Vì sao người làm chính sách ngại tiếp xúc với báo chí?

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề vì sao người làm chính sách ngại tiếp xúc báo chí được thảo luận sôi nổi trong tọa đàm “Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí”.

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí”. Tham dự hội thảo có ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các chuyên gia, cán bộ (RED), đại diện cơ quan báo chí.
Tọa đàm “Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí”.
Trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều vấn đề được đề cập như kỳ vọng của cơ quan hoạch định chính sách đối với nguồn tin chính sách báo chí, chủ trương và nguồn lực cả tòa soạn trong nâng cao hàm lượng chính sách, mối quan hệ giữa người làm chính sách và báo chí…
Các chuyên gia, nhà báo khẳng định báo chí là kênh quan trọng để kết nối nhà hoạch định chính sách với đối tượng thụ hưởng chính sách, phổ biến ý tưởng, dự thảo chính sách, pháp luật rộng khắp cộng đồng. Các nhà chính sách cũng dựa trên thông tin báo chí (những phản ánh tích cực, hạn chế, bất cập của chính sách) để lên kế hoạch, điều chỉnh chính sách kịp thời.
Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng bàn luận sôi nổi về mối quan hệ giữa người làm chính sách và nhà báo.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương - cho rằng, cơ quan chính sách rất quan tâm đến nguồn thông tin từ báo chí do sự phản ánh thông tin nhanh, nóng, kịp thời và bao phủ. Các thông tin báo chí có giá trị với người làm chính sách. Tuy nhiên, giữa báo chí và người làm chính sách vẫn có những rào cản trong quá trình hợp tác, trao đổi thông tin.
Ông Hải lý giải người làm chính sách ngại tiếp xúc với báo chí do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như: người làm chính sách ngại ăn nói, có vấn đề trong công việc, đã từng dính “phốt” với báo chí hay nhìn gương báo chí đối xử với người khác. Ông cho rằng người làm chính sách rất muốn báo chí có cái nhìn khách quan, phản ánh đúng sự thật, không cắt xén thông tin, “giật tít sai bản chất”. Đặc biệt, người làm báo chí cần đặt mình vào vị trí người làm chính sách.
Ngược lại, người làm báo cần sự hỗ trợ cung cấp nhiều thông tin, nâng cao hiểu biết về vấn đề đang trao đổi từ những nhà chính sách.
Ngọc Linh

Bình luận(0)