Đài kiểm soát không lưu Nội Bài là một trong những công trình an ninh quốc gia nằm trong khu vực hạn chế của cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Tại đây, có 4 cơ sở điều hành bay bao gồm cơ sở kiểm soát tiếp cận; kiểm soát tại sân bay; kiểm soát mặt đất và vị trí điều hành bay quân sự (phục vụ các hoạt động bay quân sự tại khu vực sân bay Nội Bài). Tại đây, các nhân viên kiểm soát không lưu luân phiên "trực chiến" 24/7 để đảm bảo các hoạt động điều hành bay trong mọi tình huống nhằm ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay và các chướng ngại vật trong khu vực sân bay.
Trung bình mỗi ngày, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài điều hành 470 lần chuyến cất/hạ cánh nhưng những đợt cao điểm có thể lên tới 600 chuyến cất/hạ cánh và giờ cao điểm có thể điều hành 38 lượt chuyến cất/hạ cánh.Những ngày Tết đến xuân về là thời điểm "căng nhất" của anh em kiểm soát không lưu bởi lưu lượng máy bay cất/hạ cánh tăng cao so với ngày thường.
|
Trung bình mỗi ngày, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài điều hành 470 lần chuyến cất/hạ cánh nhưng những đợt cao điểm có thể lên tới 600 chuyến cất/hạ cánh.
|
Chia sẻ với báo Lao Động, anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay cho biết KSVKL khi đã vào vị trí không có chỗ cho sự riêng tư mà chỉ có sự tập trung cao độ, anh em không lưu "quyết gì cũng nhanh" bởi mọi sự chần chừ, thiếu quyết đoán đều có thể phải trả giá rất đắt và "làm cả đời, bao giờ buông mic ra thì mới nói là an toàn".
Khác với những công việc khác, KSVKL có sự hiệp đồng, phối hợp trong công việc rất cao và trước mỗi ca trực, các KSVKL đều phải đến trước ít nhất 15-20' để nhận ca và làm quen với màn hình. Không chỉ làm việc với độ tập trung cao, các KSVKL phải thường xuyên học tập về có thể vượt qua các kỳ thi năng định (xác định năng lực) và kỳ thi tiếng Anh (theo tiêu chuẩn của tổ chức Hàng không dân dụng thế giới), những KSVKL không đạt chuẩn sẽ bị đưa ra khỏi dây chuyền.
Trên đài chỉ huy Nội Bài luôn có kíp trực với 6 vị trí gồm xử lý số liệu điều hành bay, vị trí cấp huấn lệnh đường dài, vị trí kiểm soát tàu bay, vị trí hiệp đồng, vị trí điều hành tàu bay cất hạ cánh và vị trí kíp trưởng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Bùi Khắc Vinh tác nghiệp trong ca trực ở vị trí kíp trưởng với nhiệm vụ điều hành trực tiếp cho biết là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của kíp trực người, kíp trưởng có thể trực tiếp điều hành bay trong 1 số trường hợp đặc biệt, phức tạp và đưa ra quyết định cao nhất khi có những tình huống khẩn cấp.
|
Chị Trần Hoàng Linh, nữ KSVKL tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài.
|
Không chỉ phải bao quát toàn bộ công việc, kíp trưởng còn phải nắm được tình hình sức khoẻ tâm sinh lý của KSVKL và căn cứ vào kế hoạch bay, tình hình thời tiết, mật độ bay để sắp xếp phân công nhiệm vụ vào các vị trí thích hợp. Về nguyên tắc, các KSVKL có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí khác nhau để có thể hỗ trợ, tác nghiệp trong mọi tình huống.
Chị Trần Hoàng Linh, nữ KSVKL đang trực ở vị trí điều hành tàu bay lăn cho biết nhờ lấy chồng cùng nghề, chị có được sự đồng cảm, chia sẻ trong công việc. Tuy nhiên, do đặc thu ca kíp nên vợ chồng có khi 15-16 ca đêm không gặp nhau vì "vênh lịch trực" và như anh em vẫn trêu nhau "vợ chồng giao lưu lúc nào cả đài biết lúc đó" vì lịch trực là công khai.
Nếu đài chỉ huy phải có tầm nhìn bao quát thực tế thì Trung tâm kiểm soát tiếp cận được bố trí ở phía dưới và luôn vận hành 2 hệ thống song song trong đó có 1 hệ thống dự phòng. Các KSVKL tại trung tâm kiểm soát tiếp cận phải có năng định 2 vị trí để có thể làm đài chỉ huy. Trong tình huống cháy nổ khủng bố, trung tâm kiểm soát tiếp có thể kiểm soát luôn việc điều hành tại đài chỉ huy nhưng không phải điều hành cất hạ cánh mà để thông báo cho các tàu bay để họ quay đầu về nơi an toàn nhằm tránh việc mất kiểm soát hoàn toàn vì "đài chỉ huy phải thấy đường băng sân đỗ mới điều hành cất hạ cánh được".
Anh Vũ Nam Hưng, trưởng kíp trực trung tâm kiểm soát tiếp cận chia sẻ anh đã có 21 năm trong nghề và "cứ đến ca là đi làm". Nhân viên tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận được ví như CSGT ở nút giao "ngã 4, ngã 5" nơi mà mọi con đường đều dồn vào đó nên phải điều tiết để đảm bảo giao thông thông suốt.
Nếu đài chỉ huy chỉ trực tiếp điều hành các hoạt động tại sân bay Nội Bài thì trung tâm kiểm soát tiếp cận phải điều hành chỉ huy, dẫn dắt tàu bay cho nhiều sân bay trong cùng khu vực.
Một bộ phận khác cũng trực thuộc đài KSKL Nội Bài là bộ phận tín hiệu làm việc trực tiếp tại sân bay. Hứng đủ nắng gió, anh Nguyễn Minh Tuấn, sinh năm 1987, nhân viên bộ phận tín hiệu cho biết khác với nhân viên trực trên đài, nhân viên tín hiệu trực liên tục 12 tiếng sau đó được nghỉ 24 tiếng và cứ thế không phân biệt ngày nghỉ. "Bọn em không có ngày tết, ngày lễ mà chỉ có ngày trực và ngày nghỉ. Nếu trực trên đài chỉ căng thẳng, đòi hỏi sự tính toán liên tục và chính xác thì dưới này trực tiếp với thời tiết. Những ngày hè, nhiệt độ đo ngoài trời có lúc lên tới 60 độ vì nền bê tông thiết kế chịu lực cho tàu bay nên kết cấu nhiều sắt thép càng hấp nhiệt còn vào mùa đông, nhiệt độ trên sân cũng thấp hơn bình thường rất nhiều". Anh Tuấn cho biết để trụ được với cái nóng mùa hè nhân viên tín hiệu phải "xài giày riêng vì nếu đi giày thường sẽ bị chảy hết đế".