Chuyện về người đảm nhiệm từng bữa ăn cho phạm nhân

Google News

24 năm công tác, trải qua nhiều vị trí khác nhau nhưng tựu chung, Trung tá Trần Trung Kiên vẫn đảm nhiệm công tác hậu cần trong trại giam Nam Hà, đảm nhiệm từng bữa ăn cho phạm nhân.

Mỗi ngày đi qua, trực tiếp sắm những thực phẩm an toàn cho toàn trại và nhìn thấy phạm nhân được ăn chín, uống sôi, ăn no, đảm bảo vệ sinh... đủ sức khỏe để đi lao động, như vậy đối với Trung tá Kiên là niềm vui.
Người “chăm lo” cho “cái dạ dày”
Lời tâm sự rất thành thật ấy Trung tá Trần Trung Kiên khiến chúng tôi cứ thấy tò mò bởi “anh nuôi” của gần 3.000 phạm nhân ở trại giam Nam Hà còn rất trẻ thế nhưng chẳng chút ngại ngần khi được giao làm việc ở môi trường có mắm muối, tương cà, gạo...
Làm công tác lo miếng ăn, nước uống cho phạm nhân, Trung tá Kiên chưa để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hay mất vệ sinh an toàn thực phẩm nào trong trại, quả là một sự nỗ lực đáng ghi nhận.
Để gặp được Trung tá Trần Trung Kiên thật khó bởi anh cứ tất bật suốt ngày, đảo như con thoi hết đi mua nhu yếu phẩm lại về cân đo đong đếm chia thế nào cho đủ cho phạm nhân của hai phân trại 1 và phân trại 2.
Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Trần Trung Kiên bảo rằng, nhớ lại những năm trước, khi làm công tác hậu cần ở đội bếp, phân trại số 2, anh cứ ngày vài lần kiểm tra công việc bếp núc, xem các khâu chuẩn bị thế nào, cân chia có đúng định lượng, đảm bảo đưa cơm đúng giờ cho phạm nhân hay không.
 Đối với Trung tá Trần Trung Kiên nhìn thấy phạm nhân được ăn chín, uống sôi, ăn no, đảm bảo vệ sinh... đủ sức khỏe để đi lao động là niềm vui.
Hay các nhu yếu phẩm phục vụ cho phạm nhân và cán bộ trong trại giam đã đủ chưa? Còn phần nào thiếu? Và gần 1 năm nay, anh chuyển hẳn về đội hậu cần, trại giam Nam Hà và làm công tác tiếp liệu.
Nhưng công việc không khác trước là mấy, vẫn lo gạo, mắm muối nhưng khác là phải lo cho toàn trại, như vậy công việc còn vất vả hơn, nhưng với anh, mỗi ngày qua đi, trực tiếp nhìn thấy phạm nhân họ được ăn chín, uống sôi, được ăn no, đủ sức khỏe lao động, vậy với anh đó là vui rồi.
Trung tá Trần Trung Kiên bảo rằng, làm công tác hậu cần này, càng những dịp lễ, Tết thì công việc lại bận hơn bình thường rất nhiều.
Nhớ lại ngày anh làm ở phân trại số 2, theo quy định các phạm nhân không phải đi lao động nhưng dù có nghỉ thì vẫn phải ăn, phải uống và như thế có nghĩa là đội hậu cần vẫn phải làm việc mà làm việc nhiều hơn vì khẩu phần ăn của phạm nhân.
Vì vậy, trước thời điểm đó, anh phải lên kế hoạch dự trữ thực phẩm, rau xanh, làm sao đảm bảo cho mấy ngày nghỉ đó, bữa ăn của phạm nhân không chỉ đủ rau xanh, thực phẩm mà còn được đổi bữa, đổi món cho đỡ nhàm chán.
Đấy là chưa kể những thực đơn “đặt hàng” mà các phạm nhân gửi vào thông qua số tiền ký quỹ có được từ người nhà, nhằm cải thiện bữa ăn và cũng là để “liên hoan” những khi có kỳ, cuộc thi đội bếp của anh Kiên còn bận rộn hơn.
Ngày ấy, để có cơm canh đến tay phạm nhân trước giờ đi làm ca sáng, Trung tá Kiên phải có mặt dưới bếp từ tờ mờ sáng, đốc thúc đội bếp nấu nướng, chia cơm để làm sao bữa sáng đến tay tất cả các phạm nhân trong trại đúng giờ.
Rồi bữa trưa, bữa tối mà theo như lời Trung tá Kiên tâm sự thì cập rập nhất là 2 bữa sáng và trưa vì khoảng thời gian rất gần nhau. 5g30 sáng đã phải có cơm cho phạm nhân, trưa về 11g họ cũng phải nhận được cơm để ăn uống còn nghỉ ngơi cho buổi làm việc chiều, rồi bữa tối và lại chuẩn bị cho bữa sáng hôm sau, nghĩa là cứ quay như chong chóng.
Công việc ở bếp không nặng nhọc nhưng tỉ mẩn, nhiều công đoạn đòi hỏi người quản giáo phải sát sao và bố trí công việc một cách khoa học.
... Đến “chuyên gia” tâm lý
Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Trần Trung Kiên bảo rằng, ngoài công tác làm hậu cần, anh còn có những lúc như một “chuyên gia” tâm lý, bởi có những câu chuyện của phạm nhân, nếu anh không can thiệp, cũng có thể họ sẽ bị lệch chuẩn, chuyển sang hướng khác.
Nhớ lần khuyên giải phạm nhân Nguyễn Đức Thuần, đội trưởng đội bếp, Trung tá Kiên bảo đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất.
Thuần vốn là một Phó GĐ, lợi dụng chính sách của Nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng đã cùng với ê-kíp của anh ta móc nối với một số Cty khác, tạo thành đường dây đưa hàng nông sản xuất khẩu, chiếm đoạt 18 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước. Bị phát hiện, Thuần cùng đồng bọn của mình tìm cách chạy án song vẫn phải hầu tòa.
Vào trại giam Nam Hà cải tạo với bản án 26 năm tù cho 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ, thời gian đầu Thuần rất vui vẻ vì nghĩ tiền của mình làm ra thế nào cũng được cô vợ trẻ trung, xinh đẹp biết đến mà chăm sóc con chu đáo.
Rồi khi vào làm ở đội bếp, thấy các bạn tù có nhiều người bị vợ bỏ, Thuần bắt đầu dao động. Anh ta chăm viết thư về cho vợ hơn, thế nhưng oái oăm thay trong lúc người vợ mà anh ta luôn cảm thấy bất an sẽ đi lấy chồng thì con gái Thuần lại bỏ nhà theo trai. Nghe tin con gái học hành lỡ dở, vì chuyện yêu đương mà sớm thành mẹ trẻ, Thuần khóc suốt.
Thấy Thuần tinh thần dao động, không chăm chút công việc như vốn có, Trung tá Kiên cảm nhận ngay có sự bất bình thường nên thường xuyên gần gũi để trò chuyện.
Vốn là người kín tiếng nên Thuần giấu nhẹm chuyện con gái bỏ học theo chồng nhưng trước sự thăm hỏi, trò chuyện chân tình của anh quản giáo trẻ, Thuần đã bộc bạch hết. Anh ta khóc khi tâm sự rằng vô cùng chán nản vì bao nhiêu năm phấn đấu, cứ nghĩ làm một điều gì đó cho con cái không ngờ đứa con gái duy nhất không nuôi được chí cha.
Lần nào được gọi lên Thuần cũng khóc, cũng kêu chán nhưng rồi nghị lực đàn ông trước sự phân tích đầy tình lý của quản giáo trẻ, anh ta đã xác định được, từ đó tư tưởng ổn định, không còn bi quan, dao động như trước.
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, Trung tá Kiên không ngờ mảnh đất Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) lại là quê hương thứ hai của mình.
Anh lấy vợ sinh con và xây dựng nhà ở thị trấn Ba Sao, cách nơi công tác chưa đầy 4km nhưng cũng 2 tuần mới về qua nhà một lần bởi đặc thù công việc ở đội hậu cần có những việc phát sinh, bất thình lình cần đến.
Đã là người cha, hai con mới chập chững đến trường, cần lắm sự dạy bảo của cha mẹ để vào khuôn phép, Trung tá Kiên thừa hiểu sự có mặt của mình ở nhà lúc này quan trọng đến thế nào. Thế nhưng đã là quy định của cơ quan, là người lính không thể sai phạm.
Để bám sát chuyện học hành của hai con, không để con cái cảm thấy bố xa cách, anh chọn biện pháp điều khiển từ xa, hàng ngày gọi điện về cho hai con, kiểm tra chuyện học hành và nghe chúng trao đổi những điều còn chưa hiểu.
Trải qua nhiều lĩnh vực từ việc quản lý, canh coi phạm nhân đi lao động ngoài ruộng, đến làm việc trong nhà và quản giáo ở đội bếp và giờ là cán bộ tiếp liệu của đội hậu cần, Trung tá Trần Trung Kiên đã có 24 năm.
Qua đó, Trung tá Trần Trung Kiên đã nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, song với anh phần thưởng lớn nhất là chưa bao giờ bị phạm nhân, hay cán bộ kêu ca phàn nàn về chế độ ăn uống. Công việc của anh không cụ thể giúp một phạm nhân nào tiến bộ nhưng lại vô cùng quan trọng với hàng ngàn con người đang cải tạo nơi đây.
Theo Nguyên Vũ/ĐSPL

>> xem thêm

Bình luận(0)