Làm thế nào để nông sản Việt Nam đi lên?

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nông nghiệp, nhưng những hạn chế vẫn còn tồn tại rất nhiều.

Sáng ngày 3/7, tại Hà Nội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội, tổ chức hội nghị “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam”.
Tới tham dự hội nghị có TS.KH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội và khoảng 70 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp, một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có mặt ở Việt Nam.
 TS.KH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam (phải) và TS Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội (trái) tại hội nghị.
Hội nghị “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam” diễn ra nhằm tạo diễn đàn thảo luận và kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà phát triển công nghệ với các tổ chức NGOs, các Hội khoa học và kỹ thuật về nông nghiệp thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam nhằm thảo luận về các giải pháp cho việc xuất khẩu nông sản và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại hội nghị, TS. Phạm Duy Khánh - Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chiến lược và chính sách Bộ NN&PTNT cho biết, trên thế giới truy xuất nguồn gốc nông sản đang được sự quan tâm của nhiều nước. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đặc biệt nhiều nước và khu vực đã xây dựng khung pháp lý quy định về truy xuất nguồn gốc.
Còn ở Việt Nam, hực trạng triển khai truy xuất nguồn gốc chuỗi nông sản ở nhiều tỉnh thì đã xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng điện tử “Qrcode” cho sản phẩm nông sản. Tuy nhiên việc truy xuất nguồn gốc nông sản dù có những ưu điểm vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; Chưa kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân; Không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; Thông tin chưa minh bạch và được xác nhận; Chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về tuy xuất nguồn gốc; Chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc…
 Toàn cảnh hội nghị.
TS. Phạm Duy Khánh đưa ra một số gợi ý chính sách và giải pháp về truy xuất nguồn gốc như: Chuẩn hóa thông tin truy xuất và (có thể) mức độ truy xuất (đến hộ/vùng sản xuất) tiến tới đồng bộ CSDL, tăng khả năng tương tác giữa các tác nhân, tăng tính minh bạch và phục vụ quản lý nhà nước; Xây dựng quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn; Áp dụng mã HS để định danh sản phẩm, xây dựng hệ thống định danh hộ/đơn vị sản xuất, áp dụng mã đơn vị hành chính định danh vùng sản xuất; Nâng cao vai trò cơ quan nhà nước trong kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc; Giải pháp giúp minh bạch hóa thông tin (ứng dụng công nghệ blockchain, tăng cường vai trò, quyền mặc cả của nông dân trong chuỗi thông qua các mô hình liên kết THT/HTX); Hỗ trợ xây dựng thử nghiệm hệ thống TXNG quốc gia cho từng nhóm sản phẩm xuất khẩu chiến lược.
GS. TSKH Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam phát biểu tại hội nghị. 
Trình bày tại hội nghị, GS. TSKH Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nông nghiệp, nhưng những hạn chế vẫn còn tồ tại rất nhiều như: Thách thức lớn tại các thị trường xuất khẩu là hàng rào kỹ thuật, trong đó khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường quốc tế; Xu hướng gia tăng bảo hộ của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU.., Việc đàm phán mở cửa thị trường vào các nước ngày càng khó khăn và kéo dài, Các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (truy xuất nguồn gốc) và an toàn thực phẩm của các nước ngày càng thắt chặt hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh rất gay gắt với nông sản của nhiều nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, Đài Loan… Hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam đã được XK sang Philippines. Tuy nhiên qua khảo sát, các DN tại Philippines hiện nay hầu như không biết các sản phẩm phi lê đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam.
Đặc biệt, hiện nay, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật tiêu thụ khá tốt, xoài lại là mặt hàng đang có xu hướng giảm tiêu thụ, mặc dù xoài Việt Nam có chất lượng thơm ngon hơn hẳn. Nguyên nhân khiến xoài Việt Nam không thể cạnh tranh được tại Nhật, đó là khâu bảo quản chưa thể kéo dài, phí vận chuyển còn quá cao dẫn đến giá bán bị đẩy lên cao.
Tại hội nghị, TS. Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội cho rằng: “Nếu muốn nông sản Việt Nam đi lên, thì toàn thể hệ thống chính trị phải vào cuộc".
Nhiều đại biểu khác tham dự tại hội nghị cũng chia sẻ suy nghĩ về các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam để có thể đạt được những thành tựu trong lĩnh vực này.
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản ra thế giới. Đầu năm 2018, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD. Cùng với đó là nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản là một trong những giải pháp cơ bản được đề ra nhằm đạt được mục tiêu nêu trên.
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản còn thấp; tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá” dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn vẫn là những thách thức cho Việt Nam trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa định hướng xuất khẩu giá trị cao.
Đầu tư cho nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn cho công nghệ và cơ sở hạ tầng, và trong khi doanh nghiệp quy mô lớn còn gặp không ít khó khăn thì vấn đề giúp cho nông hộ sản xuất quy mô nhỏ có thể xuất khẩu nông sản dường như là việc không thể.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý nhưng việc thực thi các quy định và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất, xác thực nguồn gốc đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính như Mỹ, EU còn nhiều hạn chế…
M/H

>> xem thêm

Bình luận(0)