không có thời gian đi giao hàng nên khi các đơn hàng của “Nhóm đồng hành cùng chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch” do nhóm cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội khóa 1987-1993 đặt hàng được làm xong, các bệnh viện phải cho người đến tận nhà anh để lấy.
Anh kể: “Đa số bệnh viện cho cả xe cứu thương đến lấy hàng. Xe đậu ngay đầu ngõ lại đúng lúc dịch đang cao điểm, thấy xe cứu thương hàng xóm đoán già đoán non. Bác tổ trưởng phải gọi điện để tìm hiểu tình hình”.
TS Kiên kể, không chỉ tháng đặc biệt ấy, mà cả năm qua và nối tiếp những ngày đầu năm 2021, anh không có lúc nào hết “tối tăm mặt mũi”. Ngoài 6 sản phẩm làm cấp tập trong 1 tháng, thời gian qua anh liên tiếp có thêm các sản phẩm khác như thiết bị đo nhiệt độ trán tự động, hệ thống hút dịch áp lực thấp sử dụng khí y tế trung tâm, hệ thống hút dịch sử dụng khí y tế trung tâm, bể rửa siêu âm, bể nấu parafin,... cùng với rất nhiều đơn đặt hàng từ nhiều đơn vị với các yêu cầu nghiên cứu thiết bị mới ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng mảng thiết bị y tế.
TS. Nguyen Phan Kien: Che tao san pham chong dich COVID-19 “dat nhu tom tuoiTS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.  
 
Muốn sản phẩm bán được hãy hỏi thị trường cần gì
Sản phẩm đắt như tôm tươi, nhưng TS Nguyễn Phan Kiên khẳng định không có bí quyết gì đặc biệt, quan trọng sản phẩm đó phải phục vụ nhu cầu thị trường, nghĩa là làm cái xã hội và nhu cầu thực tế cần.
Tự nhận mình thuộc trường phái “hành động”, TS Kiên quan niệm, đối với anh làm nghiên cứu hay sáng tạo không có nghĩa là ngồi bàn giấy vẽ ý tưởng rồi cất vào ngăn tủ. Với anh đó là đi thực tế, tìm hiểu xã hội và thị trường cần gì, và nhiệm vụ của nhà khoa học là phải đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, của thị trường.
Nếu sản phẩm chưa có, nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm mới. Khi sản phẩm đã có nhưng giá thành đắt, nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Hay sản phẩm ra thị trường còn nhiều bất cập, nhiệm vụ của nhà khoa học là phải khắc phục được nhược điểm, làm cho sản phẩm đó hoàn thiện hơn.
TS Kiên ví dụ, hệ thống rửa tay tự động vốn là thiết bị tương đối phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm bán trên thị trường đều sử dụng công nghệ không tạo sương hoặc công nghệ ấn tạo lực cơ khí có cách thức phun giống như các bình xịt khử khuẩn gây mất thời gian, thậm chí không sạch…
Vì lý do này, anh và các cộng sự chế tạo hệ thống rửa tay tự động bằng công nghệ tạo sương cho phép nước rửa tay từ máy được phun ra khắp bàn tay giúp tay sạch hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng.
Đặc biệt, hệ thống máy rửa tay này sử dụng công nghệ cảm biến và có khả năng chống nhiễu môi trường (khi có vật nào đó vô tình lướt qua cảm biến thì máy sẽ không phun nước khử khuẩn. Chỉ khi chúng ta bước tới máy, chìa tay vào gần máy, bộ phận cảm biến mới hoạt động, phun nước ra khắp bàn tay).
Tương tự, trong giai đoạn kiểm soát dịch COVID-19, việc đo nhiệt độ là bắt buộc tại các bệnh viện, cơ quan công sở, trường học... Nhiều hệ thống đo nhiệt từ xa đã được đầu tư. Tuy nhiên, các hệ thống đo nhiệt độ từ xa có khoảng cách xa và đo được lượng lớn người thường có giá cao, khoảng từ vài trăm triệu đến gần 2 tỷ đồng. Điều này làm hạn chế việc đầu tư các hệ thống đo nhiệt độ tại các cơ quan, trường học, nhất là bệnh viện, nơi yêu cầu tầm soát nhiệt độ bệnh nhân và người ra viện rất cao. Do đó, TS. Kiên và cộng sự đã hoàn thiện sản phẩm đo thân nhiệt tự động sử dụng camera bức xạ nhiệt có giá rẻ nhất thị trường tại thời điểm đó (dưới 100 triệu đồng/ hệ thống).
Đây chính là yếu tố giúp sản phẩm của TS Kiên và cộng sự làm tới đâu “xuất xưởng” tới đó. Sản phẩm máy đo nhiệt trán tự động hoàn thành đêm 4/12/2020, sáng 5/12 sản phẩm đã được mang ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội hữu nghị Việt – Bỉ để đo nhiệt độ cho đại biểu; ngày 6/12, sản phẩm đã phục vụ giám sát nhiệt độ cho hơn 500 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ngày 7/12, 1 hệ thống cũng được triển khai tại Bệnh viện Tim Hà nội cơ sở 2, 1 hệ thống được chuyển đến cho bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Hiện sản phẩm đã cung cấp cho Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Tương tự, máy rửa tay tự động sử dụng công nghệ phun sương được đưa vào sử dụng tại nhiều bệnh viện và cơ sở trên toàn quốc như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Nhân dân 115... 
Không chỉ đắt hàng trong nước, sản phẩm của TS Nguyễn Phan Kiên còn được xuất khẩu. Cuối năm 2020, lô buồng khử khuẩn toàn thân di động của nhà khoa học này đã được xuất đi Châu Phi.
 
TS. Nguyen Phan Kien: Che tao san pham chong dich COVID-19 “dat nhu tom tuoi
TS Nguyễn Phan Kiên bên sáng chế Máy phụ khử khuẩn tay tự động.  

Ước mơ làm giàu từ khoa học...
TS Nguyễn Phan Kiên tâm sự, khi bắt tay làm sản phẩm, đầu tiên là xuất phát từ niềm đam mê sáng tạo. Với một người xác định cả cuộc đời gắn bó với nghiên cứu khoa học thì được “lăn lộn” với khoa học đã là niềm hạnh phúc rất đỗi lớn lao. Thứ nữa là ý thức trách nhiệm với xã hội.
Khi bạn có ý thức có trách nhiệm với xã hội thì bạn sẽ dùng kiến thức của mình để làm cho xã hội tốt hơn, giải quyết các vấn đề của xã hội. Mà đấy cũng chính là nguồn gốc của mọi ý tưởng sáng tạo. Một nguyên nhân nữa là tạo công ăn việc làm cho sinh viên mới ra trường, nuôi dưỡng và truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, xa hơn nữa, ước mơ của anh sẽ là làm giàu, giàu bằng chính sức lao động của mình, bằng sức sống của chính những sản phẩm mà anh đã tạo ra vì khi sản phẩm được tạo ra, được tham gia phục vụ xã hội, sản phẩm sống là tác giả sống. Nếu sản phẩm phát triển mạnh thì tác giả sẽ giàu. Và khi tác giả giàu đồng nghĩa có nhiều cơ hội hơn để đầu tư cho những sản phẩm hiện còn đang ấp ủ và đang trong giai đoạn nghiên cứu như hệ thống phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn cầm tay với giá thành hợp lý...
TS Nguyễn Phan Kiên cho biết, anh mong muốn có thể bắt tay với các mạnh thường quân hoặc doanh nghiệp có cùng đam mê, chí hướng để cùng phát triển các thị trường sản phẩm, để sản phẩm có thể vươn ra khỏi thị trường của Việt Nam.
*** Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ. 
Thực hiện: Lan Hoa

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu