Khách sạn Top Hotel Hà Nội “thu phí cho công an, y tế chống dịch“: Đổ lỗi "đánh máy"

Google News

Dù giải thích do lỗi của nhân viên đánh máy diễn đạt không chính xác gây hiểu lầm về việc thu phí cho công an, y tế chống dịch”, song dư luận cho rằng, khách sạn có nhiều dấu hiệu không minh bạch, không loại trừ dấu hiệu lạm thu.

Do lỗi đánh máy (?!)
Mới đây, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã vào cuộc xác minh thông tin phản ánh việc khách sạn Top Hotel Hữu Nghị thu phí cách ly cao, trong đó còn ghi cả “phí cho cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực”.
Khach san Top Hotel Ha Noi “thu phi cho cong an, y te chong dich“: Do loi
Khách sạn Top Hotel Hữu Nghị. 
Theo phản ánh của một số người từ Nhật Bản về Việt Nam cách ly tại khách sạn Top Hotel Hữu Nghị, khách sạn này đã đưa ra mức giá 1,2 triệu đồng/người/ngày đối với phòng đôi và 1,7 triệu đồng/người/ngày với phòng đơn. Dịch vụ còn nêu cả khoản "chi phí cho cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực".
Lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm khi trao đổi với báo chí khẳng định, không có chuyện bất kỳ lực lượng chức năng nào nhận một đồng, một nghìn từ khách sạn về việc cách ly này. Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cũng bác bỏ việc lực lượng chức năng nhận tiền phòng chống dịch.
Khach san Top Hotel Ha Noi “thu phi cho cong an, y te chong dich“: Do loi
Bảng giá dịch vụ của khách sạn.
Trao đổi với báo chí, Quản lý khách sạn Top Hotel Hữu Nghị (Hà Nội) phân trần, việc thu phí “cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực” của người cách ly là do hiểu nhầm, nhân viên đánh máy diễn đạt không chính xác.
“Không có bất cứ chi phí nào về tiền bạc cho lực lượng y tế, công an, an ninh trực, mà chỉ là chi phí chai nước, suất cơm mà khách sạn tự nguyện chi trả để phục vụ anh em vất vả chứ không có gì liên quan đến tiền bạc hay bất kể chi phí nào khác” – vị quản lý này cho hay.
Đáng chú ý, khi chức năng vào cuộc, phía khách sạn đã thỏa thuận sẽ tính giá 900.000/ngày (chưa tính tiền phí xét nghiệm) thay vì từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/người/ngày như trước.
Dù phía khách sạn cho biết, việc thu phí “cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực” của người cách ly là do nhân viên đánh máy diễn đạt không chính xác dẫn đến hiểu lầm, tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, nếu khách sạn cố ý “vẽ ra” để lạm thu sẽ bị xử lý thế nào?
Nếu lạm thu, khách sạn sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc thực hiện cách ly y tế đối với những người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là bắt buộc và được lựa chọn nơi tiến hành thực hiện cách ly.
Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định. 
"Ngân sách nhà nước chi trả các chi phí gồm: khử trùng, diệt khuẩn, hỗ trợ cho lực lượng làm công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự và chi phí khác theo quy định của pháp luật tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung. Do đó, các loại phí như phí cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch... mà khách sạn liệt kê là các loại phí không đúng quy định của pháp luật" – luật sư Tùng cho biết.
Khach san Top Hotel Ha Noi “thu phi cho cong an, y te chong dich“: Do loi
 Luật sư Hoàng Tùng.
Luật sư Hoàng Tùng đặt câu hỏi: "Mặc dù phía lãnh đạo, quản lý của khách sạn đã giải thích như trên nhưng liệu giải thích này là sự thật hay chỉ là sự biện minh khi sự việc được tố giác ra bên ngoài? Các khoản phí này không được liệt kê cụ thể là bao nhiêu tiền cho từng loại phí?
Điều này thể hiện sự không minh bạch trong quá trình thu tiền của khách sạn. Có dấu hiệu của việc lợi dụng tình trạng dịch bệnh cũng như các quy định của nhà nước để trục lợi."
“Trường hợp nếu người bị cách ly không thắc mắc hoặc không cung cấp được thông tin cho báo chí để phản ánh, số tiền nêu trên đã thu có đúng với quy định hay không? Hay người dân phải ngậm ngùi chi trả số tiền "cắt cổ" nêu trên” – luật sư Hoàng Tùng nói và cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xác minh sự việc nêu trên. Số tiền trên là chi những khoản nào? Liệu có hành vi lừa dối khách hàng hay không?
Trường hợp có vi phạm cần xử lý nghiêm khắc hành vi này, nếu thấy cần thiết cũng cần xem xét việc tước giấy phép kinh doanh, hoạt động của khách sạn này. 
Nói nhầm lẫn là khó thuyết phục
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có thể có khoản thu sai quy định của cơ quan chức năng phòng chống dịch hoặc có gian dối trong hoạt động kinh doanh của khách sạn Top Hotel Hữu Nghị chứ không đơn giản là lỗi đánh máy. Cơ quan chức năng cần làm rõ để có kết luận cuối cùng, tránh mất uy tín của lực lượng chức năng chống dịch, gây hiểu lầm đối với những người cách ly và xã hội.
Trong thông báo có đóng dấu của khách sạn này ghi rất rõ trong các khoản tiền mà người cách ly phải chi trả có một khoản là: “ Chi phí cho cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực 24/24 (vì là khách sạn cách ly tự chi trả)”.
Khach san Top Hotel Ha Noi “thu phi cho cong an, y te chong dich“: Do loi
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Khoản tiền này có giải thích trong ngoặc đơn và có chữ ký đóng dấu của cơ sở lưu trú. Bởi vậy, nói rằng đây là nhầm lẫn, lỗi đánh máy là không thuyết phục. Đây là các khoản kê làm cơ sở để thỏa thuận, thu phí cách ly y tế của những trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế theo quy định.
Đáng chú ý, khi cơ quan chức năng vào cuộc, cơ sở lưu trú đã giảm khoản phí này (thừa nhận khoản khí này nào do sai sót, lỗi đánh máy) và giảm giá dịch vụ từ 1.700.000 xuống còn 900.000 đồng. Như vậy, cần phải làm rõ trong khoảng thời gian trước đây cơ sở lưu trú này có chi phí khoản tiền nào cho tổ chức, cá nhân nào hay không, cụ thể khoản chi phí đó là gì ? để có căn cứ xem xét có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trong việc thu chi, sử dụng tiền trong phòng chống dịch hay không?
Nếu có sai phạm của tổ chức, cá nhân nào thì phải xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không có sai phạm mà cơ sở lưu trú này lợi dụng uy tín, danh nghĩa của cơ quan tổ chức phòng chống dịch bệnh để thu lợi bất chính từ người phải cách ly y tế, cần phải buộc cơ sở lưu trú này trả lại tiền cho những người cách ly y tế.
Cơ quan chức năng cần phải kiểm tra làm rõ căn cứ thu tiền, việc sử dụng số tiền thu về khoản này như thế nào để có kết luận đúng đắn, chính xác, kịp thời, đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Trường hợp chi sai quy định cũng cần phải thu hồi và xử lý sai phạm của cá nhân tổ chức theo quy định pháp luật.
“Với những cơ sở lưu trú không đảm bảo an toàn hoặc có những mập mờ, thiếu minh bạch về giá dịch vụ hoặc giá dịch vụ không tương xứng với chất lượng dịch vụ thì cơ quan chức năng cần phải xem xét có thể dừng hoạt động để chuyển cho cơ sở khác”- luật sư Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Không sợ COVID-19, nhiều người trèo rào vào công viên tập thể dục bất chấp lệnh cấm

Nguồn: VTV 24

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)