2020 vẫn được nhiều người gọi đùa là “năm COVID-19”. Với nghệ sĩ Chí Trung, đó cũng là một năm đặc biệt với những đổi thay cả trong công việc, lẫn cuộc sống riêng.
“Tôi đã ổn định sau biến cố hôn nhân”
- Sách vở rồi các chuyên gia cũng bảo, người sinh năm Sửu rất kiên định, chăm chỉ, sống nguyên tắc nhưng cũng gia trưởng, bảo thủ. Là người tuổi Sửu, anh thấy điều này đúng được bao nhiêu %?
Đúng 200% (cười)! Kiên định và bảo thủ về bản chất là một, khác nhau ở sự đánh giá của mỗi người thôi. Người thích thì bảo kiên định, người ghét thì kêu bảo thủ. Thực ra, đó là bảo lưu ý kiến của mình thôi, mà bảo lưu ý kiến thì có lúc nào đúng hoàn toàn đâu?
Người tuổi Sửu sống nguyên tắc, có tài, có tâm nhưng không được nhiều người thích. Người nguyên tắc bao giờ cũng gia trưởng. Họ muốn mọi người phải theo mình. Họ tuân thủ với những quy định mình đặt ra, nhưng cũng muốn người khác tuân thủ như thế. Đấy là cái sai của họ nhưng không tránh được đâu! Chính họ còn nghiêm khắc với bản thân mình cơ mà. Như tôi, đồ đạc đặt đâu đúng đấy. Mấy bạn diễn viên của tôi cũng tuổi Sửu, tôi hiểu hết và dung hòa được các bạn.
- Một năm nay cuộc sống của anh thế nào?
Cuộc sống của tôi đã ổn định sau biến cố không mong muốn. Tôi có cuộc sống mới và bằng lòng với hiện tại, tuy vậy những giá trị cũ vẫn rất tiếc nuối!
Tôi không thanh minh ai đúng - ai sai khi hôn nhân đổ vỡ. Không giữ được hạnh phúc là lỗi của tôi, có của mà không biết giữ. Trong hôn nhân, người đàn ông có lỗi nhiều hơn, lỗi đi sớm về muộn, ham chơi, bê trễ, tham công tiếc việc, đẩy hết việc dạy dỗ con cái cho vợ.
“Không giữ được hạnh phúc là lỗi của tôi, có của mà không biết giữ” - nghệ sĩ Chí Trung.
Nhưng tôi không phải là người lựa chọn sự chia tay. Mọi người cứ bảo vô cùng bất ngờ khi tôi ly hôn, nhưng người ngạc nhiên nhất, sốc nhất, bàng hoàng nhất chính là tôi, bởi tôi bị đẩy vào trạng thái đó. Lỗi thì tôi nhận, có lẽ mình quá vô tâm, quá vô tình ích kỷ không để ý nhiều đến vợ con. Nhưng có một câu có lẽ nhiều người sẽ hiểu, “mọi chuyện là duyên số”.
Ly hôn khiến tôi khủng hoảng trong 2 năm, sụt đi 10kg. Tôi sống đơn độc trong 2 năm, sau đó mới gặp Ý Lan. Cô ấy xinh đẹp, công việc ổn định, kinh tế vững, tốt tính. Cảm ơn cuộc đời bởi sau những biến cố, số phận vẫn dành cho tôi một lối thoát.
Phải cảm ơn Ý Lan đã thay đổi cả một bạo chúa…
- Thừa nhận là người gia trưởng, anh có nghĩ chính sự gia trưởng, bảo thủ đó sẽ vô tình khiến người bên cạnh cảm thấy mệt mỏi?
Tính tôi một mình một kiểu, cả Nhà hát đều ghét. Tôi không luồn cúi, không bon chen, không nịnh nọt, không biếu xén, không muốn nhận của ai cái gì, không lụy ai. Mọi người nói tôi là “bạo chúa”. Từ thời làm Trưởng đoàn đến Phó giám đốc, tôi đều ghê gớm. Tôi có nhiều sáng kiến đưa Nhà hát phát triển, ai cũng thừa nhận điều đó, nhưng dường như mọi người chỉ “kính” chứ không “yêu”.
Đến nay Chí Trung bớt ghê gớm rồi. Mọi người hay nói, Nhà hát dễ thở hẳn từ khi tôi đổi tính và còn đùa “phải cảm ơn Ý Lan đã thay đổi cả một bạo chúa ở Nhà hát”.
Thật ra, tất cả tính cách gia trưởng, sự bảo thủ cố hữu của tôi, người gánh “nước cốt” là Ngọc Huyền. Có thể đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến cô ấy không chịu được nữa, nhất là khi đã hết duyên. Lúc yêu nhau thì không sao, nhưng khi tình yêu lùi lại với tuổi tác, thời gian thì rất khó.
“Đến nay Chí Trung bớt ghê gớm rồi. Mọi người hay nói, Nhà hát dễ thở hẳn từ khi tôi đổi tính” - nghệ sĩ Chí Trung.
Sau tất cả tôi nhận ra đã bỏ quên chính mình. Mấy chục năm tôi quá tham công tiếc việc. Tôi ở Nhà hát từ 6 giờ sáng đến 11 rưỡi đêm. Bây giờ, tôi không đặt cho mình gánh nặng nữa, tôi chỉ đồng hành, chuyển từ giám đốc thành giám sát, đốc thúc. Ngày xưa, tôi tự mình gây khó khăn cho chính mình và làm khổ mọi người. Còn bây giờ Chí Trung dễ dàng, vui vẻ hơn, cả Nhà hát dễ thở hơn. Tôi cũng tìm lại được sự an nhiên của cuộc sống.
Tôi giãn từ bây giờ cũng là để chuẩn bị tâm lý sau này về hưu mình không vất vả, xốn xang trong công việc nữa. 60 tuổi mà không có được cuộc sống an nhiên thì chết dở!
Nghệ sĩ Chí Trung và bạn gái Ý Lan.
“Táo quân được mời… tôi vẫn diễn, xin vai thì không!”
- Xin được chuyển đề tài công việc, sau một năm Táo quân dừng sản xuất, khán giả háo hức mong chờ chương trình trở lại. Là người gắn bó với chương trình nhiều năm, cảm xúc của anh thế nào?
Năm 2015 - 2016 chính tôi là người đề nghị đạo diễn Đỗ Thanh Hải dừng Táo quân vì cảm giác không còn sáng tạo. Năm 2019, Táo quân dừng sản xuất, thay thế bằng chương trình Gặp nhau cuối năm nhưng không được như kỳ vọng. Chính chúng tôi làm xong cũng thấy hoảng (cười).
Năm nay, cũng chính tôi là người gọi điện cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải gợi ý làm Táo quân. Bởi sau một năm dừng, cảm hứng sáng tạo lại đầy ắp trở lại. Hơn nữa, năm nay có nhiều chất liệu hay để làm, quan trọng là format thế nào để chuyển tải.
“Năm nay, chính tôi là người gọi điện cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải gợi ý làm Táo quân” – nghệ sĩ Chí Trung.
-Nếu Táo quân sản xuất trở lại, anh vẫn tham gia chứ? Anh thích đảm nhận Táo nào nhất trong số những vai từng đóng?
Nếu được mời… tôi vẫn tham gia, nhưng để chủ động xin vai thì không.
Tôi đóng nhiều vai từ Táo Giao thông đến Táo Điện lực, Táo Quan chức, Táo Cơ chế... Nhưng như mọi người đều nói và bản thân tôi cũng thấy yên tâm nhất là vai Táo Giao thông. Vai diễn đó đến đúng thời kỳ đất nước chuyển mình, giao thông trở thành “quốc nạn” nên nhiều người quan tâm. Vả lại, mỗi ngày ai cũng đi trên đường nên vấn đề giao thông trở thành thân quen. Hơn nữa, các vai tôi đóng được cài cắm nhiều câu hay, thâm thúy.
Nghệ sĩ Chí Trung trong chương trình Táo quân 2021.
“Thưởng Tết Nhà hát Tuổi trẻ năm nay cao nhất 7 triệu”
- 2020 là năm của đại dịch COVID-19, ngành giải trí gặp nhiều khó khăn và sân khấu kịch không phải ngoại lệ. Trên cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh chèo chống “vượt lũ” thế nào?
Từ khi công nghệ số, công nghệ truyền hình, smartphone tràn ngập trong từng lĩnh vực của đời sống, sân khấu trở lựa chọn thứ yếu của khán giả. Các đêm diễn vắng khách, chương trình mới ít người xem, khán giả không hào hứng đón đợi. Thời kỳ khốn khó của sân khấu kịch và sân khấu nói chung kéo dài cả 10 năm nay, nên chúng tôi quen với trạng thái ảm đạm như COVID-19 đấy rồi (cười).
Lửa thử vàng gian nan thử sức, COVID-19 là thời gian để chúng tôi nhìn lại mình, cố gắng nỗ lực hơn, diễn viên tập luyện nhiều hơn, chương trình kiểm duyệt khắt khe hơn, đầu tư cho chất lượng vở diễn chỉn chu hơn.
Năm qua, chuyện không vui nhất ở Nhà hát Tuổi trẻ là cho 67 diễn viên ra khỏi hệ thống tiền lương. Theo quy định, nhà hát chỉ có 74 suất biên chế, trong khi có hơn 150 người, nên phải rà soát vị trí việc làm.
Tất cả những diễn viên thời vụ, hay những diễn viên lớn tuổi, dù gắn bó nhiều năm ở nhà hát nhưng không có bằng cấp, không vào biên chế đợt vừa rồi, đều trở thành hợp đồng thời vụ, không có lương, không đóng bảo hiểm, khi nào có vở, có vai thì tham gia. Trong số đó có cả Vân Dung, nhạc sĩ Tuấn Nghĩa, Tuấn Anh, Anh Tuấn... Đây cũng coi như “đợt COVID-19” của riêng nhà hát.
Khó khăn thế đấy nhưng trong năm vừa rồi Nhà hát vẫn ra được 12-14 chương trình và tiết mục, vẫn “giữ lửa” đều, trừ thời gian giãn cách xã hội, còn lại vẫn diễn 3-4 suất/ tuần, thu nhập của anh em tạm ổn định.
Thưởng Tết ở Nhà hát Tuổi trẻ năm nay cao nhất 7 triệu.
- Khó khăn chồng chất là thế, tình hình thưởng Tết năm nay ở Nhà hát Tuổi trẻ thế nào?
Tài vụ hỏi năm nay thưởng Tết bao nhiêu, tôi trả lời vui “Không rút đi là may”. Cao nhất là 7 triệu, thấp nhất là 1 triệu. 1 triệu là quà Tết cho các cộng tác viên. Diễn viên trẻ thì 2-3 triệu, diễn viên thâm niên được chừng 4-5 triệu. Chúng tôi chia thưởng theo lớp bậc, dù ít nhưng vẫn phải công bằng.
- Xin cám ơn Nghệ sĩ Chí Trung. Chúc anh và gia đình năm mới An khang – Thịnh vượng!
Chí Trung sinh năm 1961, là diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh và đạo diễn sân khấu nổi tiếng. Anh có nhiều năm gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ và thành công với chính kịch. Nam nghệ sĩ có những vai diễn điển hình trong các vở lớn như: Romeo trong "Romeo và Juliet", Đôn-sứt trong "Lời thề thứ 9", Tạ Quay trong "Trò đời".
Tuy nhiên, khán giả biết đến Chí Trung nhiều hơn với vai trò nghệ sĩ hài. Anh từng đóng vai Táo Giao thông nhiều năm trong chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân. Chí Trung cho rằng, sở trường của anh là hài trí tuệ, thể loại chuyển tải thông điệp, triết lý sâu xa đến khán giả.
Nhiều năm công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, Chí Trung từng đảm nhận vị trí Trưởng đoàn kịch 2, Phó Giám đốc Nhà hát. Ngày 1/6/2017, Chí Trung được bổ nhiệm Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nhiệm kỳ 2017- 2022.
Với những đóng góp cho nghệ thuật, Chí Trung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1997.
Nguyệt Cát