Những vụ trao nhầm con qua lời kể của Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN

Google News

15 năm qua, một trung tâm xét nghiệm ADN tại Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trao nhầm con ở bệnh viện.


Là một trong những trung tâm xét nghiệm ADN ra đời sớm nhất ở Việt Nam, 1 tháng, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) của Ths Nguyễn Thị Nga tiếp nhận khoảng 200 lượt khách có nhu cần phân tích, kết luận về ADN.
“Đa phần những ca phân tích ADN nhằm mục đích tìm lại, xác định nhân thân gia đình, bố mẹ con ruột. Trong đó, 15 năm qua, chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 10 ca là do sơ suất, trao nhầm con từ phía bệnh viện”, bà Nga cho biết.
Người đứng đầu trung tâm xét nghiệm ADN này kể lại cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hy hữu nhưng cũng đầy chua xót. Trong đó, đáng nhớ và nổi tiếng nhất là câu chuyện tìm thấy con ruột sau 42 năm trao nhầm ở nhà hộ sinh.
Tháng 3.2016, câu chuyện hy hữu về việc nhầm con của một gia đình trên phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) được báo chí đưa tin.
Theo đó, chị Tạ Thị Thu Trang chào đời ngày 10.10.1974 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội). Chị được nữ hộ sinh viết số 32 ở đùi.
Ths Nguyễn Thị Nga, giám đốc trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) trao đổi với PV Báo Lao Động. 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cũng sinh một bé gái cùng thời điểm trên, đứa trẻ được đánh số 33 ở chân. Tuy nhiên, khi bà nhận con, nữ hộ sinh trao cho bà em bé Tạ Thị Thu Trang (số 32). Kết quả giám định ADN sau này cũng cho thấy chị Trang không phải con gái đẻ của bà Hạnh.
“Lần tìm từ những thông tin về câu chuyện của gia đình bà Hạnh trên báo chí, chúng tôi được biết bà Hạnh chính là vị khách đã đến xét nghiệm ADN tại trung tâm thời điểm trước đó”, Ths Nguyễn Thị Nga kể. “Mẫu tóc bà Hạnh mang đến trung tâm xét nghiệm là của chị Trang”.
Lúc biết kết quả, bà Hạnh đã khóc òa, bà nói: “Không ngờ đứa con ruột đã tuột khỏi tay tôi từ khi mới lọt lòng”.
Sau đó, từ những thông tin đăng tải trên báo chí, gia đình bà Hạnh nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ tên Đặng Thị Dần (Đông Anh, Hà Nội). Chị Dần cho biết, chị là người sinh cùng nơi, cùng năm, cùng tháng, cùng ngày với chị Trang.
Tại gia đình chị Dần, mọi người cũng đều ngạc nhiên khi chị Trang và chị Ngọ (em gái chị Dần) giống nhau như 2 giọt nước. Bố của chị Dần là ông Được, lúc ấy nói với chị Trang: “Con đúng là con gái của bố rồi”.
“Tuy vậy, qua quá trình làm các xét nghiệm, phân tích ADN tại trung tâm, chúng tôi xác định chị Trang không phải con ruột ông Được và chị Dần cũng không phải con đẻ của bà Hạnh”, Ths Nguyễn Thị Nga kể lại.
Một thời gian sau đó, gia đình bà Hạnh đã tìm lại được con ruột của mình và chị Trang cũng đã tìm lại được bố mẹ ruột sau tròn 42 năm xa cách.
“Mỗi lần làm xét nghiệm giúp các gia đình tìm lại nhân thân đối với chúng tôi là một kỷ niệm, câu chuyện xúc động và sự đồng cảm”, bà Nga chia sẻ.
Giám đốc trung tâm VGAT cũng cho rằng, các bệnh viện nên công nghệ hóa quy trình quản lý các cháu bé sau khi sinh nở để tránh những trường hợp đáng tiếc như vụ việc trên và vụ trao nhầm con ở bệnh viện Ba Vì mới đây.
Theo TRẦN TUẤN - HÀ PHƯƠNG/Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)