Thận trọng với những chiêu giảm giá cuối năm

Google News

Nâng giá để rồi giảm giá, treo biển giảm giá khủng nhưng thực chất chỉ để câu khách…là những việc vẫn diễn ra vào dịp khuyến mại cuối năm nay. Người tiêu dùng phải thật tỉnh táo để tránh mua phải các sản phẩm giảm giá ảo.

Nâng giá để rồi giảm giá, treo biển giảm giá khủng nhưng thực chất chỉ để câu khách… là những việc vẫn diễn ra vào dịp khuyến mại cuối năm nay. Người tiêu dùng phải thật tỉnh táo để tránh mua phải các sản phẩm giảm giá "ảo".

Thời điểm này, đi dọc các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đâu đâu cũng có thể bắt gặp được hình ảnh của những tấm biển giảm giá, siêu giảm giá bắt mắt như "Giảm giá sập sàn", "Giảm giá xuyên ngày đêm", "Sale of 50-70%", "Đồng giá 99k"… nhằm thu hút sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thời trang như quần áo, túi xách, giày dép.

Các siêu thị, cửa hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mại dịp cuối năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá đúng theo quy định vẫn xuất hiện các cửa hàng giảm giá "ảo", giảm giá các mặt hàng đã bị lỗi, chất lượng thấp hoặc lỗi mốt, hàng tồn kho. Những mẫu hàng ưng ý khách hàng thì hầu hết không còn size và được tư vấn sang các mẫu khác nhưng không giảm giá.

Chị Nguyễn Thanh Hòa, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do có nhiều chương trình giảm giá được quảng cáo rầm rộ đặc biệt trong tháng 11/2022, nên chị cùng cả gia đình đi mua sắm tại một trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu. Sau khi nhìn thấy tấm biển quảng cáo giảm giá đến 70% tại một cửa hàng túi xách cao cấp, chị Hòa hào hứng vào xem hàng. Chỉ vào chiếc túi xách đang nằm trên kệ, chị Hòa được nhân viên tư vấn cho biết sản phẩm này được giảm giá lên đến 60%.

"Nhìn bên ngoài chiếc túi đó có màu sắc khá tối, cũng không còn hợp mốt so với năm nay. Khi tôi hỏi giá, chủ cửa hàng lấy từ trong chiếc túi ra một mảnh giấy được ghi giá niêm yết, giá giảm bằng tay rất sơ sài. Nhân viên cho biết, chiếc túi có giá ban đầu là hơn 14 triệu đồng, giảm giá 60% còn hơn 6 triệu đồng. Rõ ràng, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy đây là chiếc túi đã lỗi mốt, màu cũ kỹ, dù có giảm giá đến 60% vẫn không xứng đáng.

Theo tôi nghĩ, cửa hàng đã tự nâng giá lên để rồi giảm giá", chị Hòa chia sẻ. Còn chị Hoài Thương, trú quận Tây Hồ, Hà Nội thì cho hay, tranh thủ tháng khuyến mãi, chị đi tìm mua ít quần áo cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, phần nhiều các sản phẩm giảm giá tại cửa hàng đều là hàng tồn từ năm ngoái trong kho, khi treo lên kệ vẫn còn nhăn nhúm, màu sắc mờ nhạt hoặc size quá to. Loại hàng hóa giảm giá cũng chiếm số lượng rất ít trong cửa hàng so với hàng mới.

Hưởng ứng chương trình khuyến mại cuối năm kích cầu tiêu dùng, rất nhiều cửa hàng điện máy trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hút khách như "5 ngày đen tối rẻ vô đối", "giá rẻ mê ly quà tặng như ý", "giảm giá sập sàn"… Tuy nhiên, không ít khách hàng tinh ý nhận ra có những sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị điện máy đã giảm giá đến 20%, 30% vẫn đắt hơn so với giá tại các cửa hàng bên ngoài. Như anh Trần Hoài An, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngày 27/11, gia đình anh đi xem chiếc máy giặt nhãn hiệu Electrolux 8kg EWF8024P5SB tại một siêu thị điện máy.

Giá niêm yết của sản phẩm này là 12.800.000 đồng, sau khi giảm giá 29% chỉ còn 8.990.000 đồng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm mua hàng giảm giá nhiều năm, anh An đã tham khảo giá chiếc máy giặt Electrolux cùng nhãn hiệu này tại một cửa hàng điện máy trên quận Hà Đông, Hà Nội thì biết được giá của chiếc máy giặt này chưa hề giảm chỉ có giá 8.950.000 đồng. "Không hiểu sao đã giảm giá lại cao hơn so với giá tại cửa hàng điện máy bên ngoài. Liệu chương trình giảm giá này có đi vào thực chất hay chỉ là chiêu trò để hút khách", anh An thắc mắc.

Còn anh Nguyễn Mạnh Hùng thì cho biết, cũng vào ngày 27/11, theo quảng cáo, siêu thị điện máy Mediamart tại Phạm Hùng, Hà Nội có quảng cáo giảm giá sản phẩm đến 70%. Háo hức đến tìm các sản phẩm giảm giá mạnh như vậy để mua thế nhưng đi hết cả siêu thị cũng không có sản phẩm nào giảm giá đến 70%. Đem thắc mắc này hỏi nhân viên bán hàng thì họ cho biết không phải cơ sở nào cũng có sản phẩm giảm giá 70%. "Thế chẳng phải là "treo đầu dê, bán thịt chó", khuyến mại không đúng quảng cáo", anh Hùng cho biết.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù, được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60% đến 70% rồi giảm giá 30% đến 50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.

Giảm giá, khuyến mại được xem là giải pháp để kích thích sức mua. Tuy nhiên, để các chương trình giảm giá khuyến mại đi vào thực chất, các đơn vị kinh doanh cần phải đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giảm giá, tránh tình trạng nâng giá rồi giảm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử phạt với trường hợp vi phạm quy định về khuyến mại, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo Nguyễn Hương/Công an nhân dân

>> xem thêm

Bình luận(0)