Cựu chủ tịch VEAM bị phạt 11 năm tù, phải bồi thường gần 52 tỉ

Google News

Ông Trần Ngọc Hà, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM, bị tuyên phạt 11 năm tù và buộc phải bồi thường số tiền gần 52 tỉ đồng.

Chiều 24-5, sau một tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP Hà Nội tuyên án 17 bị cáo trong vụ án liên quan đến loạt sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Vận tải Thương mại VEAM (Ventraco).
Cuu chu tich VEAM bi phat 11 nam tu, phai boi thuong gan 52 ti
Ông Trần Ngọc Hà, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM, bị tuyên phạt 11 năm tù và buộc phải bồi thường số tiền gần 52 tỉ đồng. Ảnh: UYÊN TRANG
16 bị cáo cùng bị tuyên phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, ông Trần Ngọc Hà (cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM) bị tòa tuyên phạt 11 năm tù, Lâm Chí Quang (cựu tổng giám đốc VEAM) tám năm tù, Vũ Từ Công (cựu kế toán trưởng VEAM) 6 năm tù, Đào Quốc Việt (cựu giám đốc Vetranco) 13 năm tù, Trần Quang Tiến (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Nam) 16 năm tù.
11 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến chín năm tù.
Bị cáo duy nhất bị tuyên phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là Nguyễn Văn Khôi (cựu trưởng ban Kiểm soát, thành viên HĐTV VEAM) với mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về dân sự, tòa buộc bị cáo Trần Quang Tiến bồi thường cho Vetranco hơn 182 tỉ đồng. Vetranco có trách nhiệm hoàn trả VEAM hơn 137 tỉ đồng.
Cùng với đó, ông Trần Hà buộc phải bồi thường cho VEAM số tiền gần 52 tỉ đồng.
Theo nội dung vụ án, từ năm 2011 đến 2013, VEAM bảo lãnh thanh toán ngân hàng trái quy định cho Vetranco vay tổng số tiền 193 tỉ đồng, dẫn tới thiệt hại hơn 65 tỉ đồng.
Ngoài ra, VEAM còn chi tiền để đầu tư vào hai dự án sản xuất máy kéo hạng trung và phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka, với tổng số tiền hơn 65 tỉ đồng. Do hai dự án này đều bị dừng triển khai giữa chừng, VEAM không thể thu hồi, dẫn đến thiệt hại số tiền nêu trên.
Đối với Vetranco, năm 2013, công ty này dùng vốn tự có, vốn vay ngân hàng hoặc vay từ VEAM để lấy tiền cho vay trái quy định, thông qua các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Do phía vay mất khả năng thanh toán, Ventraco bị thiệt hại 182 tỉ đồng.
Theo Tuyến Phan/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)