Dịch Covid-19: Học sinh đi học trở lại ngày 2/3 hay tiếp tục nghỉ?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch diễn biến, bùng phát ra sao mới đưa ra quyết định.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 24/2, liên quan đến việc đi học của học sinh, sinh viên, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.
Từ đó, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh. “Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hôm nay sẽ chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch diễn biến, bùng phát ra sao mới đưa ra quyết định. “Phải cân nhắc để đảm bảo an toàn”, Thủ tướng yêu cầu.
Dich Covid-19: Hoc sinh di hoc tro lai ngay 2/3 hay tiep tuc nghi?
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ủng hộ việc chưa chốt cho học sinh đi học ngày 2/3
Bày tỏ ý kiến về việc có nên cho học sinh trở lại trường vào ngày 2/3, nhiều phụ huynh ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chưa chốt việc cho học sinh đi học ngày 2/3 mà phải chờ đến cuối tháng 2 để theo dõi tình hình diễn biến của dịch.
Chị Đỗ Thị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có cả một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch với Việt Nam như Hàn Quốc. Do vậy, cần chờ đến cuối tháng 2, tùy theo diễn biến của dịch để quyết định có nên cho học sinh trở lại trường học vào ngày 2/3 hay không?
“Như ở Hàn Quốc, một bệnh nhân được cho là “siêu lây nhiễm” khi đã lây bệnh cho hàng loạt người khác tại nơi tập trung đông người. Do vậy, bản thân tôi ủng hộ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chưa chốt ngày 2/3 cho học sinh trở lại trường học. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp như vậy nên chúng ta không thể chủ quan, nhất là trường học cũng được xem là nơi tập trung đông người”, chị Hoa nói.
Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng, chị Nguyễn Hoài Lan (Hải Phòng) cho rằng, dù Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói rằng, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng và ngành GD&ĐT đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục nhưng thực tế thời điểm này, việc để học sinh trở lại trường vẫn chưa thực sự an toàn khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
“Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chưa chốt ngày 2/3 để học sinh trở lại trường mà cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh. Với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông việc nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch là hợp lý. Đối với học sinh THPT dù các em là đối tượng có thể hiểu biết hơn và chủ động phòng dịch nhưng việc đến trường thời điểm này cũng khiến phụ huynh chưa thực sự an tâm. Trong khi với các sinh viên cao đẳng, đại học, việc trở lại trường vào ngày 2/3 cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi các em ở nhiều địa phương đến từ khắp nơi trên cả nước nên sẽ khó kiểm soát hơn”, chị Lan nêu ý kiến.
Dich Covid-19: Hoc sinh di hoc tro lai ngay 2/3 hay tiep tuc nghi?-Hinh-2
 Nhiều phụ huynh vẫn lo lắng nếu học sinh trở lại trường vào đầu tháng 3/2020. (Ảnh minh họa. Nguồn: GD&TĐ).
Anh Tạ Văn Hoàng (Hải Dương) cho rằng, việc cho học sinh trở lại trường học vào ngày 2/3 cần phải xem xét kỹ lưỡng dựa trên tình hình diễn biến của dịch bệnh.
“Học sinh nghỉ học có thể sẽ phải bù lại bằng kỳ nghỉ hè nhưng tính mạng và sự an toàn phải đặt lên trên hết. Dù sao đến trường ở thời điểm này vẫn chưa thực sự an toàn do dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát. Do vậy, cần xem xét tình hình diễn biến dịch bệnh để quyết định có nên cho học sinh, sinh viên đi học trở lại hay không. Ở trường dù cấp học nào cũng đều có nguy cơ khi các em ngồi vài chục em trong một lớp học, vài trăm đến vài nghìn em trong một trường học. Cho dù các em đeo khẩu trang, thực hiện phòng dịch nhưng ai đảm bảo tất cả các em khi tiếp xúc môi trường bên ngoài không có khả năng lây nhiễm rồi từ đó lây nhiễm vào lớp học, trường học. Thử hình dung nếu một em bị nhiễm bệnh thì cả lớp hoặc hơn thế nữa có thể bị cách ly rồi gia đình người thân các em nữa”, anh Hoàng nêu ý kiến.
Nghỉ học dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh?
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với việc cho học sinh cấp THPT, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm đi học trở lại ngày 2/3 và lùi thêm 2 tuần đối với học sinh mầm non và tiểu học, THCS để quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Anh Trần Huy Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi bày tỏ ý kiến về việc có nên cho học sinh đi học trở lại ngày 2/3 đã tỏ ra đồng tình. Theo anh Hà, dù hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia nhưng tại Việt Nam chúng ta đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh khi từ ngày 13/2 đến nay không ghi nhận trường học mắc mới và các bệnh nhân dương tính đã được chữa trị khỏi, nhiều biện pháp phòng chống dịch đã cho thấy hiệu quả, người dân thực sự rất an tâm.
“Dù biết rằng, chúng ta không nên chủ quan. Tuy nhiên, việc cân nhắc cho học sinh THPT, Cao đẳng, Đại học đi học lại từ ngày 2/3 là hợp lý. Bởi thực tế, nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên hiện được đánh giá rất thấp trong khi đó, thời gian nghỉ học, nhà trường đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các em học sinh đã đủ kiến thức để phòng ngừa dịch bệnh. Việc cho nghỉ quá dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc học của các học sinh, sinh viên nhất là đối với học sinh lớp 12 và sinh viên cuối cấp”, anh Hà nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, chị Trần Thị Trang cho rằng, việc cho con đến trường thời điểm này tuy khiến nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn, lo lắng nhưng lo lắng hơn cả là việc học tập của con bị ảnh hưởng do thời gian nghỉ quá dài.
“Tôi vừa là một phụ huynh và cũng là một giáo viên nên nhận thấy nghỉ học chỉ là một giải pháp tình thế để phòng ngừa dịch bệnh nhưng không phải là một phương án duy nhất. Chúng ta vẫn phải học tập và làm việc ở thời điểm chống lại dịch bệnh này. Các em học sinh THPT, sinh viên đại học đã đủ nhận thức, hiểu biết để thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân. Các trường chỉ cần thực hiện thêm một số biện pháp như đo thân nhiệt các học sinh, yêu cầu các học sinh rửa tay, sát khuẩn trước khi đến lớp và khi ra về, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn. Đối với các em học sinh cuối cấp, thời điểm này là vô cùng quan trọng, nếu không tập trung học tập, ôn luyện tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp sắp tới. Khi dịch diễn biến phức tạp, có thể xem xét cho học sinh nghỉ tiếp”, chị Trang nêu ý kiến.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 24/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do, bao gồm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.
Thứ hai, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, học sinh từ cấp II trở lên có thể không chịu sự kiểm soát và ra ngoài có thể tiếp xúc với nguồn dịch bệnh. Theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore.
Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố của Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch. Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học.
Cụ thể, đối với học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên có thể đi học từ ngày 2/3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học và đi du học nước ngoài. Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay mà nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài.
>>> Mời độc giả xem video Hà Nội: Học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)