Sau hai bài viết liên quan đến nghi trục lợi bảo hiểm ở Sơn La mà Kiến Thức đã phản ánh, phóng viên tiếp tục liên hệ với Giám đốc BHXH tỉnh để làm rõ những nghi vấn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La cho biết: “Sự việc này chúng tôi cũng đã phát hiện từ Quý I/2019, cụ thể là từ đầu tháng 4 đã phát hiện rồi, bởi số phát sinh rất là lớn trong quý I.
Sau khi phát hiện những “dấu hiệu” BHXH Sơn La cũng đã làm việc, trao đổi trực tiếp với các cơ sở y tế, sau đó chúng tôi báo cáo với BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La."
Ông Thành nói thêm: "Đồng thời có những động thái rất quyết liệt nhằm ngăn chặn hiện tượng lạm dụng tại 2 đơn vị khám chữa bệnh là Bệnh viện phục hồi chức năng và Y dược cổ truyền tỉnh Sơn La.
Chủ động tiến hành xác minh tại một số xã thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh và đã xác định được đã có từng nhóm bệnh nhân lên theo đợt và đi theo đoàn. Ngay sau khi xác minh BHXH tỉnh đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh về sự việc trên.
Ngay sau đó UBND tỉnh đã có Công văn số 1578 ngày 12/5/2019 giao cho Sở y tế chủ trì phối hợp với BHXH tỉnh kiểm tra gia tăng đột biến. Cho đến nay công tác kiểm tra đã kết thúc BHXH tỉnh cũng đang củng cố hồ sơ để báo cáo tỉnh".
|
Ông Nguyễn Hữu Thành, giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La. |
Theo lời ông Thành, quan điểm của BHXH tỉnh là kiên quyết không chấp nhận những khoản mục mà có biểu hiện lạm dụng bảo hiểm y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham giam bảo hiểm y tế.
Về phía BHXH tỉnh Sơn La, qua xác minh ban đầu tại cơ sở cũng như tại 2 bệnh viện này có hiện tượng quá tải, từng đoàn bệnh nhân lên khám chữa bệnh và điều trị nội trú tại 2 bệnh viện này có dấu hiệu không bình thường.
“Thời gian tới BHXH tỉnh tiếp tục báo cáo UBND tỉnh và BHXH Việt Nam để tiếp tục xác minh làm rõ và kiên quyết từ chối thanh toán những trường hợp không chính đáng thực hiện không đúng quy định của Bộ y tế. Sự việc xảy ra tại 2 bệnh viện này có dấu hiệu lạm dụng đồng nghĩa với sự việc xảy ra là nghiêm trọng" – ông Thành khẳng định.
|
Theo lời ông Nguyễn HữuThành, câu chuyện bất thường đang diễn ra tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Sơn La đang có dấu hiệu lạm dụng quỹ BHYT, sự việc xảy ra rất nghiêm trọng. |
Như đã thông tin, trong quý I/2019, bệnh nhân khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (KCB BHYT) tại bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y Dược cổ truyền Sơn La tăng đột biến khiến ngân sách chi cho KCB BHYT tăng đột biến gần chục tỷ đồng so với quý I/2018.
Cụ thể, quý I/2018, BHYT phải thanh toán tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La là gần 2,4 tỷ đồng, thì đến quý I/2019, con số quỹ BHYT phải thanh toán lên tới gần 10,5 tỷ đồng.
Còn tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, con số quỹ BHYT phải thanh toán trong quý I/2019, vọt lên đến hơn 11,2 tỷ đồng.
Việc chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng 1 cách bất thường đặt ra nghi vấn có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm ở 2 bệnh viện. Việc này khiến UBND tỉnh Sơn La phải ra công văn yêu cầu làm rõ sự việc.
Mời quý vị độc giả xem video: Tình trạng trục lợi bảo hiểm khiến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm và xã hội
Với những gì đã thực tế điều tra, quý I/2019 các địa phương vùng sâu xa của tỉnh Sơn La có hiện tượng người cao tuổi rầm rộ và đi có tổ chức nhập viện khám chữa bệnh một cách bài bản, như là một quy trình khép kín. Cùng thời gian đó, con số thanh toán phí BHYT tại 2 bệnh viện Phục hồi chức năng và Y Dược cổ truyền bỗng nhiên tăng vọt một cách bất thường. Cho thấy, đang có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế đang diễn ra ở đây.
|
Nhiều người cao tuổi dân tộc tại các vùng miền xa xôi của tỉnh Sơn La xác nhận, họ không có nhu cầu khám chữa bệnh, nhưng vẫn được tổ chức bài bản đưa lên tỉnh, nằm viện và điều dưỡng miễn phí. |
Từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định các tội danh liên quan đến trục lợi, chiếm đoạt bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ Luật được kỳ vọng sẽ trở thành “công cụ” mạnh để tăng cường thực thi có hiệu quả pháp luật BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người tham gia BHYT.
Điều 215 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định...
Đặc biệt, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.