Những cái kết buồn ở thôn "sống dưới đáy biển"

Google News

Mỗi chuyến ra khơi khi trở về có “dắt lưng” tiền triệu đã cuốn hàng trăm dân chài lần mò dưới đáy đại dương để tìm sản vật. 

Thôn Xuân Hòa (Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã thực sự nổi tiếng với nghề thợ lặn dưới đáy đại dương.
Thợ lặn vẫn luôn ra khơi bám biển 
Đánh đổi!
Với người dân Lộc Hà biển là “bạc”, từ thời ông cha cũng đã gắn với nghề biển, đến đời con cũng vậy. Mỗi vùng quê để lại một danh tiếng riêng, thôn Xuân Hòa có “tỷ” thợ lặn – nghĩa là làng có nhiều thợ lặn.
Thôn sống dưới đáy biển nằm sát bờ biển, 90% dân theo nghề biển, dân cư dày đặc và khá sầm uất. Những ngôi nhà cao tầng nằm liền kề, đường làng ngõ xóm bê tông thẳng tắp, sạch bóng.
Ở đây, cái tên Trần Công Quế (SN 1967) dường như không xa lạ - một thợ lặn lâu năm ở thôn này. Kể về chồng, vợ ông bà Trần Thị Ái nói, “Ông nhà tôi, thợ lặn mấy chục năm có lẻ rồi. Giờ thì nghỉ vì sức khỏe yếu, tai nặng. Có thuyền lớn rồi nên giờ chỉ thuê thợ chứ ông ấy không ra biển nữa”.
“Tre già măng mọc”, người già nghỉ thì có thế hệ trẻ nối tiếp. Ở đây, nhà nào có đàn ông là có thợ lặn. Nó giống như trẻ lớn lên thì phải đi học, còn làng tôi đàn ông lớn lên thì phải biết lặn biển kiếm sống” – bà già Ái ví von.
Phong trào lặn biển của làng khá thịnh hành. Có từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà ông Quế và hàng chục thanh niên trai tráng lặn lội vào vùng biển Bình Thuận mò lặn dưới đáy đại dương để mưu sinh. Họ xem như cần câu cơm mở ra cơ hội đổi đời. Chính nghề này đã thay đổi một vùng quê vốn dĩ èo ọp trở nên khang trang.
“Sinh nghề tử nghiệp”. Theo như ông Quế ví “khi đi trai tráng, khi về tật nguyền”. Đây có lẽ là cái kết buồn của ông Quế và bao nhiêu trai làng. Nghề lặn giúp ông kiếm ra tiền triệu mỗi ngày nhưng cũng cướp đi vốn liếng quý giá nhất của đời người, đó là sức khỏe.
“Thôn Xuân Hòa có trên 200 người theo nghề lặn, chủ yếu là thanh niên trai tráng. Nghề lặn mang lại thu nhập cao, nhưng cũng để lại nhiều hậu quả. Nghề này đã không gặp tai nạn thì thôi chứ gặp thì một là mang thương tật suốt đời, hai là bỏ mạng” – ông Trần Công Tiến, xóm trưởng thôn Xuân Hòa cho biết.
“Vào năm 1996, có lần tôi lặn sâu quá, bị áp lực nước lâu khiến máu không lưu thông được, nó ép cho tê người rồi đẩy lên màng nhĩ nên bây giờ bị lãng tai thế này đây. Rồi một thời gian tôi phải ngồi xe lăn, lê lết đến các bệnh viện từ Bắc vào Nam, uống hết thuốc ta đến thuốc tây để chữa đôi chân tật nguyền do nghề lặn mà ra. Đến bây giờ tôi cũng không biết nhờ thuốc gì để lành bệnh vì uống nhiều loại quá. Số tôi cũng đỏ, chứ ở làng này có nhiều người còn bỏ mạng dưới đáy biển, có người không tìm thấy xác nữa ấy chứ”, giọng nói của ông Quế to khác thường.
Minh chứng cho tai nạn nghề lặn biển, ông Trần Hữu Sơn (SN 1966) với đôi chân đi khập khiễng. Nay, ông đã “gác kiếm” nhưng di chứng của vụ tai nạn khi ông lặn ở vùng biển tỉnh Bình Thuận đã khiến đôi chân lành lặn đã không còn.
Ông kể, ngày đó những năm 2000, tôi thợ lặn nức danh, bao nhiêu chủ thuyền lớn đều thuê, ngày kiếm 1 triệu bạc là chuyện thường. Thế nhưng, cái giá cho nghề cũng không nhỏ, tôi bị tai nạn nhiều trong những đợt lặn mình xuống đáy đại dương bắt sản vật. Trời thương nên chân còn tập tễnh mà bước, chứ cái nghề này về già nằm một chỗ như chơi.
Trong đợt sự cố môi trường biển vừa qua tại Hà Tĩnh, dù nhiều ngư dân nhận thức biển ô nhiễm nhưng do muốn bám biển, muốn duy trì nghề nghiệp, kiếm nguồn sống mà nhiều thợ lặn vẫn ra khơi.
Công cụ cho thợ lặn dưới đáy đại dương 
Câu chuyện đau lòng về người thợ lặn Trần Viết Thuật (thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng) vừa xảy ra cách đây chưa đầy một năm vẫn còn khiến nhiều người tiếc nuối. Ngày giấy báo trúng tuyển đậu ĐH mỏ địa chất, cậu cứ văn vo cầm tờ giấy với niềm sung sướng, nhưng chỉ ít ngày sau đó, nhìn lại gia đình nghèo khó, Thuật bật tỉnh…
Thuật nói, sự cố môi trường có lẽ không một người dân vùng biển nào mong muốn. Gia đình lúc này, dường như nghỉ hẳn nghề biển, nếu vậy thì lấy gì mà sống. Thuật phải bỏ mơ ước giảng đường để ở nhà làm thuê giúp bố mẹ. Cậu làm đủ nghề từ thợ hồ, đến bốc vác, miễn là có tiền, duy trì sự sống trong năm môi trường biển biến động.
Cuộc đời chả mượt như trang giấy mới, một năm sau sự cố môi trường, để vươn khơi, trai làng vùng Xuân Hòa lại nô nức đi biển. Thuật theo đàn anh trong thôn đi lặn tại khu vực cửa biển Lạch Kèn (thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cậu gặp sự cố khiến vòi ôxy bị ngập dẫn đến bị ngạt thở và tử vong!
Đến ông chủ
Ngôi làng Xuân Hòa từ đầu năm 2017 lại đây trở nên sầm uất hẳn, không còn hiện tượng tụ tập cờ bạc, kiện tụng về sự cố môi trường, thay vào đó trai gái, già trẻ đều chăm chỉ làm việc, ra khơi kiếm con cá, con tôm về bán, kiếm tiền. Người dân cũng hồ hơi, chúng tôi dường như đã quên đi sự cố môi trường, giờ chỉ nghĩ sao làm ăn kiếm tiền chăm lo gia đình.
Trong cuộc trò chuyện tại nhà riêng anh Trần Công Hòa (SN 1975) – chủ chiếc tàu 24 CV chia sẻ: Tôi cũng như nhiều người trong làng làng Xuân Hòa sau nhiều năm hành nghề thợ lặn, có được đồng vốn kha khá cộng thêm chế độ chính sách cho vay của Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển nên có ít tiền để đóng tàu ra khơi.
 Một chuyến ra khơi của tàu anh Trần Công Hòa đã thu về bội thu hải sản
“Vốn dĩ là nghề thợ lặn, dù có tàu riêng, chủ tàu nhưng tôi vẫn phải thuê thêm chục thợ lặn giỏi để đi thuyền. Ra khơi ngoài ùng chài lưới đánh bắt hải sản, thì cần lặn biển để bắt san hô hay bất cứ sản vật gì, miễn là hái ra tiền” – ông Hòa nói.
Lãnh đạo xã Thạch Bằng cho biết, “Đến nay, Xuân Hòa đã có trên 50 chiếc thuyền từ 16 – 350 CV, hầu hết họ đều thuê thợ lặn từ Cẩm Xuyên, Kỳ Anh hoặc ở các tỉnh khác vào. Mỗi ngày họ kiếm được 500 – 1 triệu đồng, ngày may mắn có khi kiếm được vài ba triệu đồng”.
Để bám biển, phát triển nghề, trước đây làng chài Xuân Hòa chủ yếu vào Bình Thuận lặn thuê cho các chủ ghe. Sau sự cố môi trường biển, nhiều người về quê sắm thuyền rồi thuê thợ lặn riêng. Mỗi tàu cần khoảng 10 thợ, thông thường chủ tàu trực phía trên còn thợ làm thuê lặn xuống biển. Trên tàu có máy bơm khí ô xy và ống dẫn khí cho thợ lặn ngậm vào miệng. Trước khi nhảy xuống biển, mỗi thợ lặn phải đeo vào thắt lưng một khối chì nặng từ 15 - 20kg để kéo người xuống đáy đại dương, tay cầm một cái cào bằng sắt, trên cổ được tròng cái túi đựng sò trông giống như một cái vợt, khi đựng đầy có trọng lượng trên dưới 50kg.
Niềm vui cũng đến với ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi trở về. Hải sản thu được sau mỗi chuyến ngụp lặn dưới đáy biển chủ yếu là sò chang chang, hàu lụa, cua…Đây là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu với giá cao luôn được các đầu nậu thu mua ngay khi tàu vừa cập bến.
Mỗi chuyến đi biển về thông thường chủ tàu được hưởng 40%, thợ lặn 60%, có nơi lại chia theo tỷ lệ 50/50. Một ngày người thợ lặn chăm chỉ cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng, những hôm gặp luồng có ngày được vài ba triệu đồng.
Dù biết, nghề lặn biển hái ra tiền nhưng người dân trong làng vẫn mong muốn con cái họ cố gắng học hành để kiếm việc khác…
Theo Trương Hoa/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)