Làm sai, coi thường cảnh báo, sếp lớn Nhà máy ô tô VEAM “vào lò”...lĩnh án gì?

Google News

(Kiến Thức) - Phó Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM Nguyễn Đức Toàn vừa bị khởi tố tội Tham ô tài sản. Với tội danh này, mức án thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất chung thân, tử hình.

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Toàn (Phó giám đốc Nhà máy ôtô VEAM) và Trần Thị Thanh Tâm (cán bộ nhà máy) về tội Tham ô tài sản.
Trước đó, liên quan sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp trên, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đã khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo của VEAM trong đó cựu Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Hà và cựu Tổng giám đốc Lâm Chí Quang về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Liên quan vụ việc trên, Thanh tra Bộ Công Thương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp này. Điển hình là việc quản lý, sử dụng vốn của VEAM tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu, trong đó nhà máy ôtô VEAM kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư 331 tỷ đồng.
Lam sai, coi thuong canh bao, sep lon Nha may o to VEAM “vao lo”...linh an gi?
Bị can Nguyễn Đức Toàn; bị can Trần Thị Thanh Tâm. 
Cụ thể, là việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh công ty TNHH Mekong Auto. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của Hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại. VEAM chưa cung cấp kế hoạch tài chính được phê duyệt hàng năm để có cơ sở đánh giá hiệu quả của việc kinh doanh.
Cùng với đó, Nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3.000 ôtô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh, không có phương án kinh doanh số ôtô này. Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5.588 xe), gấp hơn 2 lần kế hoạch.
Đáng chú ý, ngày 7/5/2019, quyền Tổng giám đốc VEAM Ngô Văn Tuyển đã có văn bản gửi Bộ Công Thương chỉ ra các vấn đề sai phạm tại nhà máy ô tô Thanh Hóa dưới thời ông Trần Ngọc Hà làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT VEAM.
Tại dự án này, tính đến hết năm 2018, công ty mẹ đã rót vốn cho nhà máy lên đến 2.600 tỷ đồng, trong khi dự án được quyết định đầu tư dưới 600 tỷ đồng. Việc chuyển vốn lưu động cho VM không có một nghị quyết nào của hội đồng thành viên mà do Chủ tịch HĐTV chỉ đạo trực tiếp Tổng giám đốc và kế toán trưởng VEAM (kiêm kế toán trưởng VM) thực hiện. Trong thời gian này, VM lỗ lũy kế gần 345 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù đầu tư sản xuất xe ô tô, nhưng báo cáo của Quyền tổng giám đốc VEAM đã phát hiện số xe sản xuất ra từ nhiều năm trước vẫn nằm trong kho, không bán được. Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỷ đồng. Trong đó có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Một trong những lý do là VM chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm. Trong khi các nhà sản xuất khác như Thaco, Thành Công, TMT tiêu thụ với sản lượng lớn hơn nhiều thì sản lượng của VM rất khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp.
Quyền Tổng giám đốc VEAM Ngô Văn Tuyển cho rằng, chính sách phòng chống tham nhũng cũng cần xem xét trường hợp người thân của Tổng giám đốc VEAM, giám đốc VM là đại lý, nhà cung cấp, hoặc nắm giữ các vị trí kinh tế và điều hành quan trọng của VM.
“Gần đây có một số trang tin điện tử nói về "nhóm lợi ích" ở VEAM, thì Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát cũng cần xem xét có đánh giá cụ thể", ông Tuyển cảnh báo khi đó.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ Nhà máy ô tô VEAM để điều tra về tội tham ô tài sản theo quy định điều 353 Bộ luật hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Tham ô tài sản là một tội phạm tham nhũng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Đức Toàn thân là Phó giám đốc của nhà máy Veam là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình thực hiện những hành vi để chiếm đoạt tài sản của công ty trái pháp luật.
Điều 353 Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định về tội Tham ô tài sản như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:…”
Lam sai, coi thuong canh bao, sep lon Nha may o to VEAM “vao lo”...linh an gi?-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng.
Như vậy, tùy thuộc vào số tiền mà bị can Nguyễn Đức Toàn chiếm được thì hình phạt của bị can sẽ được xác định khác nhau. Trường hợp tài sản chiếm đoạt có giá trị là từ 100.000.000 đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm tù (khoản 2 Điều 353).
Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm (Khoản 3 Điều 353). Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị áp dụng khung hình phạt nặng nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Không những vậy, bị can còn phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt và bị áp dụng hình phạt bổ sung là “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Đối với bị can Tâm cũng sẽ bị áp dụng những hình phạt nêu trên về hành vi phạm tội của mình.
“Để xác định được tội trạng của các bị can thì cần phải có bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để xác định hành vi phạm tội cụ thể được thực hiện như thế nào? Ngoài các bị can nêu trên thì còn có đồng phạm hoặc đối tượng nào liên quan hay không? Số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu và cụ thể mỗi bị can chiếm đoạt bao nhiêu tiền?. Các bị can sẽ phải trải qua quá trình tố tụng theo đúng quy định của pháp luật để làm sáng tỏ sự thật của vụ án”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video Khởi tố Phó Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM Nguyễn Đức Toàn:

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)