[e-Magazine] Tiến sĩ Việt nhận giải TechWomen 100: Nguồn cảm hứng phá vỡ rào cản

Những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh trong lĩnh vực STEM và công nghệ vật liệu sinh học được ghi nhận và đánh giá cao. Chị trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tài năng khoa học tiếp theo tại Việt Nam và trên toàn cầu.
[e-Magazine] Tien si Viet nhan giai TechWomen 100: Nguon cam hung pha vo rao can
 
Giải thưởng TechWomen 100 tôn vinh 100 nhà lãnh đạo nữ xuất sắc làm việc trong lĩnh vực công nghệ trên khắp Vương quốc Anh mỗi năm. Trong số hơn 1.150 đề cử năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong danh sách này.
Tiến sĩ (TS) Linh, 44 tuổi, hiện là giảng viên ngành Vật liệu sinh học tại Viện Nha khoa Eastman thuộc Đại học College London (UCL).
[e-Magazine] Tien si Viet nhan giai TechWomen 100: Nguon cam hung pha vo rao can-Hinh-2
TS Linh ban đầu theo học ngành Hóa tại Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, và tốt nghiệp năm 2003. Sau đó, chị lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc), tập trung nghiên cứu về các ứng dụng y học tái tạo.
Tiếp tục trở thành nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật Y sinh của Đại học Oxford (Anh), chị đã có đóng góp vào những tiến bộ đáng kể trong kỹ thuật y sinh và tái tạo mô.
"Trong thời gian nghiên cứu tại Oxford, tôi đã phát triển một công nghệ liên quan đến các hạt macrobead polycaprolactone có thể mở rộng để thu hoạch tế bào gốc. Phương pháp thu thập tế bào gốc sáng tạo này đã được cấp bằng sáng chế và cấp phép thành công", TS Linh chia sẻ trên trang We Are TechWomen.
Nghiên cứu cũng mang về cho TS Linh giải thưởng Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ xuất sắc của Khoa Khoa học Kỹ thuật tại Đại học Oxford năm 2017.
Từ năm 2019, Tiến sĩ Linh trở thành giảng viên về Vật liệu sinh học tại Viện Nha khoa UCL Eastman, cung cấp những bài giảng về y học nano, ứng dụng kỹ thuật y sinh và khoa học lâm sàng.
[e-Magazine] Tien si Viet nhan giai TechWomen 100: Nguon cam hung pha vo rao can-Hinh-3
Chị tiếp tục mở rộng trọng tâm nghiên cứu của mình, tập trung vào vật liệu sinh học để tái tạo mô, hệ thống phân phối thuốc và polyme phản ứng nhiệt để nhân rộng và thu hoạch tế bào gốc. Các dự án đáng chú ý của Tiến sĩ Linh bao gồm công nghệ tái tạo xương và da.
TS Linh cho biết chị đã nhận được tài trợ từ Innovate UK Biomedical Catalyst và EPSRC DTP để thực hiện nghiên cứu.
Đến nay, Tiến sĩ Linh có hơn 50 bài báo nghiên cứu được bình duyệt, hai chương sách và nắm giữ hai bằng sáng chế.
Chị cũng là biên tập viên và cố vấn cho các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực của mình như tạp chí Journal of Biomaterials Applications, Bioengineering và Materials.
Ngoài việc theo đuổi học thuật, Tiến sĩ Linh là giám đốc điều hành sáng lập của SmileScaff, một công ty khởi nghiệp về vật liệu sinh học chuyên phát triển các vật liệu tiên tiến để đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương và tái tạo mô. Mục tiêu của công ty là chuyển đổi các vật liệu sinh học tiên tiến thành các ứng dụng y tế thực tế.
Năm 2021, TS Linh được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam, hướng dẫn các nhà khoa học trẻ thông qua Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland.
[e-Magazine] Tien si Viet nhan giai TechWomen 100: Nguon cam hung pha vo rao can-Hinh-4
Là một trong số ít phụ nữ châu Á được giải thưởng TechWomen 100 vinh danh, Tiến sĩ Linh hy vọng thành tích của mình có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Trong bài phát biểu nhận giải, chị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn vinh những người phụ nữ vượt qua thử thách và rào cản để trở thành những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ.
Nữ Tiến sĩ Việt luôn quan tâm đến việc khuyến khích nhiều phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực STEM.
Trên website của Viện Nha khoa UCL Eastman, chị từng chia sẻ năm 2019: “Tại UCL Eastman, tôi muốn cung cấp các nghiên cứu có tác động lớn hơn, xây dựng mạng lưới nghiên cứu và thu hút công chúng. Tôi muốn phát triển các hệ thống công nghệ sinh học bao gồm vật liệu sinh học và thiết bị y sinh có thể di động và sử dụng tại nhà hoặc khi di chuyển.
Trong nhiều năm qua, tôi đã có thể xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp với sự tham gia của các viện quốc gia và quốc tế. Những mạng lưới như vậy không chỉ giúp tôi có được góc nhìn toàn cầu về khoa học và giáo dục mà còn tích lũy kinh nghiệm.
Tôi hy vọng tôi có thể sử dụng những kinh nghiệm này và kiến thức nghiên cứu của mình để cung cấp thông tin và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào các lĩnh vực STEM”.
Ở vai trò giảng viên và cố vấn, TS Linh luôn tận tâm giảng dạy nhằm đảm bảo rằng thế hệ các nhà khoa học tiếp theo được chuẩn bị tốt để tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực quan trọng này.
Trong tương lai, nữ Tiến sĩ đặt mục tiêu thúc đẩy đổi mới vật liệu sinh học thông qua các dự án nghiên cứu hợp tác và quan hệ đối tác giữa các học viện, cơ sở công nghiệp và lâm sàng.
Giải thưởng TechWomen 100 là sự ghi nhận xứng đáng những thành tựu và đóng góp vô giá của Tiến sĩ Linh trong việc thúc đẩy phụ nữ trong lĩnh vực STEM và công nghệ vật liệu sinh học, nâng cao sức khỏe con người trên toàn thế giới. Chị trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tài năng khoa học tiếp theo tại Việt Nam và trên toàn cầu.
[e-Magazine] Tien si Viet nhan giai TechWomen 100: Nguon cam hung pha vo rao can-Hinh-5

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu