Cái Tết buồn của nữ sinh nghèo phải bán tóc để có tiền đi học

Google News

Lên lớp 10, đoạn đường từ nhà đến trường càng lúc càng xa, thế nhưng em Nguyễn Thị Hồng chưa một lần nghĩ rằng sẽ bỏ học. Một buổi đến trường, một buổi em cố tìm việc để phụ giúp gia đình.

Những ngày cuối cùng của năm 2018, ngôi nhà nhỏ của em Nguyễn Thị Hồng (SN 2003), trú tại xóm Trung Mỹ, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vẫn vắng lặng đến cô quạnh. Thấy khách đến nhà, em Hồng và người bà ngoại Trần Thị Quy (SN 1931) mới bước từ sau giếng lên đón tiếp.
Rót bát nước lọc, Hồng ngượng ngùng giải thích nhà không tiếp khách bao giờ nên không có trà hay chè nóng. “Nhân mấy ngày nghỉ, em đang dọn dẹp ở sau vườn, nhà cũng nhỏ nên không phải lau chùi gì nhiều. Với lại Tết năm nào cũng giống nhau…”, Hồng nói.
Khi được hỏi bố mẹ đâu thì nữ sinh này cúi đầu không dám nói, lúc này bà Quy đỡ lời: “Mẹ cháu thì đang nằm nghỉ trong giường, còn bố cháu bỏ đi từ hồi nó còn trong bụng, vì thế đến bây giờ chưa được gặp bố bao giờ”.
Bà Quy có 8 người con, trong đó chị Nguyễn Thị Châu (SN 1976, mẹ Hồng) là người áp út. Tuy nhiên, chị Châu vốn từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không tỉnh táo như bao người khác. Gia đình vốn khó khăn nên bà Quy cũng không đưa con đi chữa trị ở đâu, vì vậy chị Châu cũng chỉ loanh quanh trong nhà giúp việc đồng áng cho bố mẹ.
Cai Tet buon cua nu sinh ngheo phai ban toc de co tien di hoc
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình em Hồng.
Trong một lần dẫn trâu ra đồng, một người đàn ông thấy chị Châu không bình thường đã dụ dỗ quan hệ, rồi sau đó nhanh chân bỏ trốn. Vì vậy em Hồng sinh ra không biết bố mình là ai, còn chị Châu thì không nhớ người đàn ông nào đã gây ra sự việc này.
“Chúng tôi xem cháu Hồng như là một món quà, dù sao con gái tôi cũng không lấy được ai nữa. Sau khi sinh xong thì vợ chồng tôi giữ con cháu ở lại để nuôi nấng, chăm sóc”, bà Quy cho hay.
Khi được hỏi có muốn gặp bố không thì nữ sinh này lắc đầu. Hồi nhỏ em từng thắc mắc bố mình là ai, nhưng khi lớn lên biết rằng người bố này đã bỏ đi thì em lại không muốn có bố nữa. Hồng chấp nhận mình là đứa bé mồ côi cha như là điều bình thường.
“Bố em bỏ đi từ khi em chưa sinh, nên em cũng không biết bố là ai. Có mấy lần hỏi mẹ và bà, nhưng mẹ thì tinh thần không được tỉnh táo, còn bà thì chẳng nhớ…”, Hồng lí nhí nói.
Bán mái tóc để có tiền đi học
Mặc dù đông con, nhưng các người con của bà Trần Thị Quy lớn lên đều rời quê hương đi xa để làm ăn, nên hiện chỉ còn mẹ con em Nguyễn Thị Hồng ở cùng với bà ngoại. Gia đình không có sào ruộng nào, chẳng biết làm việc gì để sống, nên cả nhà thuộc hộ nghèo mấy chục năm nay.
Mẹ không tỉnh táo, bà ngoại già không còn sức lao động, mọi việc trong nhà đều một tay em chăm lo. Hoàn cảnh khó khăn đó đã làm cho Hồng trở nên chín chắn trước tuổi.
Cai Tet buon cua nu sinh ngheo phai ban toc de co tien di hoc-Hinh-2
Hồng chưa bao giờ thấy mặt bố.
“Thực ra cũng không phải làm gì nhiều, bởi nhà có gì đâu mà làm. Tài sản lớn nhất của gia đình em là con bò được tặng theo chính sách dành cho hộ nghèo. Vì vậy sáng sớm em dậy cắt cỏ sẵn cho bò, nấu cơm sáng để cho mẹ và bà ngoại là đi học”, Hồng nói.
Tan trường trở về, việc đầu tiên Hồng làm là gọi mẹ vì sợ mẹ đi đâu lạc mất, cất cặp xách lúi húi vào bếp nhóm lửa nấu cơm canh, giặt đồ cho mẹ, ra vườn cắt cỏ cho bò. Những bữa cơm trưa luôn quá 1 giờ chiều. Em chỉ tranh thủ học những lúc rảnh rang việc nhà.
Bà Trần Thị Quy rơm rớm nước mắt: “Mẹ của cháu Hồng bị thần kinh từ nhỏ, không được tỉnh táo như người khác. Đến cái tên, nó còn không nhớ. Nhiều hôm thương con Hồng, đi học về đã trưa trật không thấy mẹ lại lật đật đi tìm quanh làng quanh xóm.
Việc học hành của con Hồng cũng khó khăn lắm, không biết theo hết THPT không nữa. Mọi chi phí đều trông chờ vào người thân, tình làng nghĩa xóm, anh em họ hàng”.
Một buổi em đến trường, một buổi ở nhà làm việc phụ giúp gia đình. Để có tiền học tập, Hồng vẫn thường hay đi cuốc cỏ mía, sắn thuê cho người dân trong xã. Thương cô học trò nghèo, mọi người cũng hay giúp đỡ dù chẳng được là bao. Mấy năm trước, nhân lúc nghỉ hè dài ngày, Hồng còn xuống Vinh phụ giúp bán hàng cho một người quen để có tiền đóng học phí học kỳ mới.
“Năm nay Hồng lên lớp 10, quãng đường đến trường xa hơn trước gần 10 km. Mới tháng 11 vừa rồi, cháu phải bán đi mái tóc dài hơn 1 mét được gần 1,5 triệu đồng để có tiền đi học. Thương cháu nhưng tôi chẳng có gì để cho”, bà Quy thở dài.
Khi được hỏi về ước mong được làm nghề gì thì em lắc đầu, đối với cuộc sống hiện nay thì điều đó là quá xa vời. Tuy nhiên Hồng khẳng định sẽ cố học xong THPT. “Em sẽ không bỏ cuộc đâu, em sẽ cố gắng học cho hết THPT nếu có thể. Tuỳ vào hoàn cảnh, em sẽ tính tiếp”, Hồng nói.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Tân Kỳ 3, chia sẻ: “Hoàn cảnh em Nguyễn Thị Hồng đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, nhà trường có dành quà từ các đoàn từ thiện cho em. Hồng cũng được miễn các khoản đóng góp (trừ các khoản bắt buộc). Tuy nhiên cuộc sống còn vẫn rất vất vả, vì vậy rất mong các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm để em có thể phụ giúp cho gia đình, cũng như yên tâm đến lớp”.
Theo Anh Ngọc / Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)