"Có loại bằng do nước ngoài cấp nhưng về Việt Nam không xác minh được"

Google News

Ông Trần Văn Nghĩa cho hay năm 2018, Bộ GD&ĐT phát hiện gần 10 trường hợp bằng giả. Đây là vấn đề lớn cần được quan tâm khi công nhận văn bằng ở Việt Nam.

Chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến "Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam" do báo điện tử Dân Việt tổ chức chiều 25/1, ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ - cho biết có loại bằng gần như không xác minh được.
Công nhận văn bằng có phải giấy phép con?
TS Lê viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - nói suốt 19 năm ông công tác tại bộ, vấn đề công nhận văn bằng rất nhức nhối nhưng chưa có giải pháp triệt để.
TS Khuyến đề xuất Bộ GD&ĐT nên đưa ra giải pháp và xây dựng khung pháp lý mang tính hệ thống để thuận lợi hơn. Thời của ông, Vụ Giáo dục Đại học làm chức năng này đã hợp tác nhiều với công an để giải quyết vấn đề bằng giả.
Bộ GD&ĐT vẫn theo đuổi việc công nhận văn bằng, sẽ rất rườm rà, nên để một đơn vị lao động thực hiện việc này. Bộ GD&ĐT cần công khai danh sách các trường đạt chất lượng, có khung chương trình quốc gia, từ đó tham chiếu.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo. Ảnh: Q.Q. 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - nhìn nhận rằng cử người đi du học nhưng bị kiểm định bằng thể hiện sự bất cập. Vô hình chung, Bộ GD&ĐT đang tự tạo ra “giấy phép con”, đặt vị trí của bộ lên trên tất cả cơ sở giáo dục trên thế giới. Về mặt quản lý có thể hiểu được phần nào đó, nhưng về mặt học thuật, Bộ GD&ĐT chắc gì đã đủ trình độ kiểm định lại văn bằng của nhiều trường trên thế giới?
"Ví dụ, người ta học ở Havard về mà Bộ GD&ĐT cũng đòi kiểm định lại chất lượng đào tạo, cũng như giá trị của văn bằng thì có đúng không?”, PGS Nhĩ nêu câu hỏi.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT cần phải tinh giản sự phiền hà từ cơ chế “xin - cho” đối với người học, như vậy mới thu hút được du học sinh về Việt Nam.
Giải thích điều này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - khẳng định đây không phải giấy phép con. Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào yêu cầu người học phải công nhận văn bằng mà phụ thuộc vào đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu cá nhân.
Khi một tổ chức, cá nhân yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện quy trình công nhận. Về thủ tục, trong hai năm vừa qua, bộ đã cố gắng cải tiến để đơn giản hóa quá trình này. Bộ GD&ĐT đã xây dựng website để người có nhu cầu có thể gửi hồ sơ trực tiếp, sắp tới làm thủ tục công nhận qua mạng.
Tuyệt đối không được làm khó người công nhận văn bằng
Ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ - cho rằng việc công nhận văn bằng hiện nay về có hai vấn đề. Thứ nhất, hệ thống văn bằng nước ngoài không giống hoàn toàn ở nước ta, nên việc sắp xếp vị trí các văn bằng như thế nào cần phải xem xét. Thứ hai, việc xác minh bằng có thật hay giả.
Ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ. 
Năm 2018, Bộ GD&ĐT phát hiện gần 10 trường hợp bằng giả, đã liên hệ với hệ thống giáo dục nước ngoài để thẩm định.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định việc công nhận văn bằng là cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền lợi của người có văn bằng và quốc gia. Công nhận là tả lại chương trình, học ở đâu, thạc sĩ hay tiến sĩ… Người được Nhà nước cử đi học không phải công nhận văn bằng nữa.
“Tôi luôn nói với các đồng chí công nhận văn bằng của Bộ GD&ĐT là hãy đặt trường hợp của mình vào người có văn bằng để triển khai, tuyệt đối không làm khó và phải hỗ trợ tối đa người có văn bằng cần công nhận”, ông Trinh nói.
Theo ông Mai Văn Trinh, Quyết định 77 là sản phẩm đầu tiên của Nhà nước công nhận văn bằng, cần phải điều chỉnh. Thời đại thế giới phẳng hiện nay cần có sự cập nhật tông tin ở khắp năm châu để phù hợp thông lệ của quốc tế trong quá trình công nhận văn bằng.
Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)