Người vợ 38 năm tìm công lý cho thiếu uý Lữ Anh Dồi

Google News

Trước mộ liệt sĩ Lữ Anh Dồi, bà Mai cắt máu tay thề rằng sẽ tìm công lý cho chồng.

Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Mai (ở Cà Mau, là vợ liệt sĩ Lữ Anh Dồi) cho biết những ngày qua cựu giáo viên này rất vui khi chồng được Thủ tướng truy tặng bằng Tổ quốc ghi công. Đây là điều mà gia đình mong ước hàng chục năm, giờ trở thành hiện thực nên bà Mai rất mãn nguyện.
"Quyền lợi chính trị của anh đã được phục hồi, tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước. Nếu không có các vị lãnh đạo nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật thì mọi việc không tới đâu. Nếu không có các bạn soi đường tôi đi và động viên thì không biết tôi còn sống hay không. Các bạn đã cứu giúp tôi vượt qua mọi thảm cảnh của cuộc đời", bà Mai chia sẻ.
Cắt tay lấy máu trước mộ chồng
Theo bà Mai, đầu năm 1979, bà sinh con nhưng đứa bé chào đời không giữ được. Lúc này, vợ chồng bà sống tại khu tập thể trường Trung học sư phạm Minh Hải ở thị xã Bạc Liêu, ông Dồi đóng quân tại biển Nhà Mát nên vài tuần mới về thăm vợ.
Nguoi vo 38 nam tim cong ly cho thieu uy Lu Anh Doi
Bà Mai và chồng - liệt sĩ Lữ Anh Dồi trong ngày cưới. Ảnh: Tư liệu Báo Minh Hải. 
Ngày 28/3/1979, khi đang loay hoay với sách vở trong thư viện của trường thì bà Mai được cô bạn báo tin chồng bị bắn chết. Người vợ sau đó đón xe xuống Hộ Phòng và được người dân kể lại mọi chuyện.
Đó là lúc thiếu uý Lữ Anh Dồi với một đồng đội đi uống cà phê về đến vựa thủy sản. Lợi dụng lúc thiếu úy công an vũ trang không để ý, viên chuẩn úy rút súng bắn đồng đội nhiều phát khiến ông gục chết.
Chỉ huy trưởng Công an vũ trang Minh Hải lúc đó là trung tá Nguyễn Ngọc (Phó ty công an) xuất hiện. Ông ta chỉ đạo cho một nhóm người xông vào lột quân phục trên người thiếu uý Dồi, rồi đưa ông xuống mé sông đầy sình lầy, cây dại để chôn tạm bợ, khép tội cho người chết là "phản quốc".
Sau khi nghe lại câu chuyện từ người dân, bà Mai lội bùn tìm chồng và gặp mô đất cao cao, được chôn lấp bởi đám cây dại. Cùng người dân đào bới đám cây ra, người vợ nhận ra thi thể chồng nằm co quắp, trên mình độc một chiếc quần ngắn, mặt vẫn còn nguyên nét kinh hoàng.
Không tin chồng phản bội tổ quốc, nữ giáo viên sư phạm quê xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau) tìm gặp lãnh đạo Ty Công an Minh Hải.
Lúc gặp trung tá Ngọc, bà chất vấn: "Nếu chồng tôi phải bội tổ quốc, lại cấu kết với quân giặc thì tại sao các ông không bắt chồng tôi lại để khai thác thêm. Trái lai, cái chết của chồng tôi lại xảy ra bất ngờ và đầy mâu thuẫn như thế. Hơn nữa, dù sao chồng tôi cũng đã chết, các ông không thể chôn cất chồng tôi sơ sài như một con vật như vậy được".
Tại đây, Nguyễn Ngọc trả lời rằng: "Thằng Dồi phản bội tổ quốc, tổ chức vượt biên, đến cuối cùng bị phát hiện vẫn ngoan cố chống đối, nó bị bắn chết là phải rồi. Có gì nữa đâu mà cô phải thắc mắc".
Câu trả lời của ông Ngọc càng khiến bà Mai nghi ngờ cái chết của chồng mình có nhiều điều mờ ám. Cũng theo bà, trong thời gian quen biết rồi nên duyên chồng vợ, bà chưa một lần nghe ông Dồi có ý định vượt biên hay biểu hiện gì bất thường.
Chồng mất, bà Mai sống trong nước mắt và liên tục gõ cửa những cơ quan cấp tỉnh để tìm câu trả lời rõ ràng hơn cho cái chết của ông Dồi. Thấy bà Mai suy sụp, nhiều bạn bè, đồng nghiệp động viên bà cố gắng vượt qua.
Nguoi vo 38 nam tim cong ly cho thieu uy Lu Anh Doi-Hinh-2
Thái Văn Hùng, kẻ bắn chết Lữ Anh Dồi. Ảnh tư liệu: Báo Minh Hải. 
Giữa tâm trạng rối bời, bà Mai sực nhớ ra nơi chồng yên nghỉ quá tồi tệ. Vậy là bà lên đường xuống Hộ Phòng nhưng lúc đó ông Ngọc đã cho người đào thi thể của Lữ Anh Dồi lên để an táng lại.
Trước mộ chồng, bà Mai dùng dao lam rạch vào cánh tay trái. Máu nhỏ xuống, bà thề với chồng sẽ đi tìm công lý với bất cứ giá nào.
Gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
Với "thành tích" tiêu diệt kẻ phản quốc, Nguyễn Ngọc được thăng hàm thượng tá, lên Bộ Nội vụ làm việc. Thái Văn Hùng được thăng hàm chuẩn úy lên trung úy.
Nửa năm sau, Hùng bị bắt tạm giam để điều tra việc bắn chết Lữ Anh Dồi. Lúc này, Nguyễn Ngọc công tác tại Bộ Nội vụ và đi học nước ngoài nên vụ án tưởng chừng như rơi vào ngõ cụt.
Năm 1988, sau một thời gian nghe ngóng, nhà báo trẻ Dương Thanh Long ở báo Minh Hải biết được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có sinh sống ở Sài Gòn. Biết được địa chỉ, ông Long bàn với bà Mai và một người bạn đi tìm Tổng bí thư.
Lên đến Sài Gòn, họ nhờ người quen giúp đỡ nhưng chờ đợi suốt nhiều tuần mà không có kết quả, cả ba người lại trở về Minh Hải. Về nhà nhưng bà Mai vẫn suy nghĩ bằng mọi giá phải gặp được người lãnh đạo cao nhất để kêu oan cho chồng.
Khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh công tác ở Cà Mau, ông Long hay tin nên báo cho bà Mai và tìm cách đưa người phụ nữ vào UBND tỉnh Minh Hải bằng cổng sau. Tuy nhiên, vừa đến hội trường làm việc thì người vợ ôm di ảnh chồng đã bị cảnh vệ chặn lại và đưa ra ngoài.
Trở về nhà, bà Mai vẫn luôn tìm cách để được gặp Tổng bí thư. Điều bất ngờ sau đó 3 ngày là sự xuất hiện của chiếc ôtô trước nhà bà Mai. Công an thông báo Tổng bí thư cho gọi bà đến gặp. Tại đây, nỗi lòng của người vợ mất chồng 9 năm và chuyện oan khuất của Lữ Anh Dồi được bà Mai kể hết với vị lãnh đạo cao nhất.
Nguoi vo 38 nam tim cong ly cho thieu uy Lu Anh Doi-Hinh-3
Bà Mai nhận bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ truy tặng cho liệt sĩ Lữ Anh Dồi. Ảnh: CTV. 
Ngày 12/8/1988, vụ án Lữ Anh Dồi bị sát hại được Tòa án quân sự Quân khu 9 xét xử tại thị xã Cà Mau. HĐXX sơ thẩm sau đó tuyên Thái Văn Hùng tù chung thân vì tội Giết người; Nguyễn Ngọc (tức Nguyễn Văn Thụ) 18 năm tù (Giết người 15 năm, 3 năm tội Vu khống). Một năm sau, Tòa án quân sự Trung ương xử phúc thẩm, giảm án cho Hùng còn 18 năm; Nguyễn Ngọc 20 năm tù vì tội Giết người và Vu khống.
Vụ án kết thúc, Lữ Anh Dồi được minh oan nhưng quyền lợi chính trị không được phục hồi nên bà Mai tiếp tục cuộc hành trình thứ hai. Đều đặn mỗi năm bà đến cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương vài lần để gửi đơn và hỏi thăm kết quả xem xét công nhận liệt sĩ cho chồng.
"Tháng tư năm nay, các anh bên Bộ đội Biên phòng, Công an và Sở Nội vụ Cà Mau đã gặp tôi. Anh em nhiệt tình làm hồ sơ công nhận anh Dồi là liệt sĩ và giải quyết chế độ chính sách. Giờ đây, anh ấy đã là liệt sĩ, tôi mãn nguyện lắm rồi, chế độ thì chưa biết kết quả ra sao", cựu giáo viên ngoài 60 tuổi nói.
Theo bà Mai, danh dự của liệt sĩ Lữ Anh Dồi đã được phục hồi hoàn toàn nên tâm nguyện duy nhất của bà là còn sống ngày nào thì sẽ tìm cách đi thăm từng người ân đã giúp đỡ mình.
Theo Việt Tường - Tuấn Anh/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)