Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Dân đi vì hiếu kỳ... chưa thể giảm ùn tắc?

Google News

(Kiến Thức) - “Nếu không có kết nối, khoảng nửa tháng đầu người dân hiếu kỳ sẽ đi đông (khoảng 70%), vài 3 tháng sau chỉ còn khoảng 40-50% người đi, đường sắt trên cao chưa thể ngay lập tức giảm được ùn tắc giao thông” - TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Mới đây, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành chạy thử trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Buổi chạy thử có sự tham gia của rất nhiều phóng viên báo chí, truyền hình.
Đa phần, nhiều người tham gia buổi vận hành chạy thử đều có đánh giá tích cực về tuyến đường sắt trên cao. Anh Minh Đức - người dân được trải nghiệm tàu trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông cho biết: “Tốc độ tàu chạy 65km/h, trung bình 32 km/h. Tàu đi từ ga Yên Nghĩa (Hà Đông) đến Cát Linh, tổng thời gian chạy hết toàn tuyến là 30 phút, bao gồm thời gian trả khách và đón khách tại 12 điểm dừng.
Nếu di chuyển bằng xe máy cùng chặng đường như vậy thì có lẽ phải mất cả giờ đồng hồ. Tôi kỳ vọng tàu sớm vận hành thương mại để giảm ùn tắc giao thông.”
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: Dan di vi hieu ky... chua the giam un tac?
Đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chật kín phương tiện giao thông giờ cao điểm. 
Chung nhận định với anh Minh Đức, nhiều người trải nghiệm cũng bày tỏ kỳ vọng dự án sẽ sớm vận hành thương mại để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải xung quanh vấn đề này.
- Người dân thủ đô đang rất kỳ vọng dự án đường sắt trên cao sớm vận hành thương mại để góp phần làm giảm ùn tắc giao thông? Theo ông liệu nó có giúp giảm ùn tắc giao thông?
Dự án này không phải là một đột phá ghê gớm. Bởi đường sắt trên cao là tuyến đường độc đạo, chạy cố định và chạy đúng giờ, tốc độ cao và nó ở trên cao nên không vướng vào ùn tắc giao thông nên mọi người đang đi dưới đường bộ quen rồi khi ngồi trên đó sẽ có cảm giác thoáng đãng. Tất nhiên, nó sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, nhưng chỉ phần nào đó thôi. Còn nói nó sẽ làm hết ùn tắc giao thông thì chưa thể ngay và luôn được.
Khi đưa vào sử dụng, với những người dân sinh sống, làm việc… ở cách các trạm dừng lên – xuống của tàu khoảng 1km trở lại thì họ đi tàu Cát Linh – Hà Đông rất thuận tiện.
Tuy nhiên, vẫn cần phải có sự kết nối giữa các loại hình giao thông thật tốt, ví dụ như trạm xe buýt, taxi, phương tiện cá nhân… để những người đi tàu trên cao khi xuống họ có thể di chuyển đến nơi cần đến thì tàu mới thu hút được nhiều người sử dụng.
Trường hợp đường sắt trên cao có kết nối với hạ tầng và các loại hình vận tải công cộng yếu thì khoảng nửa tháng đầu thì người dân hiếu kỳ sẽ đi đông (khoảng 70%).
Sau đó, sẽ giảm dần còn 50% rồi 40% và thấp nữa. Tôi dự đoán khoảng sau 3 tháng số người dùng phương tiện sẽ giảm. Những người sử dụng là người có nhà, chỗ làm… gần tuyến đường sắt trên cao. Còn những người ở xa tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ tiếp tục đi với phương tiện cá nhân của họ.
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: Dan di vi hieu ky... chua the giam un tac?-Hinh-2
 Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, đường sắt trên cao không thể giải quyết vấn nạn tắc đường của Hà Nội mà chỉ góp phần nhỏ làm giảm ùn tắc. Ảnh Zing
- Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng xây thêm nhiều tuyến đường sắt trên cao khắp thủ đô để giảm ùn tắc? Song dự án Cát Linh – Hà Đông đang triển khai đã để lại quá nhiều hậu quả như chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần, liệu TP Hà Nội có nên tiếp tục triển khai đường sắt trên cao nữa không?
Phát triển giao thông công cộng là rất tốt, rất thuận lợi cho người dân, giảm ùn tắc. Nhưng việc tổ chức, điều hành thu hút được người ta đi thế nào lại càng quan trọng hơn. Đối với dự án Cát Linh – Hà Đông, nếu vì bỏ ra mấy chục nghìn tỷ mà dân đi ít thì đó là điều góp phần gây nên nguy cơ vỡ nợ, Nhà nước bỏ tiền ra nhưng không tạo ra hiệu quả.
Song, cái gì cũng có hai mặt của nó, không phải vô cớ mà người ta bỏ ra chi phí hàng trăm triệu đô la để xây dựng tuyến tàu sắt.
Nếu trong một đô thị với gần 10 triệu dân như Hà Nội và dự báo mỗi ngày có khoảng 12 đến 15 triệu lượt người đi lại chằng chịt, dày đặc… nếu thành phố mà ùn tắc sẽ gây thiệt hại như thế nào cho đất nước?
Do vậy, buộc người ta phải đầu tư những công trình hết sức đắt, nó buộc lòng phải có ở một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, việc quy hoạch, triển khai phải tính toán thật kỹ vì 1 đồng cũng là tiền thuế của nhân dân, phải dùng đồng tiền thuế ấy làm sao cho hiệu quả.
Hà Nội nên có ít nhất khoảng 2 - 3 tuyến tàu trên cao và tàu điện ngầm. Nhưng cần phải bố trí liên kết phù hợp với các điểm xe buýt, taxi cùng với phương tiện công cộng, cá nhân hợp lý.
Việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc trong dự án Cát Linh – Hà Đông, tôi cho rằng là bất khả kháng, cứ tưởng là rẻ nhưng hóa ra rất đắt. Nhiều khi còn nhiều rắc rối và sẽ còn nhiều trục trặc nữa. Trung Quốc đúng là nước phát triển nhưng chưa phải ở trình độ mà chúng ta quá đặt lòng tin vào.
Tóm lại, việc phát triển giao thông công cộng là rất cần thiết, nhất là các tuyến tàu điện trên cao và tàu điện ngầm. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thật kỹ, triển khai đồng bộ dựa trên điều kiện của đất nước. Một thành phố nghèo mà đưa quá nhiều metro vào không tốt đâu, như vậy làm gì còn tiền mà lo cho phúc lợi xã hội.
- Có ý kiến cho rằng nên cấm xe máy và triển khai thật nhiều xe buýt thay vì đầu tư đường sắt trên cao? Ông có ý kiến gì về đề xuất này? Để giải quyết tắc đường hiện nay ông có đề xuất gì?
Phải có bài toán hết sức chi tiết và khoa học, nếu cấm xe máy thì người dân đi bằng gì, người lao động đi bằng gì, đi xe buýt có đến được chỗ họ làm không?
Nếu cấm xe máy thì Hà Nội và TP HCM sẽ khủng hoảng phương tiện giao thông. Nếu 40% phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu thì hãy hạn chế xe máy. Còn bây giờ không thể cấm được.
Còn đề xuất giải quyết vấn nạn tắc đường như tôi đã nói. Thành phố cần một kỹ sư trưởng tài ba để lập kế hoạch đồng bộ cho giao thông đô thị. Phát triển đồng bộ giữa phương tiện công cộng đi đôi với đường xá, mật độ dân cư…
Phát triển thật nhiều phương tiện giao thông công cộng, khi nào phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, họ tự khắc thay đổi thói quen di chuyển.
Xin cảm ơn ông!
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2009, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Đến năm 2016, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Dự kiến đưa vào khai năm 2016 nhưng đến nay dời thời gian đến đầu năm 2019.

Bảo Ngân

>> xem thêm

Bình luận(0)