Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương tiếp tục được nêu lên tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Quốc hội và Chính phủ đều có nghị quyết về vấn đề này, nhưng nhiều nơi vẫn không dám mua gây “ách tắc”. Ngược lại, có đơn vị mua lại xảy ra sai phạm, điển hình nhất là vụ Việt Á hay sai phạm của CDC các tỉnh, thành.
|
Phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
|
Thông tin thêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, giải thích Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó có giao tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch.
Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Dự kiến trong tháng 5, Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ về chuyên đề này. “Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit test, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19”, ông Bảy tiết lộ và nhắc lại “kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5”.
Trước đó, vào tháng 1, Tổng thanh tra Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện 3 cuộc thanh tra về mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 13 đã xem xét, kết luận sai phạm của nhiều lãnh đạo liên quan vụ Việt Á, trong đó có ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN), ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) cùng Thứ trưởng là ông Nguyễn Trường Sơn.
Ngoài ra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đang cùng các bộ, ngành thanh tra việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có xử lý 12 dự án yếu kém. Đến nay, Chính phủ đang tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý sau thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng thành lập 4 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Tuy nhiên, theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ, trong tháo gỡ khó khăn có những việc rất khó, đặc biệt liên quan đến cơ chế chính sách. “Khi Thanh tra Chính phủ kết luận, rất nhiều nội dung theo quy định pháp luật hiện hành thì vi phạm, nhưng để khắc phục, tháo gỡ lại rất khó khăn”, ông Bảy nói.
Ông dẫn chứng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc trình, phê duyệt vốn đầu tư là không đúng, nhưng để thực hiện và xử lý được vi phạm đó “là cả vấn đề”.
Dẫn chứng nữa được Phó tổng Thanh tra đưa ra là việc xử lý sau thanh tra tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) cũng rất khó khăn khi vướng mắc về cơ chế chính sách.
“Thanh tra Chính phủ đã và đang làm việc, lấy ý kiến các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… để báo cáo Thủ tướng, tìm cách gỡ khó trong thực hiện kết luận sau thanh tra ở dự án này”, ông Bảy cho hay.