Chuyện lạ quanh khu rừng thiêng có tên "Rừng Đại Tướng"

Google News

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cả vạn bộ đội từ cánh rừng bí ẩn đã lặng lẽ hành quân sang những cánh rừng khác tự lúc nào.

Rừng cấm
Lang thang qua những bản làng thuộc huyện Phù Yên (Sơn La), khi đến bản Nhọt, thuộc xã Gia Phù, tôi bất chợt gặp một tấm biển han gỉ ghi: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Như vậy, khu rừng này mang tên Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng đại tài của dân tộc.
Tôi trèo lên sườn một ngọn núi, phóng tầm mắt thấy ngút ngàn rừng xanh. Rừng già trải khắp thung lũng, rừng trùm lên đỉnh núi Dưn lẫn trong mây mù.
Phóng tầm mắt ra hướng khác, thấy núi đồi trọc lốc, những mảnh nương vàng cháy xen lẫn những dải xanh của rừng tạp.
Tôi thả dốc xuống thung lũng, đến sát mép suối Bùa thì thấy xuất hiện một căn nhà gỗ nhỏ xíu lọt thỏm sau những tán rừng rậm. Mở chiếc cổng tre xộc xệch, tôi gõ cửa, một người đàn ông đi ra. Hỏi thăm về khu rừng có cái tên trùng với tên vị đại tướng tài ba của dân tộc, người đàn ông này vồn vã mời tôi vào nhà.
Người đàn ông sống cô độc trong căn nhà giữa đại ngàn này là ông Đinh Quyết Tiến, người Mường, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Gia Phù. Theo ông Tiến, ông chuyển vào khu rừng này ở với mục đích trông nom, quản lý cánh rừng mang tên Võ Nguyên Giáp, một khu rừng ít ỏi còn sót lại trên địa bàn giáp ranh giữa huyện Phù Yên và Bắc Yên của Sơn La.
Chuyen la quanh khu rung thieng co ten
Biển chỉ dẫn lối vào rừng cấm mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Ông Tiến cho biết, ngày trước, cánh rừng bao phủ ngọn núi Dưn, trải dọc thung lũng sông Bùa này là rừng thiêng, hay còn gọi là rừng cấm của người Mường sống tại các bản thuộc xã Gia Phù.
Đối với người Mường và một số dân tộc vùng cao khác, rừng cấm là chốn linh thiêng huyền bí. Trong rừng cấm có thần rừng, thần núi, là những thế lực siêu nhiên, bảo hộ cuộc sống đồng bào.
Hàng năm, cứ đến ngày 14-7 âm lịch, là ngày tết Xíp Xí, đồng bào Mường lại kéo nhau vào rừng, mổ lợn, gà, trâu để hiến tế thần rừng, thần núi, cầu mong mùa màng tốt tươi, trâu bò đầy núi, gà lợn đầy chuồng.
Sau lễ cúng thần rừng, đồng bào nấu nướng, ăn uống xả láng mấy ngày liền trong khu rừng cấm này. Ăn không hết thì để lại rừng, tuyệt nhiên không được mang thứ gì ra.
Sau lễ cúng, khu rừng trở thành rừng cấm, tuyệt đối không ai được vào rừng, nếu chưa được phép của thầy cúng, người được bản làng phân công trông nom, cúng khấn khu rừng này.
Theo đồng bào, các vị thần ngự trên các thân cây lớn trong rừng để nghị sự, tìm cách giúp con người được no ấm, yên bình. Do đó, mọi sự xâm phạm đến rừng, dù chỉ nhặt một cành khô, đào một củ măng, cũng được coi là xúc phạm thần rừng, sẽ bị trừng phạt.
Đồng bào Mường nơi đây tuyệt đối tin vào thần rừng, nên không bao giờ họ dám đến gần khu rừng này, chứ đừng nói đến chuyện xẻ gỗ, phá rừng, đốt nương.
Chính vì vậy, dù bạt ngàn rừng bị cạo trọc, dù “vương quốc pơ-mu” trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa Phù Bắc Yên đang biến mất từng ngày, song khu rừng thiêng này vẫn không bị xâm phạm.
Đại tướng trong rừng cấm
Cách đây độ 15 năm, hồi ông Đinh Quyết Tiến còn là Chủ tịch UBND xã Gia Phù, có một đoàn gồm các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử từ Hà Nội lên khu rừng này tìm hiểu. Đích thân ông Tiến đã dẫn các nhà nghiên cứu đi nhiều ngày trời trong khu rừng này và gặp các nhân chứng từ thời chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong số các nhân chứng có ông Hoàng Văn Ưu, bản Nà Khằm, nắm rõ nhất chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội trú ẩn ở khu rừng này ra sao. Theo ông Hoàng Văn Ưu, năm 1953, khi mới 16 tuổi, trong lúc vào rừng săn bắn, ông đã vô tình lạc vào khu rừng cấm của người Mường, rồi gặp một đoàn bộ đội trú ẩn trong rừng. Thấy súng ống tua tủa, ông hoảng quá định bỏ chạy, nhưng một vị cán bộ đã vỗ vai tươi cười mời ông đi theo.
Chuyen la quanh khu rung thieng co ten
Rừng Đại tướng rậm rạp, tốt tươi, không ai dám phá. 
Dù vô cùng sợ hãi, song ông Ưu vẫn phải lặng lẽ đi theo vị cán bộ này. Ông chỉ có khẩu súng kíp dùng săn thú, còn hàng ngàn bộ đội thì súng ống kề vai, có cả pháo hạng nặng nằm xếp hàng trên con đường mòn. Ông Ưu nghĩ, thế là toi mạng rồi!
Vị cán bộ dẫn ông Ưu đến gặp một người còn khá trẻ, ngoài 40 tuổi và giới thiệu là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tên Đại tướng như sấm dậy bên tai, chàng thanh niên Hoàng Văn Ưu đã quỳ phục xuống đất xin đại tướng cho đi theo đánh giặc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bên đỡ ông Ưu dậy, xoa đầu chàng trai nhỏ thó, cười hiền lành bảo: “Cháu còn nhỏ, chưa đi đánh giặc được. Cháu cứ ở nhà học hành, tham gia lao động sản xuất cho giỏi nhé!”.
Thế là, mấy ngày liền, ông Ưu ở lại trong rừng phục vụ bộ đội cụ Hồ. Hàng vạn bộ đội hành quân, kéo pháo, đào hầm trú ẩn trong rừng mà không hề phát ra tiếng động.
Một sáng, sau khi thức dậy, ông Ưu dụi mắt nhìn quanh, nhưng tịnh không có một bóng người. Khu rừng cấm trở nên yên ắng lạ thường. Đại tướng cùng cả vạn bộ đội đã lặng lẽ hành quân sang những cánh rừng khác tự lúc nào…
Người giữ “rừng Đại tướng”
Người duy nhất được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được chứng kiến tận mắt cả vạn bộ đội trú ẩn suốt mấy ngày trong khu rừng cấm của người Mường là ông Hoàng Văn Ưu. Tuy nhiên, ông Ưu đã mất gần chục năm trước.
Chuyện Đại tướng cùng binh hùng tướng mạnh vượt đèo Lũng Lô, sang đất Phù Yên rồi dừng chân tại khu rừng thuộc bản Nhọt, xã Gia Phù trước khi tập kết ở Mường Phăng, những cụ già ở xã Gia Phù đều biết và đều nghe nói.
Chính vì thế, sau ngày chiến thắng Điện Biên, khu rừng cấm này càng trở nên linh thiêng hơn trong những câu chuyện kể hàng đêm bên bếp lửa ở các bản Mường.
Trong những buổi lễ cúng rừng vào dịp tết Xíp Xí 14-7 âm lịch hàng năm, ngoài cúng thần rừng, thần núi, người Mường còn cúng cả linh hồn những chiến sĩ Điện Biên đã ngã xuống vì đất nước. Và cũng kể từ đó, khu rừng cấm linh thiêng này đã được nhân dân bản Nhọt thống nhất đổi tên thành “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Năm 1996, nghe tin có một khu rừng mà vị Đại tướng đại tài của dân tộc đã dừng chân, UBND huyện Phù Yên đã thành lập đoàn công tác, mời các nhà khoa học vào rừng xác minh, tìm hiểu. Sau đó, UBND huyện Phù Yên đã giao cho Lâm trường Phù Bắc Yên quản lý chặt chẽ khu rừng này.
Để quản lý được rừng, Lâm trường Phù Bắc Yên giao lại cho UBND xã Gia Phù và xã đã giao cho 4 người trong bản Nhọt chịu trách nhiệm trông nom khu rừng này, gồm Bí thư chi bộ bản Nhọt Đinh Công Són, trưởng bản Đinh Trọng Tuyền, phó trưởng bản Đinh Ngọc Sung và ông Đinh Quyết Tiến, Chủ tịch UBND xã Gia Phù.
Thời kỳ đó, người dân bản địa và người miền xuôi nô nức kéo nhau lên rừng tàn phá. Những cây gỗ quý bị triệt hạ đổ nghiêng ngả. Đồng bào Mông kéo nhau di cư hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để đốt nương làm rẫy.
Người Mường bản Nhọt tôn trọng rừng cấm, nhưng người Kinh thì không biết đây là rừng gì, cứ mang cưa vào xẻ. Do đó, để quản lý tốt khu rừng này, ông Chủ tịch xã Gia Phù Đinh Quyết Tiến đã dựng một căn lều nhỏ ngay cửa rừng, cách rất xa khu dân cư, nơi chỉ có hoang hoải đèo dốc, để trông nom rừng.
Hàng ngày, sau giờ làm việc, ông lại vào rừng tuần tra, rồi tối ngủ luôn ở chòi để giữ rừng. Ông sống giữa rừng thiêng nước độc để trông rừng ngoài trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ xã, còn thể hiện tình yêu với vị Đại tướng thiên tài của dân tộc.
Đồng bào Mông có thói quen du canh du cư, nên mỗi khi di chuyển, họ lại đốt rừng làm nương, xẻ gỗ làm nhà. Giờ đây, một số bản mới đã lan đến ven khu rừng thiêng này, nên nhiệm vụ trông giữ rừng của ông Tiến lại nặng nề hơn.
Cứ mỗi tuần hai lần, ông lại cùng 3 đồng chí được giao trông nom khu rừng cuốc bộ quanh rừng, đi dọc suối Bùa, lên tận đỉnh núi Dưn để kiểm kê từng cây gỗ, xua đuổi những kẻ phá rừng. Mỗi chuyến tuần rừng mất cả ngày trời trèo đèo lội suối.
Suốt 3 ngày Tết năm 2009, khi mọi người quây quần bên bếp lửa, ông cùng các đồng chí Són, Tuyền, Sung phải nằm bẹp trong rừng già theo dõi để tóm bằng được những đối tượng phá rừng.
Đã không ít lần ông Tiến và anh em bị những tên lâm tặc ngoan cố, chống đối dọa giết, song mọi người đều không chùn bước, kiên quyết thu cưa máy, bắt chúng về giao nộp cho chính quyền.
Nhờ sự kiên trì và lòng yêu rừng, sự kính trọng Đại tướng mà 20 năm nay, 240 ha rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn.
Căn chòi xưa kia giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà nhỏ. Cuối tuần, vợ con lại đi gần chục cây số lên ở với ông cho đỡ buồn. Vợ chồng ông Tiến cũng vô tình trở thành hướng dẫn viên miễn phí cho những vị khách muốn tìm hiểu về khu rừng thiêng liêng này.
Ngôi đền xanh thiên nhiên
Từ căn nhà nhỏ của ông Tiến ở cửa rừng, chúng tôi lần theo con đường mòn vắt chùng chình trên sườn núi, vòng xuống tận suối Bùa. Theo ông Tiến, con đường mòn nhỏ xíu chúng tôi đang đi chính là con đường hành quân lên Điện Biên Phủ của bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng chính là con đường thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên năm xưa.
Con đường rộng 1-2m, chỉ dùng để cuốc bộ hoặc cưỡi ngựa giờ không ai đi nữa, có đoạn rêu xanh, cỏ cây bít lối chìm nghỉm trong rừng già, có đoạn đã nhập vào Quốc lộ 37 đi Hát Lót (Sơn La).
Rừng thiêng dưới sự trông nom của ông Tiến và những người dân bản Nhọt vẫn âm u, rậm rạp như 60 năm trước.
Những cây lát, dổi, chò chỉ, sấu, sâng khổng lồ, to mấy người ôm, ngọn cao chót vót lẫn trong mây mù. Nếu không được trông nom cẩn thận, những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi này đã bị lâm tặc đốn hạ từ đâu rồi.
Lội qua con suối Bùa, chúng tôi tiến lên phía đỉnh núi Dưn. Ông Tiến chỉ cho tôi xem những hố đất sâu hoắm nham nhở dọc sườn núi, dưới những tảng đá, khe vách, gốc cây cổ thụ.
Theo ông Tiến, ở khu vực này xưa kia có rất nhiều hầm, hang trú ẩn do bộ đội đào khi dừng chân ở đây. Tuy nhiên, mấy chục năm nay, đồng bào Mông vào rừng đào củ mài đã phá tan những hầm, hố đó. Giờ đây, bằng con mắt thông thường, không thể phân biệt được đâu là hầm trú ẩn, đâu là hố đào củ mài nữa.
Lang thang trên những lối mòn dưới tán rừng âm u ngàn năm tuổi này, tôi có cảm giác như vẫn đâu đây từng trung đoàn bộ đội Cụ Hồ đang hò dô kéo pháo, hoặc lặng lẽ thồ gạo tiến về phía Tây Bắc để làm nên một chiến thắng vang dội địa cầu.
Đứng trên đỉnh núi Dưn phóng tầm mắt ra tứ phía thấy ngoài ngọn núi Dưn và thung lũng dưới chân núi có suối Bùa chảy qua còn một dải rừng xanh um, thì rừng cơ bản đã bị cạo trọc. Đồng bào Mường bản Nhọt còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu, giữ từng nhành cây trong rừng. Họ tự đặt tên cho khu rừng là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Khu rừng cấm thiêng liêng này chính là ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã lập để thờ ông cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đối với vị Đại tướng giản dị, đôn hậu, từng được đồng bào gọi là “già bản Võ Nguyên Giáp” mỗi khi trở lại thăm chiến trường xưa, đó là hạnh phúc lớn nhất.
Theo Phạm Dương Ngọc/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)