Người đàn bà tật nguyền vượt lên số phận bằng đôi chân kì diệu

Google News

Từ cơm nước, giặt giũ, tắm rửa ... cho đến quét sân, nhặt rau, tất cả đều được bà Hồ Thị Quế (xã Ninh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) thực hiện bằng đôi chân “đặc biệt” của mình.

Tuổi thơ bất hạnh
Tìm về thôn Đồng Hy (xã Ninh Hòa, huyện Ninh Giang, Hải Dương), hỏi thăm nhà bà Hồ Thị Quế thì người dân nơi đây không ai là không biết. Vừa chỉ đường cho chúng tôi, bác Nguyễn Văn Tiến – một người địa phương vừa cho biết: “Bà Quế (hay còn gọi là bà khoèo) là một trong những đối tượng chính sách của địa phương. Bản thân bà nằm trong diện hộ nghèo và diện người khuyết tật nặng, lại có tuổi và sống một mình nên địa phương đặc biệt lưu tâm”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, rộng chừng chục mét vuông là người đàn bà với nước da ngăm đen, khuôn mặt khắc khổ nhưng lúc nào cũng nở nụ cười đầy thân thiện. Ngôi nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp mà nếu nhìn qua, không ai nghĩ đây là nơi ở của một người bị khuyết tật đôi tay bẩm sinh.
Nguoi dan ba tat nguyen vuot len so phan bang doi chan ki dieu
 Bà Hồ Thị Quế có thể tự làm mọi việc
Sinh ra là em út trong một gia đình có 5 anh chị em nhưng số phận không hề mỉm cười với bà Quế. Căn bệnh bại liệt quái ác đã biến đôi tay của bà thành vô dụng và biến bà thành gánh nặng của gia đình cũng như anh chị em. “Trong khi chúng bạn cùng trang lứa được đi học, đi chơi thì tôi chỉ biết ngồi nhà, đợi mẹ và các chị bế bồng, bón cho tôi ăn, tắm rửa vệ sinh, thay quần áo cho tôi ... tôi không thể tự làm bất cứ việc gì của một người bình thường” - Bà Quế bắt đầu câu chuyện của mình.
Trải qua tuổi thơ đầy những lời dè bỉu, những câu nói khinh bỉ, cay độc của bạn bè, của những người xấu tính đã trở thành một cú sốc lớn với một đứa trẻ chưa biết gì. “Rất nhiều lần tôi thấy mình cơ cực quá, vừa là gánh nặng cho bố mẹ, anh em vừa trở thành đề tài bàn tán, chê cười của lũ bạn và người đời. Khóc mãi rồi cũng phải nín, xấu hổ mãi rồi cũng đến lúc chai sạn. Có thời tôi sợ cả những lời bàn tán không đâu. Chỉ thấy vài người hoặc vài đứa bạn túm năm tụm ba lại thì thào là tôi thấy sợ. Sợ họ nói về mình, sợ họ chê cười mình. Tủi thân vô cùng” - bà Quế chia sẻ.
Cũng chính vì những lời dị nghị, cộng thêm đôi tay tật nguyền nên cho đến giờ, bà không biết chữ, cũng chẳng biết đếm số. Mọi giao dịch, mua bán chủ yếu dựa vào lòng tin của làng trên xóm dưới. Bà Quế hóm hỉnh: “Giờ người ta thấy mình già yếu, lại khổ cực nên chắc chẳng ai nỡ lòng nào là lừa mình đâu”. Ấy nhưng ẩn trong vóc dáng nhỏ bé, khắc khổ của người đàn bà này là một nghị lực phi thường.
Đôi chân kì diệu vượt lên số phận
Có lẽ cuộc đời bà Quế sẽ mãi là một bi kịch nếu không có một biến cố lớn xảy trong đời. Bà bồi hồi kể lại: “Tới năm 16 – 17 tuổi tôi vẫn chưa biết đi. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào các anh chị. Căn bệnh bại liệt nó quái ác như vậy đấy. Tôi đã lớn và ý thức được ghánh nặng mà mình đem lại cho gia đình, anh chị. Một lần chị gái đưa tôi đi tắm nhưng tôi không chịu. Sau đó tôi cố bò đi xem mình có lo liệu nổi không. Ai ngờ, người ngợm bẩn bê bết khiến mẹ tôi về mắng chị gái tôi một trận ỏm tỏi. Lúc đó tôi hạ quyết tâm phải chiến thắng số phận, chiến thắng chính mình”.
Nghĩ là làm, từ đó bà bắt đầu tập đi như một đứa trẻ. Thời gian đầu gian khó, đôi chân yếu ớt nên công việc vất vả gấp bội phần. Nhưng dần dần, cùng với nghị lực phi thường, bà đi lại được như người bình thường. Cũng từ đó, bà bắt đầu rèn luyện đôi chân để có thể tự lo liệu trong sinh hoạt hàng ngày cho mình. Sau mấy chục năm rèn luyện, giờ đây nhìn bà Quế sử dụng đôi chân giống hệt đôi tay, ai cũng phải ngỡ ngàng và thán phục.
Để chứng minh cho chúng tôi, bà Quế đã trực tiếp làm những công việc hàng ngày như: vớt bèo, quét sân, nhặt rau, nấu cơm, dọn dẹp vườn tược … Những công việc hàng ngày, sinh hoạt cá nhân đều được bà thực hiện rất thuần thục.
Bà kể: “Nếu mình không cố gắng, lẽ nào cứ như cục thịt thừa nằm ăn hại con cháu hay sao. Đó là động lực lớn nhất để tôi phấn đấu chiến thắng số phận. Ban đầu đi lại được tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi. Giờ lại tự lo liệu được cho bản thân, không phải phiền đến ai là tôi mãn nguyện lắm”.
Chia sẻ về những nguyện vọng của mình cũng như nhắn gửi tới những người có số phận không may mắn trong xã hội, bà Quế tâm sự: “Nếu sau này già yếu đi, không còn làm việc được nữa lúc đấy tôi sẽ về nhà cháu mình để nó chăm sóc, còn giờ tôi vẫn khỏe mạnh, không ốm đau gì nên tôi không muốn làm phiền chúng nó. Trong một thời gian dài, tôi từng nghĩ số phận mình như vậy coi như vứt đi rồi. Cứ mỗi lần nghĩ về tương lai xám xịt, lê lết thân tàn là mỗi lần tôi rơi nước mắt. Thế nhưng nhờ giời, nhờ vào nỗ lực cá nhân, giờ đây tôi tự nhận mình có cuộc sống không đến nỗi tệ. Ai cũng có ước mơ của mình và ai cũng có thể thực hiện giấc mơ đó. Với nhiều người, mình tự lo được cho bản thân, đó cũng là cách góp sức cho xã hội rồi”.
Theo Lê Thắng - Phạm Văn/ Tài nguyên môi trường

>> xem thêm

Bình luận(0)