Trải lòng của nữ tình nguyện viên chăm sóc F0 mắc kẹt tại Sài Gòn

Google News

Thu Phương chia sẻ, người mắc COVID-19 thường rất cô đơn và tủi thân vì không có thân nhân đi cùng. Vì vậy, em xem họ như người thân của mình để chăm sóc, mỗi lúc rảnh lại tranh thủ trò chuyện, động viên.

Nguyễn Thị Thu Phương (20 tuổi) là nhân viên của một thẩm mĩ viện tại Đà Nẵng. Tháng 4 năm nay, Phương vào chi nhánh mới mở ở TP.HCM để chuyển giao công nghệ và kỹ thuật theo kế hoạch của công ty. Bất ngờ, dịch COVID-19 bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công việc của em phải tạm ngưng.

Phương sớm nghỉ học để đi làm. Suốt mấy năm nay, em đã quen với sự bận rộn, chưa bao giờ cuộc sống có khoảng lặng lâu đến thế. Sau những ngày ở nhà một mình, em quyết định làm một việc ý nghĩa hơn, đăng ký làm tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch.

Trai long cua nu tinh nguyen vien cham soc F0 mac ket tai Sai Gon

Thu Phương xem những bệnh nhân mắc COVID-19 như người thân của mình để chăm sóc.

Tháng 7, sau khi Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.HCM) thành lập, Phương góp mặt trong nhóm tình nguyện viên đợt 1 hỗ trợ nhân viên y tế. Công việc của em là chăm sóc cho bệnh nhân F0, bao gồm việc ăn uống, thay tã, lau chùi vệ sinh… Bởi trước đó chỉ trải qua 1 ngày tập huấn rồi lập tức bắt tay vào công việc, ban đầu chưa quen nên em còn bỡ ngỡ và gặp khó, nhưng chỉ vài ngày sau, mọi thứ đã vào guồng.

Khi được hỏi, em có sợ khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hay không? Phương cười xòa: “Em không sợ. Trước khi vào đây làm tình nguyện, chúng em đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19. Hơn nữa, chúng em cũng đã sẵn sàng tâm lý có thể gặp phải chuyện bất trắc ở trong này, nhưng không vì vậy mà chúng em chủ quan”.

Phương tâm sự, em xem bệnh nhân như người nhà của mình vậy. Các cụ giống ông bà, rồi các cô, dì, chú, bác… Họ vào bệnh viện đã tủi thân lắm, vì chẳng có người nhà đi cùng, nên ngoài chăm sóc cơ bản, lúc rảnh rỗi, em sẽ trò chuyện để mọi người bớt cô đơn.

Chúng tôi cũng đã chứng kiến và ấn tượng với hình ảnh cô gái nhỏ nhắn ấy đứng nắm tay cụ bà đang ngồi trên xe lăn trong ngày cụ được xuất viện. Thỉnh thoảng em lại vuốt mái tóc, chỉnh khẩu trang cho cụ, rồi trò chuyện vui vẻ. Cuối cùng, họ chia tay nhau trong lưu luyến.

Phương tiết lộ, đến nay đã gần tròn 3 tháng em tham gia tình nguyện ở bệnh viện, có một số bệnh nhân, thân nhân thỉnh thoảng vẫn nhắn tinh hỏi thăm tình hình sức khỏe khiến em vô cùng cảm động. Điều cô gái trẻ khó chấp nhận nhất trong thời gian qua là chứng kiến bệnh nhân mình chăm sóc không qua khỏi.

“Có một cô em tưởng rằng sẽ ổn, nhưng rồi bệnh trở nặng nhanh quá, cô mất mà lòng em ngổn ngang. Thương cô và thương cả gia đình cô, trước đó, họ hi vọng nhiều lắm”, Phương trải lòng.

Trai long cua nu tinh nguyen vien cham soc F0 mac ket tai Sai Gon-Hinh-2

Suốt khoảng thời gian cụ bà chờ xe để về nhà, Phương (bên trái) luôn nắm tay và trò chuyện để cụ bớt hồi hộp, lo lắng.

Gần 3 tháng ở bệnh viện, cô gái trẻ đối mặt với nhiều mất mát, nhưng em càng nhớ hơn những lần được tiễn bệnh nhân khỏe mạnh về nhà. Đó là niềm hạnh phúc chẳng gì đánh đổi được. Và nhờ những ngày cận kề bệnh nhân đang đấu tranh giữa lằn ranh sinh tử, Phương nhận ra rằng cần phải sống chậm và nghĩ về gia đình nhiều hơn. Số lần em gọi điện về quê cho cha mẹ cũng nhiều hơn.

Sắp tới, Phương sẽ kết thúc hoạt động tình nguyện, sau 3 đợt đăng ký liên tiếp. Em dự định quay trở lại với công việc và cuộc sống hằng ngày. Đối với Phương, khoảng thời gian vừa qua đã để lại nhiều cảm xúc khó quên, cũng là khoảng thời gian em cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

 

Theo Khánh Hoà/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)